Giữa lúc tình hình Ukraine đang trở thành chiến truờng giữa Mỹ- NATO và Nga, nhật ký Biển Đông trong tháng qua ghi nhận ba diễn biến cực kỳ quan trọng cho vận mệnh Châu Á:
Thứ nhất: Nhật Bản sửa đổi luật lệ cho phép xuất cảng vũ khí.
-Reuters ngày 1/4/2014: “Theo thông báo của Tổng thư ký chính phủ Nhật Yoshihide Suga, nội các cánh hữu của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một học thuyết mới, thay thế cho lệnh cấm có từ năm 1967. Như vậy kể từ nay Nhật Bản có thể xuất khẩu thiết bị quân sự, hay nói cho bớt tính hiếu chiến hơn là ‘thiết bị quốc phòng’ sang những nước nằm dọc theo con đường hàng hải vận chuyển dầu khí nhập khẩu rất thiết yếu cho Nhật Bản.” Với luật lệ mới này, Nhật Bản có thể viện trợ vũ khí hoặc bán rẻ nhất là tàu chiến, máy bay săn tàu ngầm cho các quốc gia Đông Nam Á trước mắt như Việt Nam và Philippines.
Thứ hai: Cuộc thăm viếng Trung Quốc của Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel.
Theo AFP ngày 7/4/2014: Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel được mời thăm viếng HKMH Liêu Ninh nhân chuyến thăm viếng Trung Quốc. Ông Chuck Hagel nhận xét “Rất đáng ghi nhớ về tính chuyên nghiệp của sĩ quan và thủy thủ đòan trên tàu sân bay này.” Không biết ông khen thật hay khen xã giao? Trong cuộc gặp gỡ Tướng Thường Vạn Tòan- người đồng cấp Trung Quốc, Ông Chuck Hagel đã chỉ trích việc Trung Quốc thiết lập “Vùng Nhận Dạng Phòng Không” mới đây đồng thời cảnh báo Trung Quốc cần minh bạch hơn trong việc xây dựng sức mạnh quân sự. Còn Ông Thuờng Vạn Tòan nói,“không thể tranh cãi ”“sẽ không bao giờ nhượng bộ về điểm này, các nước liên quan”.
Ông Chuck Hagel và Tướng Chang Wan Quan
Dường như hai bên chỉ dùng lới lẽ để cảnh báo nhau chứ chẳng đạt được thỏa hiệp hay cam kết nào. Trong khi Ông Chuck Hagel đề nghị tạo lập một khuôn khổ để điều hòa cạnh tranh “a framework to manage competition” thì Tướng Thường Vạn Tòan nói rằng không một ai, dù là Hoa Kỷ có thể kiềm chế tham vọng quân sự của Trung Quốc. Trả lời một câu hỏi “móc họng” của một học viên tại Đại Học Quốc Phòng Quốc Gia (National Defence University) “Có phải Hoa Kỳ quấy động ở vùng Biển Đông là vì lo sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc trở thành một thách thức quá lớn khiến Hoa Kỳ không thể đương đầu được nổi ?” Ông Chuck Hagel đã trấn an cử tọa rằng Hoa Kỳ không có ý định kiềm chế Hoa Lục và không đứng về phe nào trong tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhưng sẽ đứng về phía đồng minh.
Thứ ba: Chuyến công du Phi Luật Tân của TT. Obama ngày 28/4/2014:
Trong chặng cuối cùng của chuyến công du bốn nước Á Châu, Tổng Thống Obama đã ghé Philippines vừa để hỗ trợ đồng minh vừa để nói rõ về thỏa hiệp quân sự vừa được ký kết vội vã ngày hôm trước 27/4/2014. Thỏa hiệp này cho phép Hoa Kỳ đồn trú quân, thiết lập căn cứ hải quân và không quân- trong vòng 10 năm.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng Thống Aquino, Ông Obama nói, “Mục đích của chúng tôi không phải là đối đầu với Trung Quốc, mục đích của chúng tôi không phải là kiềm chế Trung Quốc. Mục đích của chúng tôi là bảo đảm luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế được tôn trọng và bao gồm luôn cả những vùng bỉển tranh chấp.” (Reuters)
Nhận Định:
Hiện nay Hoa Kỳ đang dùng sách lược “Đánh đánh, đàm đàm” để đối phó với Trung Quốc. Cho dù Ông Obama nói khéo thế nào đi nữa thì thỏa hiệp quân sự nói trên cũng là bước ngoặt trong chính sách “Xoay Trục” hay “Tái Cân Bằng Lực Lượng” của Hoa Kỳ. Mỹ đã quay trở lại các căn cứ quân sự tại Phi Lụật Tân nơi mà Mỹ đã bỏ đi vào năm 1992 do áp lực của phong trào đuổi Mỹ sau khi Mỹ thất bại trong Chiến Tranh Việt Nam. Khi mà hệ thống lá chắn hỏa tiễn, máy bay ném bom chiến lược B-2, B-52, máy bay không người lái, các khu trục hạm tối tân trang bị hỏa tiễn đạn đạo, tàu ngầm, tiêm kích tàng hình F-35….được triển khai ở Philippines thì an ninh của Trung Quốc bị đe dọa và tham vọng khống chế Biển Đông của Trung Quốc không thể tựu thành.
Như thế Philippines đã trở thành một “tiền đồn” chống Trung Quốc tại Á Châu. Chắc chắn Hoa Lục sẽ phản ứng trong những ngày tháng sắp tới. Theo VOA tiếng Việt ngày 30/4/2014, “Một bài xã luận trên nhật báo Anh ngữ the China Daily lên án Hoa Kỳ là kết bè đảng với điều mà báo này gọi là những đồng minh của Washington chuyên gây rối trong khu vực. Bài báo này cũng nói rằng Hoa Kỳ đang tự phơi bầy mình như một mối đe dọa an ninh cho Trung Quốc. “Theo chuyên gia phân tích chính trị Ramon Casiple ở Manila: “Động cơ cấp thiết hiện nay của Philippines là tăng cường sức mạnh quân sự và tìm kiếm một lá chắn bảo vệ cho quân đội còn non yếu của mình. Trong khi đó, Mỹ lại đang tìm cách trở lại châu Á, nơi vị thế siêu cường của họ đang bị lung lay.” Theo ông Casiple, Mỹ và Philippines có thể hợp tác để ngăn ngừa Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa và càng tăng cường sức mạnh quân sự của mình. (AP)
Rước Mỹ vào trong bối cảnh một nước Trung Hoa khổng lồ đang trỗi dậy để giành ngôi bá chủ thế giới với Mỹ là hành vi can đảm nhưng vô cùng nguy hiểm, dù mục đích chỉ để phòng vệ và giữ gìn biển đảo. Tại sao vậy? Vì sức mạnh quân sự của Mỹ quá lớn cho nên khi nó đóng quân ở đâu, sẽ đe dọa an ninh của các quốc gia khác trong vùng. Mà “quốc gia khác” ở đây chính là Hoa Lục (hiện tại) và Việt Nam (trong tương lai) nếu Việt Nam đi ngược lại quyền lợi của Mỹ. Thế nhưng Philippines không còn lựa chọn nào hơn. Chính vì thấu hiểu điều đó cho nên Philippines đã lấy lòng Việt Nam bằng một hành động thật đáng khen.
Theo VOA tiếng Việt ngày 10/4/2014:“Reuters ngày 10/4 dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự Việt Nam và Philippines cho biết một đoàn hải quân hùng hậu gồm 40 thành viên sẽ trở lại đảo Song Tử Tây (có tên gọi quốc tế là Southwest Cay) thuộc quần đảo Trường Sa vào đầu tháng 6 tới đây. Hai bên chưa tiết lộ thời điểm cụ thể nhưng cho biết là hải quân Trung Quốc không được mời. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chưa nhận được thông tin về sự kiện này. Đảo này nay thuộc huyện Trường Sa (Khánh Hòa) là đảo lớn thứ sáu trong quần đảo Trường Sa và là đảo lớn thứ hai do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa. Quân đội Philippines chiếm đóng Song Tử Đông và Song Tử Tây năm 1968, đặt tên là Parola và Pugad. Việt Nam lấy lại Song Tử Tây này từ đầu năm 1975 khi hải quân Việt Nam Cộng hòa bất ngờ đổ quân đánh chiếm đảo trong lúc binh sĩ Philippines đồn trú tại đây sang đảo Song Tử Đông dự tiệc mừng một vị chỉ huy trên đảo đó”. Như thế là Việt Nam và Philippines tạm gác những tranh chấp, liên kết để đối phó với Trung Quốc. Cũng theo VOA, “Giới ngoại giao và các chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh đang hết sức chú ý tới việc hai nước Việt Nam và Philippines nối lại các mối quan hệ hữu nghị.”
Khác với Việt Nam, Philippines không có khả năng tự phòng vệ cho nên phải chấp nhận uống liều thuốc đắng. Trước và ngay trong chuyến thăm viếng của Ông Obama, ở Philippines đã nổ ra nhiều cuộc chống đối đốt cờ Mỹ và hình nộm Ông Obama. Theo VOA tiếng Việt, “Một trong các thủ lĩnh của cuộc biểu tình, Renato Reyes, Tổng thư ký của Đảng Liên minh Yêu nước mới (Bayan) nói rằng thỏa thuận được đại sứ Mỹ tại Philippines và bộ trưởng quốc phòng Philippines ký kết là một hành động làm suy yếu nền độc lập của Philippines.” Ông này còn nói thêm, “Philippines có thể trở thành bệ phóng cho các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ, đi ngược lại lợi ích của đất nước. Nếu thỏa thuận mới này được ký sẽ cho phép quân đội Mỹ hiện diện trên khắp đất nước, tất cả các căn cứ quân sự của Philippines - không chỉ Subic và Clark – sẽ bị quân đội Mỹ tiếp cận. Điều này có nghĩa là biến toàn bộ đất nước thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ". Ấy là chưa kể vấn nạn bùng nổ kỹ nghệ gái điểm ở Phi Luật Tân như trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam.
Với sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, tranh chấp Biển Đông không còn là vấn đề của khu vực mà trở thành cuộc đối đầu trực tiêp Mỹ-Hoa để giành ngôi vị bá chủ Á Châu. Mặt trận chính trước đây là Trường Sa có thể sẽ chuyển qua Philippines bởi vì đối với các chiến lược gia Trung Quốc, Việt Nam không phải là “mối lo” về an ninh. Mà giờ đây Philippines mới là “mối lo” chính của Trung Quốc.
Mặc dù sức mạnh quân sự Mỹ hiện thời là siêu đẳng, nhưng tình hình thế giới đã đổi thay. Do sự thành công vượt bực về kinh tế và có thể qua mặt Mỹ cuối năm nay, mỗi năm ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 12.2% làm thế giới chóng mặt. Hiện nay Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay ném bom chiến lược tàng hình. Hệ thống hỏa tiễn đạn đạo diệt hạm Đông Phong (Dongfeng DF-9) điều khiển bằng vệ tinh tấm bắn 1,770km với sức hủy diệt khủng khiếp. Chỉ cần một đầu đạn thôi cũng có thể đánh chìm một tàu sân bay khổng lồ. Ngòai ra, sức mạnh hải quân của Trung Quốc gồm có: 60 tàu ngầm trong đó 14 chiếc chạy bằng năng lượng nguyên tử trang bị hỏa tiễn đạn đạo, một HKMH Liêu Ninh, 27 khu trục hạm, 45 tuần dương hạm, 90 tàu hỏa tiễn, 9 tàu ngự lôi…nếu hỏa lực được tập trung thì biển Phi Luật Tân trở thành chiến trường khủng khiếp.
Cách đây vài năm, khi Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân khỏi Iraq. Trước thực tế thương vong, tốn kém, binh sĩ mệt mỏi, dư luận chống đối và ngân sách quốc phòng cắt giảm, các bộ trưởng quốc phòng lúc đó là Leon Paneta và Robert Gates đã đưa ra học thuyết “Hoa Kỳ có thể tiến hành hai cuộc chiến tranh: Một thắng và một hòa”. Hiện nay Hoa Kỳ tiến thành bốn cuộc chiến tranh cùng lúc: Mặt trận Bắc Hàn, Biển Hoa Đông, Biển Đông và Ukraine trong khi mặt trận Iran vẫn còn âm ỉ. Không biết Hoa Kỳ thắng ở mặt trận nào và hòa ở măt trận nào?
- Tại mặt trận Ukraine, nếu Hoa Kỳ biết tôn trọng lợi ích cốt lõi/quyền lợi sinh tử của Nga thì hai bên hòa nhau. Crimea “châu về Hiệp Phố”, Nga chẳng dại gì tiến quân vào Ukraine, Nga và Mỹ lại bắt tay nhau, chia nhau trách nhiệm gìn giữ hòa bình và ổn định thế giới.
- Tại mặt trận Bắc Hàn, nếu Mỹ khôn khéo với Trung Quốc và Nga, cộng thêm với chính sách ngọai giao uyển chuyển của Nhật Bản, có thể gây áp lực lên Bắc Hàn để không có những hành động điên khùng.
- Tại mặt trận Biển Hoa Đông, nếu nổ ra, Mỹ sẽ thắng vì sức mạnh quân sự, nhất là hải quân của Nhật quá lớn.
- Còn mặt trận Biển Đông, theo như lời tuyên bố ghế gớm của Tướng Thường Vạn Tòan, “Không một ai, dù là Hoa Kỷ có thể kiềm chế tham vọng quân sự của Trung Quốc.” cho thấy mặt trận này vô cùng khốc liệt, chưa biết Mỹ thắng, thua hay hòa hay cả hai cùng ngắc ngoải “Mutual Vulnerability” như một số chiến lược gia đã nhận định.
Kết Luận:
Khi Mỹ đóng quân tại Philippines thì tình hình Á Châu đổi thay và báo hiệu một cuộc đối đầu trực tiếp Mỹ-Hoa tại vùng biển Philippines. Khi đó trên vũ đài, hai võ sĩ chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ quẩn thảo nhau, còn các quốc gia khác như Việt Nam, Singapore, Mã Lai, Nam Dương (Indonesia) sẽ trở thành “khán giả”. Bởi vì các quốc gia này không cỏ khả năng tham chiến. Nhiệm vụ chính của họ là “giữ yên bờ cõi” bằng chính sách tự lực tự cường và ngọai giao bén nhậy. Bất cứ một toan tính “hấp tấp và ngu dại” nào cũng sẽ là một thảm họa cho đất nước của mình giống như Ukraine vậy.
Đào Văn Bình
(California ngày 1/5/2014)
Comments[ 0 ]
Post a Comment