Theo tạp chí The Diplomat, Mỹ cần cẩn trọng trong từng bước đi để tránh kích động Nga và Trung Quốc thiết lập mối quan hệ đồng minh mặc dù trong tương lai gần liên minh Moscow – Bắc Kinh chưa thể trở thành hiện thực.
Thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD có khả năng tạo đà thiết lập quan hệ đồng minh giữa Nga và Trung Quốc.
Trong chuyến tăm 2 ngày tới Trung Quốc hồi tuần trước của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bắc Kinh và Moscow đã tiến hành ký kết bản hợp đồng mua bán khí đốt lịch sử với tổng trị giá lên tới 400 tỷ USD.
Thương vụ đôi bên cùng có lợi này sẽ giúp Trung Quốc yêu tâm về nguồn cung cấp năng lượng trong 30 năm tới và Nga có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu cũng như củng cố sức mạnh cho Moscow chống đỡ trước các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.
Ngoài ký kết các bản hợp đồng thương mại, Nga và Trung Quốc còn tổ chức một cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông. Hành động này đã gửi đi một thông điệp mang tính "hăm dọa" tới cả Nhật Bản và Mỹ. Điều đó cũng cho thấy Nga đang dần sát cánh cùng Trung Quốc trong cuộc chiến giành chủ quyền lãnh thổ tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Thậm chí, hồi tuần trước, Nga và Trung Quốc đã đồng lòng bác bỏ bản dự quyết của Liên Hợp Quốc đưa Syria ra Tòa án Hình sự quốc tế để xét xử tội ác chiến tranh. Trước đó, Moscow và Bắc Kinh cũng đã 3 lần phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an kết tội Syria.
Trong tuyên bố chung của giới lãnh đạo Nga – Trung hồi tuần trước, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, tăng cường vị thế và tầm ảnh hưởng của hai nước trên trường quốc tế. Điều quan trọng hơn là bản hợp đồng mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD đã giúp Nga và Trung Quốc thắt chặt thêm mối quan hệ, dẫn tới Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) – một khuôn khổ an ninh mới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương song không có sự góp mặt của Mỹ và Nhật Bản.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao Nga và Trung Quốc lại tăng cường mối quan hệ trong thời điểm này? Rõ ràng, lý do quan trọng nhất là cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, do đó Moscow đã quyết định thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga – Trung còn có mang tính chiến lược lớn hơn. Cả Moscow và Bắc Kinh đều có nhu cầu chiến lược song phương khi tạo lập một thế giới đa cực mà không chịu sự chi phối của Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ khối liên minh của Mỹ tại châu Á.
Trước đó, trên tạp chí The Diplomat, nhà báo Zachary Keck từng nhận định cơ hội chiến thắng của Trung Quốc trước các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản phụ thuộc một phần vào việc duy trì mối quan hệ tốt với Nga.
Về phía Nga, sức mạnh ngày càng lớn của NATO cũng đang là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia buộc Moscow phải đưa ra phương án đối phó. Trong khi đó, năng lực của Nga ở thời điểm hiện tại và tương lai đều bị giới hạn, do vậy Nga cần tới một đối tác chiến lược đáng tin cậy và đó là Trung Quốc.
Một câu hỏi lớn khác là liệu Nga và Trung Quốc đang dần tạo lập mối quan hệ đồng minh với nhau? Một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ đồng minh Nga – Trung đang dần được hình thành và dẫn tới một trật tự thế giới đa cực. Tuy nhiên, một số người lại phản đối ý tưởng này khi chỉ ra những vấn đề trong mối quan hệ Nga – Trung như bất đồng lịch sử, không cùng chung một kẻ thù và giao tranh lợi ích tại Trung Á. Thậm chí, việc hình thành liên minh Moscow – Bắc Kinh cũng sẽ tạo ra làn sóng tranh luận dữ dội trong dư luận Trung Quốc.
Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho việc thiết lập mối quan hệ đồng minh Nga – Trung là giáo sư Yan Xuetong tại Đại học Qinghua. Ông Yan đã giành nhiều năm để nghiên cứu những mấu chốt dẫn tới mối quan hệ đa cực trên. Theo ông Yan, yếu tố quan trọng nhất quyết định việc Nga – Trung có nên gây dựng tình đồng minh hay không phụ thuộc vào việc liệu hai quốc gia này có cùng chia sẻ các lợi ích chiến lược và quá trình chia sẻ các lợi ích chiến lược sẽ kéo dài bao lâu.
Ông Yan cho rằng đầu tiên, cả Nga và Trung Quốc đều không thể trở thành một thành viên trong khối các quốc gia phương Tây do Mỹ đứng đầu. Bởi các đồng minh của Mỹ đều cảm thấy Moscow và Bắc Kinh là những mối đe dọa. Nói cách khác, phương Tây không bao giờ tin tưởng Nga do đó Moscow không còn lựa chọn nào khác là liên minh với Trung Quốc. Thậm chí, với vị thế cường quốc thứ hai trên thế giới, Trung Quốc cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ Mỹ trong phần lớn vấn đề mang tính quốc tế.
Ngoài ra, trước nguy cơ suy yếu, Mỹ sẽ lựa chọn chiến lược cân bằng từ bên ngoài khi dựa vào mối quan hệ đồng minh với các quốc gia châu Á và châu Âu để tăng áp lực lên Nga và Trung Quốc. Khi áp lực ngày càng lớn, chúng sẽ trở thành mối quan ngại chung cho cả Nga và Trung Quốc. Do đó, ông Yan nhận định liên minh Moscow – Bắc Kinh sẽ mang lại lợi ích lớn cho 2 quốc gia trong vòng 10 – 20 năm tới. Giáo sư Yan cũng bác bỏ ý kiến cho rằng liên minh Nga – Trung để chống lại Mỹ sẽ dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tàu tuần tra của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (phải) áp sát một tàu đánh cá Trung Quốc cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 200 km về phía tây nam hồi năm 2013.
Trong khi đó, những người phản đối nhấn mạnh việc thành lập liên minh Nga – Trung sẽ phải trả một cái giá đắt. Theo đó, Trung Quốc có thể phải sát cánh với Nga trong một cuộc chiến không cần thiết. Thậm chí, Nga cũng không quan tâm tới ý tưởng thiết lập liên minh do Moscow không sẵn lòng trở thành đối tác mới của Trung Quốc trong mối quan hệ này.
Về phía mình, Nga mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả quốc gia châu Á và sẽ không đứng về phía Trung Quốc trong cuộc chiến giành chủ quyền tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo. Toàn bộ những lý do trên cho thấy liên minh Nga – Trung sẽ không trở thành hiện thực và mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ là lựa chọn linh hoạt và tốt hơn cho Bắc Kinh.
Theo tạp chí The Diplomat, trong tương lai gần, việc thành lập mối quan hệ liên minh chính thức giữa Nga và Trung Quốc là chưa thể xảy ra. Nếu quân đội Mỹ không đồng thời khiêu khích cả Moscow và Bắc Kinh, khối liên minh Nga – Trung sẽ chưa thể thành lập. Tuy nhiên, Mỹ cũng nên cẩn trọng trong từng bước đi để tránh mắc lỗi, tạo đà cho việc thiết lập liên minh Nga – Trung.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Diplomat - một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tờ báo chính thức ra mắt từ năm 2002.
MINH THU (lược dịch)
INFONET.VN
Comments[ 0 ]
Post a Comment