Những tháng gần đây Trung Quốc dùng trăm phương nghìn kế củng cố sự hiện diện bất hợp pháp taị Biển Đông.
Trung Quốc tập trận hải quân, tăng cường thị uy tại Biển Đông
Khoảng cuối tháng 6 vừa rồi, Trung Quốc đã cho máy bay vận tải thử nghiệm cất cánh hạ cánh trên một bãi tập với đường băng 3 km tại Vân Nam. Đây rất có thể là một cuộc thử nghiệm chuẩn bị cho việc đưa máy bay ra hoạt động tại đường băng trên đảo Chữ Thập.
Trung Quốc vẫn sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt”, nhưng gần đây đưa ra nhiều loại “cà rốt” hơn trước, như Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ Con đường tơ lụa... Malaysia tranh thủ dự án cảng biển; Indonesia tăng cường phối hợp, dường như đang hiện đại hóa cảng Jakarta trong chuỗi Nhất đới Nhất lộ. Với Lào, Bắc Kinh phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 417 km trị giá 7 tỷ USD, nối Côn Minh với Thủ đô Viêng Chăn. Ngoại giao cơ sở hạ tầng và tín dụng này nhằm đánh vào sự đồng thuận của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Một điểm đáng chú ý là mức độ phối hợp giữa các bộ ban ngành của Trung Quốc tăng lên rất mạnh liên quan Biển Đông, từ trên xuống dưới, phối hợp giữa ngành quân sự và ngoại giao, các binh chủng hiệp đồng tác chiến rất chuẩn. Tại Hội nghị Shangrila-2015, phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc giống như “cắt dán” lại những phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, về cả hình thức và nội dung đều thống nhất. Phát biểu của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long “giống y đúc” với những phát ngôn của Ngoại trưởng Vương Nghị... Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc được cử xuống làm tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã 7 lần đến khảo sát tại Hoàng Sa và Trường Sa. Các lực lượng chấp pháp bán vũ trang tăng cường hoạt động tại Biển Đông, đóng vai trò chủ đạo hỗ trợ xây cất các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Khảo cổ phục vụ tranh chấp chủ quyền
Khảo cổ hải dương được tiến hành tại các vùng biển tranh chấp để phục vụ mục đích khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông, củng cố cho tuyên bố “lịch sử” trong đường chín đoạn... Trung Quốc đã xác định khoảng 200 “địa điểm di sản văn hóa” dưới nước ở giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bản báo cáo lập trường gửi đến Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) của Liên hợp quốc hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc đã chỉ ra những tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên quyền lịch sử, họ khẳng định Trung Quốc là nước đầu tìm ra, đặt tên, khám phá và khai thác quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng giống như sự hình thành của Con đường Tơ lụa trên biển mới của Trung Quốc, điều này dựa hoàn toàn vào lịch sử Trung Quốc.
Các lực lượng biển Trung Quốc cũng bảo vệ các di tích văn hóa dưới nước bằng cách xua đuổi những cuộc khảo sát “không có thẩm quyền” trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Gây áp lực để Philippines rút đơn kiện
Ngày 22/7, Trung Quốc đã hối thúc Philippines rút hồ sơ vụ kiện mà Manila đưa ra Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) của Liên hợp quốc liên quan đến những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước trên Biển Đông và đề nghi Philippines quay trở lại đàm phán song phương.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa nói rằng: “Tất nhiên, tôi hy vọng như vậy, phía Philippines sẽ cùng ngồi đàm phán với chúng tôi. Cuộc đàm phán này có thể đòi hỏi sự kiên nhẫn, mất thời gian nhưng đó là con đường duy nhất để có giải pháp hòa bình thông qua đàm phán song phương”.
Trước đó, từ ngày 7-13/7, Philippines đã bảo vệ lập trường của nước này nhằm phản đối tuyến bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông tại PCA. Ngoại trưởng Albert del Rosario đã dẫn phái đoàn của Chính phủ Philippines đến La Hay, cùng với sự giúp đỡ của hai luật sư đến từ Mỹ.
Nguồn tin Ngoại giao Trung Quốc cho hay, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể không tham dự cấp cao APEC tại Manila, từ ngày 18-19/11/2015. Theo ABS- CBN News, lý do ông Tập Cận Bình không tham dự sự kiện này là nhằm phản đối việc Tổng thống nước chủ nhà Aquino vào tháng 6 phát biểu trong chuyến công du đến Nhật Bản rằng, dù chỉ là một “người học sử amateur”, ông vẫn thấy những gì Trung Quốc đã làm hiện nay tại Biển Đông giống như việc phát xít Đức chiếm Sudetenland và Tiệp Khắc trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra.
Đây là lần thứ hai, Tổng thống Aquino so sánh Trung Quốc với Đức Quốc xã. Lần đầu tiên là trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times năm 2014.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói rằng, “Chúng tôi cực sốc và không hài lòng với những lời lẽ kỳ cục của lãnh đạo Philippines”.
Để thể hiện sự không hài lòng của mình, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã không tham dự lễ kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc- Philippines vào ngày 8/6, nơi Tổng thống Philipines Aquino là khách mời.
Trước đó, ông Aquino từng mời ông Tập tham dự Hội nghị APEC năm 2015 khi ông dự Hội nghị APEC năm 2014 tại Bắc Kinh. Tại đó, bên cạnh việc tham dự các cuộc gặp chính thức, ông Tập và ông Aquino đã gặp riêng nhau khoảng 10 phút bên lề Hội nghị.
Các nhà quan sát cho rằng việc Philippines kiên quyết theo đuổi vụ kiện Trung Quốc tại PCA cũng là một lý do khiến người đứng đầu nhà nước Trung Quốc khó lòng đến Manila tham dự APEC. APEC cũng quan trọng nhưng thể diện nước lớn còn quan trọng hơn. Với Việt Nam họ cũng đang áp dụng thủ đoạn “dương Đông kích Tây”./.
Lưu Việt - Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment