Trong khi gần như tất cả các phương tiện truyền thông thế giới đang tập trung sự chú ý vào các sự kiện đang diễn ra ở phía đông của Ukraine, thì tại vùng biển Đông Việt Nam lại tiếp tục bùng lên ngọn lửa xung đột, đây là một trong những cuộc xung đột lãnh thổ lâu đời nhất ở châu Á: Trung Quốc và Việt Nam đã có các cuộc đụng độ một lần nữa vì quần đảo Hoàng Sa.
Hình ảnh AP đưa tin về việc tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam
Trong khi Trung Quốc thực hiện các các nỗ lực của họ trong dã tâm nhằm để mở rộng quyền kiểm soát Biển Đông và đã gây ra những đụng độ - theo nghĩa đen - thì với các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines lại ngày càng xuất hiện những quyết tâm và nỗ lực đẩy lùi Bắc Kinh.
Chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu HD 981 vào vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam, nơi mà Trung Quốc cũng tự cho mình là có chủ quyền, các tàu hải quân, cảnh sát biển... Trung Quốc đã đâm và hư hỏng ít nhất một tàu tuần tra của Việt Nam trong khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam. Báo chí Việt Nam cho biết các tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng và thực hiện những hành động dùng tàu đâm ủi... các tàu thực thi pháp luật hàng hải của Việt Nam khi các tàu Việt Nam nỗ lực ngăn cản việc Trung Quốc đưa HD 981 vào hoạt động.
Đây là sự leo thang mới nhất trong một khu vực điểm nóng tiềm năng cho các cuộc xung đột, khi phía Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ những hành động quyết đoán nhằm để cố thực hiện cái gọi là "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tham vọng của Trung Quốc," thì sự việc này cho thấy phía Trung Quốc đã bất chấp những hậu quả có thể đến với Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại. Các chuyên gia về khu vực đã cho biết rằng, hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ hình thành một liên minh bao gồm các nước thường xuyên có các cuộc va chạm với Trung Quốc ở Đông Nam Á, và họ đang ngày càng lên tiếng mạnh mẽ chống lại tuyên bố chủ quyền hung hãn của Bắc Kinh.
Hơn nữa, bằng cách chọn một cuộc chiến với Việt Nam, Trung Quốc có thể đang làm phức tạp hơn mối quan hệ của họ với Liên bang Nga. Moscow đã cần mẫn chăm chút để xây dựng và vun đắp cho mối quan hệ với Việt Nam ngày càng trở nên mạnh mẽ vững vàng hơn, và Việt Nam như một phên dậu trong thành lũy của Nga nhằm chống lại sự mở rộng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Ví dụ hùng hồn nhất là việc Nga sẽ tài trợ và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới tại Việt Nam, động thái này sẽ gắn chặt hai quốc gia vào nhau trong một mối quan hệ năng lượng sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
Hai nước Việt Nam và Nga càng trở nên gần gũi hơn khi nói đến lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Tham vọng nổi trội mới nhất của Hà Nội là việc mua sắm 6 tàu ngầm Lớp Kilo 636 hiện đại, việc Nga bán 6 tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam là một hành động rõ ràng nhất trong nỗ lực giúp Hải quân Việt Nam có cơ hội để đối phó lại với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc. Nga đã và đang bán cho Việt Nam một số tàu chiến khác, không chỉ có tàu tuần tra mà bao gồm tàu tên lửa và khu trục nhỏ, Nga cũng đang nỗ lực cố gắng để đạt được một thỏa thuận với việc tàu của Nga được phép lưu trú tại căn cứ hải quân Cam Ranh. Động thái này được xem như là một phần trong các nỗ lực phối hợp của Nga để xây dựng lại ảnh hưởng của mình trong khu vực và kiềm chế sự mở rộng của Trung Quốc ở châu Á. Trung Quốc và Nga đã có một sự cạnh tranh địa chính trị mạnh trong nhiều năm qua dọc theo biên giới rất dài của họ, và việc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Trung và Đông Nam Á đã gây cho Nga sự lo lắng về một Trung Quốc quá chiếm nhiều ưu thế ở châu Á.
Trong một diễn biến khác, ngày 6 tháng 5 vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc mà Manila nói đánh bắt cá bất hợp pháp và đánh bắt các loài có trong danh sách nguy cơ tuyệt chủng ngay trên vùng biển Philippines. Cùng lúc Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc về những hành động xâm nhập trắng trợn của Bắc Kinh vào vùng biển Manila vào tháng Ba.
Trong khi đó một số phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã kêu gọi lãnh đạo quốc gia này phải dạy cho Việt Nam một "bài học" bằng cách thực hiện một biện pháp cứng rắn. Phía Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực, nơi mà Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ông cũng cho biết rằng Việt Nam "sẽ dùng tất cả các biện pháp thích hợp và cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngày 7 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hành động của Trung Quốc là “khiêu khích và làm tăng căng thẳng”. “Mỹ kêu gọi các nước và các bên tranh chấp kiềm chế, tận dụng các kênh ngoại giao và chính trị để giảm căng thẳng, để quản lý tranh chấp và cuối cùng để giải quyết các vấn đề chủ quyền.”
Trong khi đó, khu vực mà Trung Quốc đưa giàn khoan tới là một phần lãnh thổ chủ quyền Việt Nam, trong đó PetroVietnam đã bán cổ phần cho các công ty Exxon Mobil và Murphy Oil của Mỹ tại khu vực này. Như vậy, Trung Quốc đang xâm chiếm khu vực có lợi ích thương mại trực tiếp của Hoa Kỳ. Và hành động của Trung Quốc đã được thực hiện ngay sau chuyến đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến châu Á.
Giáo sư, tiến sỹ sử học Vladimir Kolotov, Trưởng khoa Lịch sử các nước Viễn Đông kiêm Giám đốc Học viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (SPbGU), người vừa trở về từ Việt Nam cho biết rằng: "Trên thực tế, sự việc này có nghĩa là không có gì tốt cho cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam," ông cho biết.
Theo ông, Washington sẽ tận dụng tối đa xung đột để tạo lợi thế cho họ. Kolotov tin rằng Mỹ sẽ cố gắng sử dụng Việt Nam như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, các nước trong khu vực có cùng mối lo lắng về "mối đe dọa Trung Quốc" sẽ xây dựng nên một "hàng rào" bao quanh Trung Quốc.
Vladimir Kolotov cho biết, tất cả những sự việc này lại sẽ giúp tăng cường vai trò vị trí của Hoa Kỳ."Những gì đã xảy ra chỉ làm trầm trọng thêm tình hình ở Biển Đông không chỉ bây giờ mà còn trong trung và dài hạn. Sự việc sẽ gây nên những hậu quả tiêu cực rất nghiêm trọng đối với Trung Quốc "- ông cho biết.
Cũng theo Vladimir Kolotov, Trung Quốc đang hành động theo một nguyên tắc rất đơn giản, "hoặc là Trung Quốc sẽ được tất cả, hoặc là chẳng có gì cả,". Và với các nước ASEAN, họ sẽ không bao giờ chấp nhận hành động này của Bắc Kinh và sẽ tìm kiếm những thế lực đối trọng với Trung Quốc.
Những hành vi hung hẵn của Trung Quốc cũng sẽ gây nên những tác động đến các mối quan hệ mới được cải thiện giữa Trung Quốc với Moscow, mặc dù những tác động vẫn chưa rõ ràng lắm. Trong khi hai nước đang gần đi đến giai đoạn cuối nhằm ký kết một thỏa thuận lớn về năng lượng nhằm cung cấp khi đốt cho Trung Quốc, khi mà thị trường châu Âu đang có một số vấn đề đối với Nga và Trung Quốc là một quốc gia đói năng lượng đang cần một nguồn năng lượng ổn định đáng tin cậy và giá cả phải chăng.
Mối quan hệ Nga - Trung Quốc cũng đang tiến trong các lĩnh vực khác, như việc hai quốc gia này sẽ tổ chức diễn tập hải quân chung trong tháng này trên biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chồng chéo với tuyên bố của Nhật Bản. Trong chuyến công du của mình đến châu Á trong tháng trước, Tổng thống Obama đã tái khẳng định cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku, nơi là nguồn gốc có thể của một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Phương pháp tiếp cận quá khích của Trung Quốc trong những tranh chấp với các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông sẽ có ảnh hưởng khá tiêu cực đến khả năng tái lập quan hệ giữa Bắc Kinh với Moscow, Tiến sĩ Ely Ratner, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết. "Hành động mang tính chất bắt nạt của Trung Quốc ở châu Á sẽ buộc Nga phải đặt ra giới hạn trong quan hệ thân mật với Bắc Kinh, bởi vì một số nạn nhân trong hành động bắt nạt của Trung Quốc lại là một trong những nước thân cận của Nga", ông cho biết.
Với Việt Nam, theo Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại trường Đại học Hồng Kông, cho biết: “Trung Quốc dường như đang cố tình góp mặt trong vùng biển tranh chấp và dồn Hà Nội vào chân tường. Những hành động của Trung Quốc xuất hiện tại thời điểm quan trọng khiến các nước đặt nhiều kỳ vọng vào việc Hà Nội sẽ cân nhắc được lựa chọn của mình… Chính sách của Trung Quốc, mà theo tất cả mọi người, trừ Trung Quốc, là không có cơ sở pháp lý, gây nên tình trạng căng thẳng này".
Comments[ 0 ]
Post a Comment