Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ, nhiều học giả Nga đặt ra một số câu hỏi về vai trò vị trí và chiến lược của nước Nga ở châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nước Nga nằm ở đâu trong các chính sách quốc gia của Việt Nam? Và nước Nga có những lợi thế gì trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam so với Hoa Kỳ? Và liệu vai trò của Nga ở Việt Nam có bị Hoa Kỳ lấn át?
Mặc dù Nga gặp phải một số khó khăn nhưng các hợp đồng vũ khí cho Việt Nam vẫn được gấp rút hoàn thành
Trong một bài viết mới đây trên tờ Độc Lập của Nga, ông Vladimir M. Mazyrin, tiến sĩ Kinh tế học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông nước Nga cho biết, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm lịch sử và từ đây sẽ mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đó là một bước tiến tới việc công nhận tính chất chiến lược của mối quan hệ.
Xét về địa chính trị, Hà Nội muốn tạo đối trọng với sự lớn mạnh của người hàng xóm phương Bắc cùng với những tuyên bố về cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam cũng muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, nguồn vốn, công nghệ nhằm đảm bảo quyền tự chủ, độc lập trong hoạt động đối ngoại, học giả Mazyrin cho biết.
Trong lĩnh vực kinh tế, học giả Mazyrin cho biết, chúng ta đang chứng kiến không chỉ là một sự trùng hợp về lợi ích, mà một minh chứng là Mỹ chính là động cơ cho sự phát triển của Việt Nam. Đã 10 năm kể từ khi Hoa Kỳ trở thành thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, chiếm khoảng 20% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nói chung, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn gấp ba lần so với năm 2006 và đạt 36,2 tỷ USD trong năm 2014. (lớn hơn 10 lần so với Nga). Đối với Việt Nam thặng dư trong thương mại với các đối tác Hoa Kỳ khoảng 20 tỷ USD, điều đó cho phép Việt Nam ngăn chặn sự mất cân bằng nguy hiểm trong thương mại với Trung Quốc. Mỹ là nhà đầu tư thứ bảy trong nền kinh tế Việt Nam với số vốn đăng ký trong 725 dự án lên đến 11 tỷ đô la. Hai quốc gia đang trong giai đoạn cuối trong các cuộc đàm phán để Hà Nội trở thành một thành viên của đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).
Vị trí thống lĩnh của Mỹ trong vai trò đối tác thương mại và đầu tư tại Việt Nam đang tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với những nỗ lực của Nga nhằm để duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Washington có thể tận dụng lợi thế của một thế giới đơn cực cùng với việc họ quản lý hệ thống tài chính quốc tế để làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở Việt Nam, nhằm thực hiện "giấc mơ Mỹ", khát vọng của hàng triệu người, học giả Mazyrin cho biết.
Học giả Vladimir M. Mazyrin cho rằng, Washington đã làm cho người Việt Nam biến đổi nhận thức trong các chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, từ nhận thức hoàn toàn tiêu cực sang tích cực, chỉ trong 20 năm, quả là nhiệm vụ không hề đơn giản, nhưng đã thành công. Thành công này được chứng minh bằng các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện. Cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew được tiến hành như để chứng minh rằng Việt Nam hoan nghênh việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á, bao gồm cả trên Biển Đông. Điều thú vị là người Việt thích một đường lối cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ và hợp tác kinh tế với Trung Quốc, trong khi người dân của Malaysia bày tỏ quan điểm ngược lại, người Philippines và Indonesia - đã chọn vị trí trung gian. Quan điểm của Hà Nội gần nhất với Washington.
Quan điểm của tiến sĩ Vladimir M. Mazyrin khá khắt khe khi cho rằng, người Việt đã quên đi lịch sử, quên đi rằng mình là nạn nhân của cuộc chiến tranh và đề cao biểu tượng - đồng đô la. Ông đặt câu hỏi rằng, liệu người Việt có được đảm bảo khi dựa vào Hoa Kỳ? và ông cũng cho rằng, câu trả lời nằm ở bản thân mỗi người Việt, ông nhắc lại "những người bạn thật sự là những người không quên sứ mệnh của mình, giúp đỡ các đồng minh bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia dân tộc, thay vì áp đặt quan điểm và giá trị của họ bằng đồng tiền, vũ lực, lừa lọc."
Trong khi đó học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga cũng có một bài viết rất sâu sắc trên Diplomat về mối quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Hoa Kỳ sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Học giả Anton Tsvetov cho biết, mặc dù cả Hà Nội và Washington đều khẳng định mối quan hệ của họ nồng ấm không phải vì nguyên nhân từ Bắc Kinh, nhưng thực sự người ta không thể bỏ qua vai trò trung tâm của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ ở khu vực nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khi đó quan hệ với Mỹ cũng rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam, nó như một rào cản nhằm chống lại việc Việt Nam có sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Học giả Anton Tsvetov
Trong khi Trung Quốc không bao giờ bỏ lỡ bất cứ diễn biến mới nào trong quan hệ Việt-Mỹ, Nga thường bỏ qua, dẫn đến sự thất vọng của các nhà quan sát châu Á ở Nga.
Học giả này đặt ra các câu hỏi và trả lời, Moskva nằm ở đâu và nắm giữ vai trò gì trong cuộc chơi phức tạp ở châu Á? Những lợi thế nào của Nga tại Việt Nam mà Hoa Kỳ không có?
Đầu tiên, trọng tâm buôn bán vũ khí, Nga đã và đang là nguồn cũng cấp các trang thiết bị vũ khí cho Việt Nam, từ thời chiến tranh và đến nay là giúp Việt Nam hiện đại hóa hải quân. Trọng tâm là hợp đồng tàu ngầm với 6 tàu ngầm lớp Kilo được trang bị tên lửa Club-S. Trong khi đó mặc dù Mỹ vẫn cấm vận vũ khí Việt Nam, nhưng họ vẫn có thể bán (hoặc cho) Việt Nam các trang thiết bị hàng hải cho Hải quân và Cảnh sát biển, chúng ta có thể thấy rằng điều này đã xảy ra rồi, và rõ ràng rằng Việt Nam sẽ mất hàng thập kỷ để có thể trang bị và sử dụng tốt các trang bị từ phương Tây. Vì vậy, Nga có thể vẫn sẽ là chìa khóa, đối tác buôn bán các trang thiết bị vũ khí trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông...
Thứ nữa, Nga có một lợi thế rất lớn so với Mỹ khi Nga là đối tác đối thoại chính trị của Việt Nam. Trong con mắt của Đảng Cộng sản Việt Nam các mối quan hệ hợp tác với Nga không kèm theo bất kỳ ý định "thù địch" hay đòi hỏi và áp đặt hệ tư tưởng. Moskva không đòi hỏi và thúc đẩy việc Việt Nam phải cải cách đảng phái, không áp đặt bất bỳ điều kiện nào đối việc buôn bán vũ khí, thương mại, đầu tư hoặc hợp tác nhân đạo...
Học giả Anton Tsvetov trình bày rõ điểm yếu nhất của Nga trong quan hệ với Việt Nam, đó là việc Nga không thể và gần như không có cách nào khác hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, do cuộc khủng hoảng Ukraine. Mặt khác, chính quyền Obama đã rõ ràng hỗ trợ Việt Nam trước sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Thẳng thắn mà nói: tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc là một trong những nguyên nhân của mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ và là một trong những chất kích thích trong quan hệ đối tác với Nga.
Bắc Kinh không chỉ là yếu tố duy nhất ngăn cản mối quan hệ Việt-Nga. Sự suy thoái kinh tế ở Nga cũng có nghĩa là Nga không thể là quốc gia tiêu thụ hàng cho Việt Nam như Hoa Kỳ. Mặc dù khu vực liên minh kinh tế Á-Âu (FTA) với Việt Nam được thiết lập và có hiệu lực vào năm 2016, khu vực này có thể thúc đẩy thương mại song phương, nhưng thị phần xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn nằm dưới 2 phần trăm. Sức mua và cấu trúc của quan hệ kinh tế này quá khác so với cấu trúc Việt Nam - Mỹ, học giả này cho biết.
Việc tái lập quan hệ Mỹ-Việt Nam, có thể thấy là ấn tượng, nhưng chắc chắn không phải là một cuộc hôn nhân, nhưng lại nhiều hơn một cuộc tình. Đi quá xa trong chuyện này sẽ gây ra quá nhiều rắc rối với Trung Quốc, và điều đó có thể kéo theo một thảm họa cho một nhà nước nhỏ như Việt Nam. Đa dạng hóa quan hệ là chìa khóa giải quyết vấn đề và để Nga tiềm năng trở thành một quyền lực và "lực lượng thứ ba" cho sự ổn định. Nếu chính quyền Mỹ thực sự muốn một Việt Nam mạnh, độc lập và ổn định, thì Mỹ cần tôn trọng mối quan hệ lâu dài của Việt Nam với Nga, Anton Tsvetov cho biết thêm.
Theo Diplomat, Ng.ru
Comments[ 0 ]
Post a Comment