Phải kiềm chế tham vọng của Trung Quốc
Ngày 24/5, tờ The Epoch Times dẫn bình luận của nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng, việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là động thái báo hiệu cho Washington và các nước ASEAN, Trung Quốc có kế hoạch nắn gân các cam kết của Mỹ với đồng minh và đối tác của họ ở khu vực trước sự quyết đoán của Bắc Kinh.
Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, Bắc Kinh quyết tâm khẳng định yêu sách ở Biển Đông và sẵn sàng chịu đựng một mức độ căng thẳng với các nước láng giềng. Bà Bonnie Glaser cho hay, Trung Quốc tin rằng những lợi ích mà các nước láng giềng của họ đạt được trong quan hệ với Bắc Kinh về kinh tế sẽ được ưu tiên và khu vực cuối cùng sẽ phải chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông?!
Tổng thống Philippines Benigno Aquino
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Philippines, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear đã hối thúc Việt Nam và Trung Quốc kiềm chế để không xảy ra cuộc xung đột lớn trên Biển Đông. Ông Samuel Locklear cho biết, Mỹ “quan ngại sâu sắc” về tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông vì những căng thẳng này tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tính toán sai lầm; đồng thời cho rằng, phải giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế.
Đô đốc Samuel Locklear cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình thiết lập một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc để ngăn không cho các cuộc tranh chấp biến thành xung đột vũ trang, đe dọa những nền kinh tế đang phát triển năng động trong khu vực. Ông Samuel Locklear cảnh báo chiến lược “người thắng được tất cả” của Bắc Kinh.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel từng tuyên bố (20/5), biện pháp tốt nhất mà Mỹ và ASEAN có thể thực hiện để góp phần xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông là đối thoại ngoại giao mang tính xây dựng; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quốc tế chỉ trích Trung Quốc đơn phương âm mưu thay đổi hiện trạng tại Biển Đông. Hạ nghị sĩ Mỹ Madeleine Bordallo hy vọng, ASEAN có thể xây dựng khuôn khổ giải quyết hiệu quả các yêu sách và tranh chấp chủ quyền. Theo nhận định của nhà báo Pháp Bruno Philip, đặc phái viên Đông Nam Á của tờ Le Monde, Trung Quốc đang hành xử như thể họ được phép làm mọi thứ và đây là điều đáng lo ngại cho cả khu vực, thậm chí cả các nước bên ngoài khu vực.
Giáo sư, Tiến sĩ Abanti Bhattacharya, giảng viên tại Khoa Nghiên cứu về Đông Á, Trường đại học Tổng hợp Delhi, Ấn Độ cho rằng, các nước ASEAN phải tái thiết lập sự đoàn kết và đấu tranh chống lại sự thống trị của Trung Quốc; đồng thời khẳng định, hành động hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã thể hiện sự nổi lên không hòa bình và có tính gây chiến ngày càng tăng của Trung Quốc. Bà Abanti Bhattacharya cũng khẳng định, hành động này còn nhằm thử phản ứng của Mỹ, cũng như sự ủng hộ của Washington đối với Nhật Bản và các đồng minh.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Trong bài viết trên trang tin Asia Sentinel, ông Bill Hayton cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam là một tính toán sai lầm, lợi bất cập hại. Đồng thời nhận định, cũng có thể coi hành động hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 nhằm gây sức ép về việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Theo ông Hillary Mann Leverett, chuyên gia của Trường đại học American, hành động đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc thực chất là muốn đẩy lùi sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngày 22/5, người phát ngôn Nhà Trắng Patrick Ventrell tuyên bố ủng hộ Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 tại vùng biển Việt Nam.
Không thể mất cảnh giác
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, từng công tác tại Học viện Quốc phòng Australia, hiện làm việc tại Đại học New South Wales cho rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam là việc chưa có tiền lệ. Theo ông Carl Thayer, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan HD-981 về nước trong hoặc trước ngày 15/8 để tránh mùa bão lớn trên biển và đây sẽ cơ hội để Bắc Kinh xuống thang. Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) từng từ chối đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì quá tốn kém. Nhưng sau đó CNOOC vẫn nhận lệnh tiến vào khu vực này với thông báo “hoạt động thăm dò dầu khí chỉ là phụ”.
Giáo sư Carl Thayer
Ngày 25/5, tờ Manila Standard Today dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thừa nhận, Manila quan tâm đến việc tăng cường trao đổi thông tin tình báo và khả năng liên kết hoạt động với Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh một thỏa thuận như vậy không nhất thiết phải nhằm vào bất kỳ bên thứ 3 nào. Trước đó (22/5), khi trả lời phỏng vấn Hãng Bloomberg tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, mỗi khi thức dậy ông đều có chung một câu hỏi: Trung Quốc được lợi gì từ tất cả chuyện này?
Nhằm tăng cường khả năng bảo vệ không phận, ngày 21/5, Bộ Quốc phòng Philippines đã bắt đầu triển khai quá trình mua 2 máy bay tuần tiễu tầm xa (137 triệu USD) và 6 máy bay yểm trợ (114 triệu USD) cận chiến trên không mới. Được biết, 3 tàu chở dầu do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Philippines (PNOC) tài trợ, sẽ được trang bị vũ khí phòng thủ. Trước đó (26/3), PNOC và Hải quân Philippines đã ký biên bản ghi nhớ về việc chính thức tài trợ 3 tàu chở dầu cho hải quân tại căn cứ Hải quân Jose Andrada ở Manila.
Ngày 23/5, tờ Bưu điện Huffington đăng phân tích của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng, Trung Quốc và Nga đã trở nên “hung hăng hơn” khi họ nhận thấy Mỹ đã lùi lại khỏi các vấn đề quốc tế. Ông Robert Gates cũng nhắc lại việc Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã “xử lý tổn thất của Mỹ tại Việt Nam” bằng cách tiếp cận với Liên Xô và Trung Quốc để thể hiện rõ rằng, Mỹ vẫn là một “ông lớn” trên thế giới. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kiến nghị, các nước Đông Nam Á cần hợp nhất và cùng với Mỹ chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Trên diễn đàn Interpreter ngày 22/5, Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White thuộc Đại học quốc gia Australia cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “hình mẫu mới” - giảm sức mạnh của Washington ở châu Á để thế vào vị trí này. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng những gì mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới”. Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc đề cao diễn đàn khu vực là để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi đó Tạp chí Quốc phòng Nga lại cho rằng, Mỹ đang có ý định lôi kéo các nước Châu Á - Thái Bình Dương xây dựng “lá chắn chống Trung Quốc” ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời mở rộng nó đến phần lớn vùng biển Ấn Độ Dương.
Ngày 25/5, Hãng Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera chỉ trích hành động của phi công Trung Quốc khi cho biết, 2 chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát một cách bất thường máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên vùng biển quốc tế thuộc biển Hoa Đông. Một trong số đó bay chỉ cách máy bay YS-11EB của Lực lượng Phòng vệ trên không trong phạm vi khoảng 30m. Một tiếng sau đó, một chiếc khác bay cách máy bay giám sát OP-3C của Lực lượng Phòng vệ trên biển 50m ở trong cùng một không phận.
Trung Quốc đang bị bắt nạt?
Ngày 23/5, tờ China Daily cho rằng, căng thẳng ở Châu Á - Thái Bình Dương đã “bước sang một bước ngoặt nguy hiểm” khi Trung Quốc đang bị “tấn công” bởi “những người bạn chí thân” của “một kẻ xúi bẩy bên ngoài”. Đồng thời đưa ra nhận định khiến dư luận nực cười khi cáo buộc Philippines, Việt Nam và Nhật Bản đang “bắt nạt Trung Quốc”. Cũng trong ngày 23/5, Trung Quốc còn cảnh báo Nhật Bản hãy tránh xa cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng ở Biển Đông. Ngày 22/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại về những căng thẳng gần đây trong khu vực do Trung Quốc “đốt nóng” lên bằng hành động đơn phương đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Chuyên gia các vấn đề đối ngoại Trung Quốc Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)
Cùng ngày 23/5, tờ The Street Wall Journal đăng phân tích của học giả Michael Auslin đến từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ bình luận, cuộc đối đầu âm ỉ sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một chiến thuật mới trong những hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Tây Thái Bình Dương. Nếu bắt nạt được Việt Nam trong vụ giàn khoan HD-981, đây sẽ trở thành khuôn mẫu cho sự xâm lược các vùng biển tranh chấp trong tương lai.
Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 22/5, Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano J.Belmonte cho biết, không chỉ ông, mà các nghị sĩ gốc Hoa tại Hạ viện Philipppines đều phẫn nộ với hành động Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam. Ngày 23/5, Tạp chí The Diplomat bình luận, Việt Nam và Philippines đang ngày càng thân thiết với nhau hơn sau những tuyên bố khiêu khích và hành động gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer nói với Hãng Reuters rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Philippines là hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ. The Diplomat nhận định, chính Trung Quốc đã dồn ép Việt Nam và Philippines đưa ra lựa chọn này. Hãng Reuters từng cho rằng, Trung Quốc đã đẩy các nước Đông Nam Á lại với nhau khi quyết tâm độc chiếm Biển Đông bằng mọi giá.
Ông Carl Thayer cho rằng, không chỉ Philippines và Việt Nam phải cảnh giác, mà tất cả các quốc gia đều sẽ cảm thấy bị chèn ép sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 22/5, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tránh sử dụng sức mạnh quân sự.
Ông Susilo Bambang Yudhoyono cho rằng, các bên cần tuân thủ DOC và đẩy nhanh đàm phán COC. Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura del Rosario cho biết, các bên đã bàn thảo về COC 7-8 năm, nhưng không có tiến triển. Theo nhận định của Giám đốc chương trình nghiên cứu Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ Brad Glosserman, Trung Quốc đang gây sự với các nước xung quanh và làm rối trật tự luật pháp quốc tế. Nhưng hành động gây căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc đang tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách “xoay trục” của Mỹ.
Ngày 23/5, tờ Business Times dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo khi ông cho rằng, châu Á có nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu những căng thẳng trong khu vực không được giải quyết một cách có trách nhiệm. Theo ông Lý Hiển Long, châu Á có 2 viễn cảnh trong 2 thập niên tới - sẽ là khu vực hòa bình khi các nước cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích chung, hoặc ngược lại sẽ bất ổn nếu bị chi phối bởi các tranh chấp lãnh thổ và bảo hộ trong nước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng, Mỹ không ngừng ủng hộ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để kiềm chế Trung Quốc; và châu Á trong 20 năm tới sẽ trải qua thời kỳ “hòa bình, thịnh vượng” hay “chia rẽ, đối đầu” tùy thuộc vào quan hệ Mỹ - Trung.
Một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Philex Petroleum (Philippines) đang lên kế hoạch khoan thêm 2 giếng khai thác dầu khí tại khu vực đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp công ty này vẫn chưa tìm ra đối tác.
Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Philex Manuel Pangilinan cho biết, Forum Energy PLC, một liên doanh giữa Philippines và Anh, nhiều khả năng sẽ bắt đầu khoan thăm dò tại mỏ khí đốt Sampaguita ở Bãi Cỏ Rong vào đầu năm 2016. Được biết, Philex Petroleum từng đàm phán sơ bộ với CNOOC về khả năng cùng thăm dò dầu khí và khí đốt tại khu vực bãi Cỏ Rong.
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Theo Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment