Trung Quốc triển khai “ngoại giao quyến rũ” Nhật Bản
Monday, May 5, 2014
Một số dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách giảm căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản.
Tháng 11 năm ngoái, Ngô Ký Nam, nghiên cứu viên, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn - Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Thượng Hải, viết bài đăng trên tạp chí Ngoại giao Trung Quốc về việc hai nước Trung Quốc và Nhật Bản cần gây dựng lại lòng tin chiến lược làm nền tảng cho hoà bình hữu nghị, hợp tác cùng thắng giữa hai nước. Bài báo có thể trôi qua trong dòng chảy của các sự kiện dồn dập của quan hệ Trung-Nhật. Nhưng gần đây, có 4 động thái cho thấy bài báo của Ngô Ký Nam không phải là sự vô tình, mà nó có thể đã phản ánh những chuyển động chính sách của Bắc Kinh tìm cách lôi kéo Nhật Bản.
Ngô Ký Nam đề cập đến 2 sự kiện đáng chú ý của quan hệ Trung-Nhật kể từ khi hai nước bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ và “xây dựng lòng tin chiến lược”. Trải qua cuộc đàm phán kéo dài 6 năm, ngày 12/8/1978, hai nước Trung-Nhật cuối cùng đã chính thức ký kết bản “Hiệp ước hoà bình hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản” tại Bắc Kinh. Tác giả cho rằng Hiệp ước là một văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn giữa hai nước sau “Tuyên bố chung Trung Quốc-Nhật Bản” công bố tháng 9/1972 (mấy tháng sau khi Tổng thống Mỹ bất ngờ thăm Trung Quốc).
Là người thúc đẩy cho ra đời bản Hiệp ước, Đặng Tiểu Bình đã khái quát ý nghĩa của Hiệp ước, nói rằng “Hiệp ước này cho đến nay là sự tổng kết chính trị quan hệ hai nước, cũng là khởi điểm mới để phát triển hơn nữa quan hệ hai nước. Hiệp ước này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị của đời đời các thế hệ con cháu hai nước mai sau, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hoà bình ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cả hoà bình thế giới”. Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Takeo Fukuda cũng nói: “Tuyên bố chung Nhật Bản-Trung Quốc” đã bắc một cây “cầu xi măng” Trung-Nhật, “Hiệp ước hoà bình hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc” sẽ biến cây cầu này thành một “cây cầu sắt”.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Hoa đại diện cho phía Trung Quốc trực tiếp đặt bút ký kết “Hiệp ước hoà bình hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản” nhấn mạnh, đây là Hiệp ước hoà bình hữu nghị bình đẳng thật sự đầu tiên trong lịch sử quan hệ Trung-Nhật 2.000 năm qua, là sự tổng kết mang tính lịch sử dựa trên các bài học và kinh nghiệm lịch sử trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản.
Theo Ngô Ký Nam, cốt lõi của “Hiệp ước hoà bình hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản” có thể khái quát lại thành một chữ“Hoà”. Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, hai nước Trung-Nhật là một cặp cặp đối tác thương mại trên thế giới có tổng kim ngạch thương mại song phương đột phá 300 tỷ USD. Việc hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cơ chế hợp tác ASEAN, cũng như đàm phán Khu vực tự do thương mại ba bên Trung-Nhật-Hàn, đã giành được thành tựu rõ rệt.
Năm 1990, tổng GDP của Nhật Bản vẫn lớn gấp 9 lần Trung Quốc. Nhưng đến năm 2010, Trung Quốc soán ngôi á quân kinh tế thế giới, đẩy nền kinh tế Nhật Bản xuống hàng thứ ba.
Hiệp ước hoà bình 1978 từng thoả thuận tạm thời gác lại vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku để sau này giải quyết. Trong vụ đâm tàu tại đảo Điếu Ngư/Senkaku tháng 9/2010, Nhật Bản đòi thẩm vấn thuyền trưởng Trung Quốc dẫn đến sóng gió ngoại giao hiếm có. Năm 2012, chính phủ Nhật Bản đã thực thi quốc hữu hoá quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, dẫn đến quan hệ hai nước căng thẳng. Quan hệ hai nước từ tin cậy chiến lược chuyển thành nghi ngờ chiến lược.
Phía Trung Quốc cho rằng Nhật Bản tích cực phối hợp với chính sách xoay trục và tái cân bằng chiến lược của Mỹ tại châu Á, tạo nên sự dồn ép chiến lược đối với Trung Quốc. Từ 2013, Nhật Bản tham gia đàm phán gia nhập TPP do Mỹ chủ đạo. Nhật Bản tuy vẫn chưa chính thức từ bỏ đàm phán Khu Thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn và tiến trình hợp tác quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, Australia, New Zealand tham gia. Nhật Bản đang tìm cách cản phá việc Trung Quốc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”.
Dù vì những lý do gì, từ đầu năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu thể hiện những dấu hiệu điều chỉnh chính sách, từ tích cực đối đầu sang “ngoại giao quyến rũ” đối với Nhật Bản. Riêng trong tháng 4, có 4 động thái đáng chú ý:
- Ngày 8/4, Hồ Đức Bình, con trai cựu Tổng bí thư ĐCS/TQ Hồ Diệu Bang, nguyên Ủy viên Thường vụ Hội nghị Chính trị hiệp Thương Nhân dân Trung Quốc, đã thăm Tokyo gặp Thủ tướng Abe để trao đổi các quan điểm về mối quan hệ Trung-Nhật. Cuộc gặp tổ chức theo đề nghị của phía Trung Quốc.
- Ngày 15/4, tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Uông Dương tiếp một đoàn đại biểu Nhật bản do chính trị gia về hưu Yohei Kono dẫn đầu, khẳng định Trung Quốc rất nghiêm túc về việc cải thiện các mối quan hệ với Nhật Bản, đồng thời bày tỏ hi vọng rằng giới doanh nghiệp Nhật Bản có thể hỗ trợ việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.
- Ngày 22/4, tại Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 với sự tham gia của hơn 20 nước, trong đó có cả Trung Quốc và Nhật Bản, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Ngô Thắng Lợi, đột nhiên tuyên bố rằng trong vấn đề biển Hoa Đông không loại trừ bất cứ khả năng nào, bao gồm cả việc “cướp cò nổ súng”, nhưng điều then chốt là hải quân hai nước phải làm thế nào để dù có va chạm nhưng không gây ra nổ súng; phía Nhật Bản phải chủ động hơn thì mới có thể loại bỏ được tình trạng tương đối căng thẳng và nghiêm trọng ở biển Hoa Đông. Theo báo Thái dương (Hong Kong), phát biểu của ông Ngô Thắng Lợi cho thấy con bài tẩy của phía Trung Quốc kỳ thực là “tránh gây ra nổ súng”. Nhưng sâu xa đó là một tín hiệu Bắc Kinh muốn kiểm soát cuộc xung đột này phục vụ chủ trương bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật.
- Ngày 26/4, Thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe đã thăm Bắc Kinh 3 ngày, từ ngày 24 đến 26/4, theo lời mời của Thị trưởng thành phố Bắc Kinh Vương An Thuận, được đón tiếp rất nồng nhiệt. Cựu Ủy viên Quốc vụ Đường Gia Triền đã “thay mặt Chính phủ Trung Quốc” chào mừng Thị trưởng Masuzoe đến Bắc Kinh; kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh thực hiện những bước đi nhằm cải thiện các mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước; bày tỏ hi vọng chuyến công du của Thị trưởng Masuzoe sẽ giúp “khôi phục những cuộc trao đổi giữa Tokyo và Bắc Kinh”.
Còn quá sớm để kết luận. Nhưng các động thái từ phía Bắc Kinh có thể được coi là nỗ lực nhằm chứng tỏ sự sẵn sàng của Bắc Kinh xoa dịu những căng thẳng Trung-Nhật và ly gián Mỹ-Nhật./.
Lưu Việt
ToQuoc.gov.vn
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment