Chúng ta tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao và hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (giữa) bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (ảnh Đức Thành)
Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, chiều nay (20/5), trả lời báo chí, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Dứt khoát là Việt Nam phải đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của ta”.
PV: Thời gian qua, các đoàn ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc liên tiếp có những cuộc tiếp xúc, làm việc. Kết quả các cuộc làm việc này ra sao, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chúng ta vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao. Một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc và cho đến nay đã có 20 cuộc giao thiệp chúng ta kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó. Đó là lập trường kiên quyết của phía ta.
Dàn khoan của Trung Quốc hiện vẫn ở đó và ngày càng tăng cường tàu. Điều này cho thấy Trung Quốc rất ngoan cố, không chịu rút giàn khoan này về.
PV: Trước thái độ như vậy của Trung Quốc thì những động thái tiếp theo của Việt Nam sẽ là gì thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện nay chúng ta đã thể hiện rõ quan điểm của mình qua bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sáng nay là bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta kiên quyết đấu tranh và thực hiện các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của ta.
PV: Trung Quốc có nói sẽ rút một số thỏa thuận với phía Việt Nam, phản ứng của chúng ta ra sao trước động thái này thưa ông?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chưa có việc rút thỏa thuận nào cả vì quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc là quan hệ phát triển giữa hai nước và nhân dân hai nước nên chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển mối quan hệ này. Còn việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì đó vẫn là công việc phải làm của chúng ta, không cho các nước xâm phạm quyền chủ quyền của chúng ta.
Tất cả các biện pháp hòa bình chúng ta đều có thể sử dụng để bảo vệ chủ quyền của ta.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc Thủ tướng sẽ tham dự Diễn đàn Hội nghị Kinh tế thế giới Đông Á 2014 diễn ra tại Philippines ngày 21/5?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cuộc đấu tranh trên biển Đông đang diễn biến rất phức tạp. Việc chúng ta đấu tranh là yêu cầu Trung Quốc phải rút cả giàn khoan và các tầu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Hội nghị ngày mai là hội nghị liên quan tới vấn đề kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu tình hình mà phức tạp ảnh hưởng tới kinh tế thì đương nhiên chủ đề trao đổi cũng sẽ có sự thay đổi, bổ sung.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Cần có một Nghị quyết riêng về Biển Đông
Với cá nhân tôi, tôi rất đồng tình việc Quốc hội nên ra một Nghị quyết về tình hình Biển Đông. Bởi vì, Quốc hội phát biểu ý kiến của mình, vừa với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, vừa với chức năng là cơ quan giám sát tối cao. Tình hình càng phức tạp bao nhiêu thì sự giám sát phải càng chặt chẽ bấy nhiêu. Hơn nữa, tôi nghĩ là Nghị quyết này còn có tác động mạnh tới cuộc đấu tranh ngoại giao nữa. Tiếng nói ngoại giao nhân dân bao giờ cũng có trọng lượng. Kể cả chúng ta nói tiếng nói hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Chuyện đó thì ta đã có kinh nghiệm trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây rồi và không bao giờ được quên mặt trận ngoại giao nhân dân. Tiếng nói của Quốc hội là một tiếng nói rất quan trọng.
Tôi nghĩ là lại “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” thôi. Nghĩa là cũng như từ trước tới nay, chúng ta phải quay lại phương châm hòa hiếu, hòa bình. Thứ hai là không để xâm hại tới lợi ích tối thượng của quốc gia. Và thứ ba, đương nhiên trong thời đại ngày nay chúng ta phải nói đến luật pháp quốc tế. Rõ ràng trong sự kiện này chúng ta có lẽ phải./.
Vũ Hạnh/VOV online (ghi)
Comments[ 0 ]
Post a Comment