Ấn-Mỹ-Nhật và Úc-Mỹ-Nhật tập trận hải quân chung, tăng cường hợp tác tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Úc và Mỹ tập trận hải quân chung quy mô lớn mang tên “Talisman Sabre”, lần đầu tiên có Nhật Bản tham gia
Úc và Mỹ vừa hoàn thành cuộc tập trận hải quân chung lần thứ sáu, từ ngày 4-19/7. Cuộc tập trận năm nay mang tên “Talisman Sabre” có 33 ngàn binh sĩ, 200 máy bay và 21 tàu chiến của hai nước tham gia. Đây là cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ năm 2005, với các tình huống chiến đấu trên biển và trên đất liền. Lần đầu tiên Nhật Bản cử 500 binh sĩ và Niu Zilân cử 40 binh sĩ tham gia.
Nhật Bản được mời tham gia tập trận Ấn-Mỹ
Trong khi đó, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành tập trận hải quân chung mang tên “Malabar 2015” tại Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận sẽ diễn ra tại vịnh Bengal phía Đông Bắc Ấn Độ Dương vào tháng 10/2015. Các quan chức quân sự Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản đã gặp nhau tại căn cứ hải quân tại Yokosuka gần Tokyo từ 22-23/7/2015 để thảo luận về khuôn khổ, vấn đề hậu cần, loại tàu chiến và máy bay nào sẽ được ba nước triển khai trong cuộc tập trận tại Vịnh Bengal.
Ấn Độ Dương đã trở thành một trung tâm thương mại và dòng chảy năng lượng toàn cầu mới với khoảng một nửa số côngtơnơ và 70% năng lượngcủa thế giới được vận tải qua vùng biển này. Với Trung Quốc là hơn 3/4 tàu dầu quá cảnh đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca.
Những năm gần đây, hải quân Trung Quốc đang tiến vào Ấn Độ Dương. Vùng biển này đã nổi lên như một đấu trường cạnh tranh mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ đang cố gắng phục hồi vị trí cường quốc hàng hải thống trị trong khu vực. Quyết định của New Delhi mở rộng cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm với sự tham dự của Nhật Bản đã cho thấy sự thắt chặt quan hệ quân sự giữa 3 cường quốc hàng hải lớn tại châu Á.
Cuộc tập trận đa phương gần đây nhất mà Ấn Độ tổ chức tại Vịnh Bengal là vào năm 2007. New Delhi đã mời Nhật Bản, Úc và Singapore tham gia cùng với Mỹ tập trận hải quân tại Vịnh Bengal. Bắc Kinh lúc đó lo ngại rằng cuộc tập trận đa phương này nhằm tập hợp một nhóm do Mỹ đứng đầu tương tự như tổ chức NATO. Theo Đại tá Gurpreet Khurana, hiện là Giám đốc điều hành Quỹ hàng hải Ấn Độ, Bắc Kinh khi đó đã sử dụng các kênh ngoại giao để tìm kiếm sự giải thích rõ ràng về quyết định tham gia cuộc tập trận đa phương này từ các nước liên quan. Các cuộc tập trận sau đó đã phải thu hẹp quy mô và Ấn Độ chỉ tham gia các cuộc tập trận ba bên khi nó diễn ra ở các vùng biển cách xa nước này, ví dụ như cuộc tập trận hồi năm ngoái ở ngoài khơi bờ biển Nagasaki của Nhật Bản.
Quyết định lần này của Thủ tướng Ấn Độ Modi mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận sau một thời gian do dự đã cho thấy xu hướng thúc đẩy quan hệ gần gũi với Mỹ và các đồng minh đối tác của Ấn Độ. Nhật Bản tham dự cuộc tập trận vào thời điểm Tokyo mở rộng vai trò quân sự chống lại việc Trung Quốc không ngừng tăng cường sự hiện diện hải quân ra các vùng biển ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Theo Tiến sĩ Raja Mohan, tác giả cuốn sách “Thế giới của Modi: Mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ”, cho rằng Ấn Độ hiện không còn cho phép Bắc Kinh phủ quyết quan hệ đối tác quốc phòng của mình với các nước khác. Trung Quốc đã không thèm đếm xỉa tới những quan ngại của Ấn Độ về kẻ thù không đội trời chung là Pakistan, khi tiến hành xây dựng hành lang kinh tế chiến lược Trung Quốc-Pakistan với hệ thống các cảng và đường bộ trị giá 46 tỷ USD.
Ấn Độ luôn phản ứng với sự có mặt của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, như việc tàu ngầm lớp Nguyên ra vào cảng Karachi (Pakistan).
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Robin Dhowan đã tuyên bố sẽ quan sát chặt chẽ và liên tục để xác định những thách thức mà tàu ngầm lớp Nguyên tạo ra. Chính phủ Ấn Độ cũng đã cảnh báo Sri Lanka khi cho phép tàu ngầm Trung Quốc thả neo tại cảng Colombo, đề nghị không nên để sự việc xảy ra lần nữa. Sự có mặt của tàu ngầm Trung Quốc tại khu vực không có gì bí ẩn khi các tàu này công khai đi qua eo biển Malacca cùng với các tàu chiến Trung Quốc khác để đến Vịnh Aden. Một số báo Ấn Độ cho rằng việc chống cướp biển không cần đến tàu ngầm và cho rằng Trung Quốc đang tập triển khai tầm xa tàu ngầm hạt nhân viện dẫn chống cướp biển. Mỹ cũng rất quan tâm tới hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.
Trung Quốc muốn cùng Ấn Độ chia sẻ Ấn Độ Dương
Học giả Chu Ba (Zhou Bo), thành viên danh dự của Viện Khoa học quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng Ấn Độ không thể một mình đảm bảo an ninh tại Ấn Độ Dương dù nước này coi đó là sân sau của mình và không muốn nước khác cạnh tranh tại khu vực.
Viết trên Nhân dân Nhật báo, Chu Ba khuyên Ấn Độ “nên có tư tưởng khoáng đạt”. Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong các vùng biển quốc tế như Ấn Độ Dương không phải là mối đe dọa. Nếu Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Trung Quốc và Mỹ thì Ấn Độ Dương cũng đủ chỗ cho Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc muốn Ấn Độ “thoáng”, trong khi lại ra sức chèn ép các nước nhỏ ở Biển Đông. Thật là dễ mình mà khó người./.
Comments[ 0 ]
Post a Comment