Những ‘lợi ích’ từ chiến dịch tìm kiếm MH370
Tuesday, March 3, 2015
Các nước Malaysia, Mỹ, Australia và Trung Quốc đều dốc sức vào chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Hàng không Malaysia mất tích hôm 8/3/2014, quy mô lớn nhất trong lịch sử hàng không này. Tuy đến nay đã 1 năm chưa phát hiện dấu vết nào của phi cơ mất tích, nhưng các nước đã thu được nhiều thành tựu khoa học và bài học từ thảm kịch này.
ảnh minh họa
Nhưng giới khoa học lại quan tâm tới một khía cạnh khác của sự kiện này. Rõ ràng đây là một cuộc trình diễn, tỉ thí sức mạnh quân sự và khoa học và công nghệ (KH&CN) của các quốc gia tham gia tìm kiếm.
Hãng tin AP điểm lại những thành tựu khoa học kỹ thuật chính mà các nhà khoa học rút ra trong quá trình tìm kiếm MH370:
Xây dựng hệ thống theo dõi máy bay tốt hơn
Một bài học quý giá đối với toàn bộ ngành hàng không sau thảm kịch MH370 là họ cần một hệ thống theo dõi máy bay, ngay cả khi phi cơ chỉ bay trên đất liền trong suốt hành trình. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đề nghị các hãng hàng không phải cập nhật vị trí máy bay cứ mỗi 15 phút. Đề xuất này sẽ áp dụng từ tháng 11/2016.
Một quy định nghiêm ngặt hơn là các hãng phải cập nhật thông tin từng phút nếu máy bay gặp sự cố, như hỏa hoạn xảy ra hoặc máy bay có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với các máy bay sản xuất sau năm 2020.
Ngày 1/3/2015, Bộ trưởng Giao thông Australia, Warren Truss, nói cơ quan hàng không Australia đang hợp tác với Malaysia và Indonesia để thử nghiệm hệ thống theo dõi mới, có khả năng truy vết máy bay cứ mỗi 15 phút thay vì 30-40 phút như trước đây.
Tuy nhiên, ngay cả khi MH370 có trang bị hệ thống này thì các cơ quan chức năng cũng không thể lần ra dấu vết máy bay, do bộ phận phát tín hiệu và những thiết bị khác đã tắt một cách khả nghi. Do nhà điều tra vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra với MH370 nên các hãng hàng không cũng không có thông tin để cải tiến hệ thống máy móc hoặc kỹ thuật huấn luyện điều khiển bay.
Cải thiện khả năng tìm kiếm quy mô quốc tế
Ông Chris Budde, quan chức điều hành hoạt động hàng hải của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, nói chiến dịch tìm kiếm quy mô quốc tế QZ8501 đã diễn ra nhịp nhàng hơn nhờ những bài học từ chiến dịch truy dấu vết MH370. Theo ông Budde, việc thiết lập tần số liên lạc vô tuyến chung và xác định ai sẽ là cơ quan trên bờ cần thông báo giữa các nước tham gia đã hiệu quả hơn, do Indonesia rút ra nhiều kinh nghiệm từ sự việc MH370.
"Tất cả tai nạn đều đau lòng, nhưng chúng đã thúc đẩy sự hợp tác và ổn định khu vực khi quân đội các nước cùng chung tay", ông Budde nói.
Những bản đồ mới về đáy biển
Các chuyên gia đã vẽ nhiều bản đồ về đáy biển ở phía nam Ấn Độ Dương, nơi mà các dữ liệu đều khẳng định MH370 đã kết thúc số phận tại đây. Những bản đồ đáy biển trước đây chỉ dựa trên dữ liệu vệ tinh, vốn chỉ cung cấp những số liệu phỏng đoán thô sơ về độ sâu đáy biển.
Trong quá trình tìm kiếm MH370, đội chuyên gia đã sử dụng đến thiết bị dò sóng âm và các tàu lặn. Do vậy, họ đã xây dựng một bản đồ đáy biển mới với diện tích tương đương bang Nebraska (Mỹ), khám phá ra nhiều vết nứt và những ngọn núi dưới nước vốn chưa từng biến đến trước đó. Những ngọn núi này có chiều cao vượt qua bất kỳ núi nào trên mặt đất ở Australia. Các nhà khoa học toàn thế giới đang trông đợi việc công bố bản đồ 3D và dữ liệu về đáy biển mới sau khi việc tìm kiếm MH370 khép lại.
Cải thiện dự đoán sóng thần
Stuart Minchin, một chuyên gia về khoa học địa chất Australia, nói các bản đồ dại dương mới sẽ giúp những nhà khoa học hiểu thêm về những khu vực dễ bị biến động nếu động đất xảy ra, từ đó có thể gây ra sóng thần. Những thông tin này giúp khoanh vùng chính xác các khu vực xung quanh bờ biển tây Australia có khả năng đối mặt với sóng thần, từ đó cải thiện công tác dự đoán và bảo vệ người dân sống ven biển.
Nâng cao công tác tìm kiếm - cứu nạn
Nắm rõ địa hình đáy biển cũng giúp nâng cao khả năng dự đoán dòng chảy đại dương của các nhà khoa học. Từ đây, các đội cứu nạn có thể đưa ra những phân tích chắc chắn và logic hơn về nơi một chiếc tàu hỏng động cơ đã trôi dạt đến. Ông Minchin cũng cho rằng những kiến thức mới có thể giúp phân tích nhiệt lượng phân bố qua đại dương như thế nào, từ đó vận dụng vào ngành khí tượng để cho ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác hơn.
Cánh cửa để soi vào lịch sử
Ông Robin Beaman, chuyên gia địa chất đại dương tại Đại học James Cook (Australia), nói bản đồ dưới nước mới sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những vết nứt trên bề mặt trái đất, và chúng phân tách thế nào từ hàng triệu năm trước. Quá trình này vẫn diễn ra đến ngày nay, và đang từ từ "đẩy" Australia rời xa Nam Cực.
Theo ông Beaman, bản đồ mới cũng giúp xác định các mỏ khí đốt dồi dào ở vùng biển phía tây, cũng như tìm hiểu cách chúng hình thành như thế nào.
Để khẳng định về tầm quan trọng của những bản đồ đáy biển, chuyên gia Dave Gallo (Mỹ) nói các nhà khoa học chỉ mới khám phá 8% thế giới trong lòng đại dương. "Nhiệm vụ này còn khó hơn thăm dò sao Hỏa, vì dưới biển không có ánh sáng. Tất cả những kiến thức từ trước đến nay hoàn toàn nhờ vào hoạt động khám phá thuần túy của con người chứ không có bản đồ nào".
Theo Zing.vn
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment