Ý NGHĨA CHUYẾN THĂM HOA KỲ CỦA TỔNG BÍ THƯ
Monday, July 6, 2015
Kể từ năm 1975 đến nay trong khu vực và Việt Nam không thiếu các cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia với nhau trên thế giới. Đó là chuyện quá đổi bình thường của công tác đối ngoại, quan hệ, hợp tác quốc tế…trong một thế giới toàn cầu hóa. Tuy nhiên, việc các nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Mỹ thăm viếng lẫn nhau lại khiến cho dư luận quốc tế, giới quan sát chính trị có sự quan tâm, chú ý đặc biệt trong thời gian qua.
Vì sao như vậy thì chúng ta đã quá hiểu khi Việt Nam và Mỹ vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài, tàn khốc nhất trong lịch sử của đôi bên.
Chiến tranh Việt-Mỹ kết thúc năm 1975, nhưng “hậu chiến” vẫn tiếp tục căng thẳng, ác liệt cho đến năm 1995 khi Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam sau 20 năm trời. Và cho đến hiện tại, tuy Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ nhưng mối quan hệ đó vẫn chưa được “bình thường” khi Mỹ vẫn còn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, Mỹ vẫn còn gây khó dễ…với Việt Nam.
Đến nay, 40 năm sau chiến tranh Việt Nam, trong một bối cảnh, nhận thức, hiểu biết về nhau như thế, nhưng quan hệ Việt-Mỹ có được như bây giờ là một thành tựu mà “không có 2 quốc gia nào trên thế giới có thể làm thay đổi mối quan hệ sâu sắc trong một thời gian ngắn như thế”. Có vẻ như Việt Nam và Hoa Kỳ đang phấn đầu bù lại thời gian đã mất, lấy lại những gì đã mất, đã bỏ lỡ những cơ hội thời gian qua.
Tại sao không phải là Thủ tướng hay Chủ tịch nước mà là Tổng bí thư một đảng Cộng sản cầm quyền tạo nên biểu tượng đặc biệt?
Thứ nhất, việc Hoa Kỳ mời chính thức TBT Đảng CSVN sang thăm, chứng tỏ Hoa Kỳ đã đánh giá đúng mục tiêu, vai trò, địa vị của Đảng CSVN trong toàn bộ mọi thành bại của công cuộc dựng nước và giữ nước Việt Nam thời hiện đại, do đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp đón trọng thị như một nguyên thủ quốc gia Việt Nam là không có gì phải bàn cãi. Quốc gia này có thủ tướng nắm quyền, tổng thống là danh nghĩa, quốc gia kia thì ngược lại…nhưng Việt Nam, Tổng bí thư là nguyên thủ lãnh đạo cao nhất.
Thứ hai, việc mời TBT Đảng CSVN, đảng cầm quyền, sang thăm, chứng tỏ Mỹ không còn coi trọng ý thức hệ mà đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Điều này lại rất tương đồng với nhận thức của Việt Nam, bởi vì Đảng CS Việt Nam ngoài lợi ích quốc gia, dân tộc ra không có lợi ích nào khác.
Quả thật, nhận thức và quyết định này không phải là dễ dàng, đơn giản từ phía Hoa Kỳ, bởi lẽ về phía Việt Nam, ngay từ thời chưa lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương là bạn với Mỹ và trong Bản tuyên ngôn độc lập thì dòng đầu tiên cũng trích ra từ bản tuyên ngôn của nước Mỹ, trong khi đó, Mỹ đối xử với Việt Nam như thế nào và khi hiểu ra rằng, Việt Nam tiến hành chiến tranh chống Pháp cũng như chống Mỹ là không vì sự “ủy nhiệm” của ai mà là vì độc lập, tự do, thống nhất giang sơn…thì đã muộn.
Lịch sử đã chứng minh Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam không phải Đảng CS cầm quyền hay sao nhưng tại sao Trung Quốc tấn công Liên Xô, Trung Quốc tấn công Việt Nam…và Nga hiện giờ, ý thức hệ có khác Mỹ và phương Tây hay không?...
Thứ ba là, Hoa Kỳ nhận thức được rằng, chỉ có Đảng CS Việt Nam, duy nhất dưới sự lãnh đạo của họ, Việt Nam mới đủ khả năng đương đầu với thách thức hiện tại trên khu vực, cho nên, xây dựng đối tác với Việt Nam là quan hệ với một quốc gia ổn định chính trị, có tiềm lực, có vị trí địa chiến lược quan trọng…sẽ có lợi cho lợi ích Mỹ mà trước mắt là Chiến lược “xoay trục” sang châu Á-TBD và ít nhất Việt Nam đã và đang là đối thủ đáng gờm nhất đủ sức ngăn chặn Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông.
Đây chính là nguyên nhân tạo ra hệ quả tất yếu của việc công nhận, ghi nhận, tôn trọng chính thể, chế độ Việt Nam của Hoa Kỳ, là yếu tố quyết định cho nền móng “lòng tin chiến lược” Việt Nam-Hoa Kỳ.
Cuối cùng là tạo một hiệu ứng trong khu vực ĐNA-ASEAN. Rõ ràng trong 10 nước ASEAN chỉ có Việt Nam là quốc gia cộng sản. Việc Mỹ mời Việt Nam gia nhập TPP cùng với Brunei, Singapo và chuyến đi thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam muốn chứng tỏ cho ASEAN thấy ngoài vị trí địa chiến lược quan trọng của Việt Nam, hợp tác với Mỹ là một nhu cầu của sự phát triển kinh tế, an ninh, hòa bình ổn định cho khu vực…đồng thời “đánh thức” các quốc gia trong khối xây dựng “lòng tin chiến lược” vì lợi ích tương đồng.
Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hoa Kỳ và Việt Nam có trở thành đối tác chiến lược hay không; Mỹ có bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không; Việt Nam có gia nhập TPP hay không…đó chỉ là vấn đề thời gian, nhưng điều chắc chắn là sự tương đồng sẽ tăng cao và sự khác biệt sẽ giảm dần.
Việc Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ, Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, rồi mới đây Chủ tịch nước Việt Nam thăm Mỹ, được xem như là những chương cuối trong lịch sử quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ, nhưng việc Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam nhận lời mời thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Mỹ B.Obama được coi như là dấu chấm hết cho chương cuối cùng.
Trang lịch sử mới tiếp theo sẽ và đang bắt đầu…Việt Nam và Hoa Kỳ phải đổi mới lý luận, nhận thức để tránh sai lầm và bỏ lỡ cơ hội, tránh vết xe đổ của lịch sử vì lợi ích của 2 quốc gia.
Theo Lê Ngọc Thống
Tags:
VietNam-US
Comments[ 0 ]
Post a Comment