"Ngoài đồng minh Mỹ, thì Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia cũng nên trở thành đối tượng thực hiện quyền tự vệ tập thể".
Ngày 15 tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tổ chức họp báo về thực hiện quyền tự vệ tập thể
Tờ "Đại Công Báo" Hồng Kông ngày 17 tháng 5 đăng bài viết nhan đề "Báo Nhật: Shinzo Abe nếu thực hiện quyền tự vệ tập thể, cánh cửa lớn tham chiến Biển Đông có thể mở rộng".
Báo Hồng Kông dẫn tờ "Asahi Shimbun"Nhật Bản cho rằng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lấy sự thay đổi của tình hình quốc tế và "mối đe dọa" xung quanh Nhật Bản đang mở rộng làm lý do, đã giải thích chính sách bảo đảm an ninh hiện nay thay đổi về căn bản và tính cần thiết phải sửa đổi giải thích Hiến pháp để dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể.
Đồng thời, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã kêu gọi nhấn mạnh tính cần thiết của đồng minh Nhật-Mỹ, tư thế muốn mở rộng quân bị đối phó Trung Quốc rất rõ rệt.
Theo bài báo, một loạt phát biểu chủ trương của ông Shinzo Abe không hề nhìn thấy chiến lược ngoại giao cải thiện quan hệ Nhật-Trung.
Tuy trong cuộc họp báo ngày 15 tháng 5, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, sửa đổi giải thích Hiến pháp sẽ không làm cho Nhật Bản bị lôi kéo vào một cuộc chiến, nhưng những lo ngại đối với hành động này làm mở rộng chạy đua vũ trang và xung đột mang tính ngẫu nhiên vẫn tồn tại.
Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết: "Sẽ sửa đổi pháp chế trong nước để có thể liên tục ứng phó (với các sự kiện bất ngờ)", "dựa vào sức mạnh của một nước đã không thể bảo vệ hòa bình. Sẽ đề xướng chủ nghĩa hòa bình tích cực, cùng nỗ lực với cộng đồng quốc tế", đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện quyền tự vệ tập thể.
Hiện nay, nội bộ chính phủ Nhật Bản đang kết hợp "phương hướng cơ bản" do ông đưa ra, thảo luận mở rộng chi viện hậu phương cho hoạt động quân đội đa quốc gia được nghị quyết của Liên hợp quốc cho phép và nới lỏng tiêu chuẩn sử dụng vũ khí trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (PKO).
Thủ tướng Shinzo Abe - người từng bước thúc đẩy chuyển đổi chính sách bảo đảm an ninh - vừa tập trung giải thích thực hiện quyền tự vệ tập thể, vừa chú trọng đề cập đến "tình hình dải màu xám" (Gray Zone) xảy ra đối đầu với Trung Quốc ở xung quanh đảo Senkaku.
Ông chỉ ra, tuy còn chưa bị nước đối phương tấn công vũ lực, nhưng Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Bảo vệ bờ biển chỉ thực hiện "quyền cảnh sát" (tức là không chủ động phát động tấn công, rất có thể bảo vệ pháp luật trong phạm vi giao thiệp miệng), sẽ không thể ứng phó đầy đủ với tình hình.
Cùng ngày, Thủ tướng Shinzo Abe không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng cho biết "ở biển Hoa Đông, không ngừng xảy ra tình trạng lãnh hải của Nhật Bản bị xâm phạm".
Thủ tướng nói: "Lực lượng vũ trang giả dạng ngư dân có thể đổ bộ lên đảo nhỏ của nước ta. Sẽ tăng cường ứng phó với loại tình hình 'dải màu xám' này", theo đó đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc sửa lại pháp chế để ứng phó.
Cơ quan tư vấn về luật an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 15 đã đưa ra một văn bản báo cáo tập trung nói về mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Báo cáo năm 2008 không trực tiếp đề cập đến động thái quân sự của Trung Quốc, nhưng báo cáo lần này đã nói về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.
Báo cáo cho rằng: "Trong gần 10 năm qua, (ngân sách Trung Quốc) tăng gấp 4 lần so với trước đây, con số công bố trong năm nay trên 12.000 tỷ yên, gấp gần 3 lần Nhật Bản". Ngoài ra, xét tới các hoạt động dồn dập của tàu ngầm Trung Quốc, báo cáo đã đưa ra các trường hợp tàu ngầm đối phương cố ở lì tại lãnh hải Nhật Bản, yêu cầu thảo luận các biện pháp tương ứng.
Tàu ngầm thông thường Nhật Bản
Trong tương lai, để mở rộng sử dụng vũ khí của Lực lượng Phòng vệ để ứng phó với sự kiện xâm phạm loại này, chính phủ cân nhắc thúc đẩy hoàn thiện các pháp chế như sửa Luật Phòng vệ.
Nội bộ chính phủ cũng có ý kiến cho rằng, ngoài đồng minh Mỹ, thì Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia cũng nên trở thành đối tượng thực hiện quyền tự vệ tập thể. Mặc dù đã để lộ ra mục đích hợp tác với các nước khác "phong tỏa" Trung Quốc - nước gia tăng các hoạt động hung hăng trên biển, nhưng nếu Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự để thực hiện mục tiêu này, có thể sẽ trở thành cái cớ để Trung Quốc tiếp tục mở rộng quân bị.
Trung Quốc - nước đưa ra yêu sách chủ quyền hầu hết Biển Đông - đã gia tăng sự đối đầu với các nước xung quanh như Philippines và Việt Nam (dùng vũ lực xâm lược vùng biển của Việt Nam).
Nếu Nhật Bản quyết định thực hiện quyền tự vệ tập thể và hợp tác với các nước liên quan vì mục tiêu trên thì có thể sẽ mở ra cánh cửa lớn tham gia chiến tranh ở Biển Đông.
Việt Dũng - Báo GDVN
Comments[ 0 ]
Post a Comment