Trung Quốc kỳ vọng thống trị Biển Đông, chiếm dần từng bước theo kiểu “tằm ăn lá dâu”, từ từ giành quyền chi phối mà không tốn một viên đạn.
Chuyên gia Robert Kaplan - nhà phân tích địa chính trị hàng đầu của Strafor
Người dẫn chương trình Steve Inskeep của Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) đã có cuộc thảo luận với chuyên gia Robert Kaplan - nhà phân tích địa chính trị hàng đầu của Strafor - về căng thẳng trên biển hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như khả năng leo thang căng thẳng.
Steve Inskeep: Tác giả Robert Kaplan đã viết một cuốn sách về Biển Đông. Ông đặt nhan đề cuốn sách này là “Chảo dầu sôi của Châu Á”. Chúng ta sẽ thảo luận nguyên nhân tại sao Trung Quốc có thể từ từ yêu sách vùng biển này bằng việc sử dụng giàn khoan, vòi rồng và các vụ va chạm tàu.
Tôi tự hỏi liệu có khi nào trong suy nghĩ người Trung Quốc đặt ra tình huống như sau: Chúng tôi có thể làm tất cả, ngoại trừ chiến tranh, để hăm dọa bởi chúng tôi biết chúng tôi có sức mạnh ở đây. Liệu đây có phải điều người Trung Quốc đang suy nghĩ hay không, thưa ông?
Robert Kaplan: Đó chính xác là những gì Trung Quốc đang nghĩ. Họ cho rằng Việt Nam về cơ bản không thể bắn vào tàu của họ, không thể đánh chìm tàu và rằng người Việt Nam sẽ không tấn công giàn khoan. Trung Quốc cũng nhận định rằng nước Mỹ, trong khi đã đưa ra một hay hai tuyên bố mạnh mẽ, tất nhiên sẽ không can dự vào cuộc xung đột Trung Quốc-Việt Nam. Và các công ty dầu mỏ cũng vậy, căn cứ vào việc ở Trung Quốc họ có nhiều hoạt động kinh doanh hơn so với ở Việt Nam.
Steve Inskeep: Liệu đây là trường hợp có thể áp dụng câu ngạn ngữ cổ “Sở hữu là chín phần mười của pháp luật”. Việc Trung Quốc có hoạt động khoan dầu ở đó có nghĩa rằng, trong thực tế, khu vực này sẽ trở thành lãnh thổ của Trung Quốc?
Robert Kaplan: Đúng vậy. Đó là lớp cắt khác của hành động xâm chiếm không gian biển đang có tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tiến hành những điều khác nữa. Hãy nhớ rằng, Tổng thống Mỹ Obama gần đây đã có chuyến công du tới khu vực để củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản, với Philippines, với Malaysia và Trung Quốc cơ bản đang phát đi thông điệp rằng chúng tôi không quan tâm.
Steve Inskeep: Cùng nhìn lại và tìm hiểu bối cảnh khu vực rộng hơn ở đây. Biển Đông, khu vực ông đã đề cập trong cuốn sách của mình, có một số quốc gia đưa ra yêu sách một phần hay toàn bộ vùng biển này?
Robert Kaplan: Đúng vậy. Yêu sách của các quốc gia này có sự chồng lấn và bởi có tranh chấp ở đây, nên có sự hạn chế trong hoạt động khai thác năng lượng. Hãy nhớ rằng lợi ích chiến lược cuối cùng của Trung Quốc là thống trị Biển Đông, giúp nước này sau đó có thể dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương và khu vực Thái Bình Dương rộng hơn, tương tự cách thức mà Mỹ thống trị Caribe hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khiến Mỹ trở thành một cường quốc thế giới.
Steve Inskeep: Trung Quốc kỳ vọng sẽ thống trị Biển Đông, giống như Mỹ đã thống trị hiệu quả vùng biển Caribe?
Robert Kaplan: Đúng vậy. Và nước này đang tiến hành âm thầm, dần từng bước một cách tinh vi – cuối cùng để từ từ giành quyền chi phối vùng biển này mà không cần sử dụng đến một viên đạn, và đặc biệt không phải lôi kéo Hải quân Mỹ vào một cuộc xung đột.
Steve Inskeep: Liệu các quan chức Mỹ có thực sự quan ngại về điều này, những người mà ông từng có dịp trao đổi?
Robert Kaplan: Vâng, họ rất lo ngại bởi nước Mỹ đã cam kết – chính thức hoặc không chính thức – bảo vệ Nhật Bản, bảo vệ Đài Loan, bảo vệ Hàn Quốc, bảo vệ Philippines. Và có vẻ nếu như Hải quân và Không quân Mỹ triển khai ngày càng ít hơn so với những gì Trung Quốc đang tiến hành ở những vùng biển khu vực thì các quốc gia đó sẽ phải đánh giá lại quan hệ đồng minh với nước Mỹ và có khả năng quay sang thỏa thuận với Trung Quốc.
Steve Inskeep: Liệu có nguy cơ thực sự về một cuộc chiến tranh ở đây hay không, thưa ông?
Robert Kaplan: Tôi không nghĩ sẽ có một cuộc chiến. Có một kiểu hành xử mang tính mô típ ở đây. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Việt Nam triển khai tàu Cảnh sát biển. Trung Quốc sử dụng vòi rồng và gây va chạm tàu. Hai bên đưa ra các tuyên bố. Hai bên ngừng lại. Sự việc trên sẽ xuất hiện trên mặt báo trong một khoảng thời gian. Nhưng nguy hiểm ở chỗ khi hai bên cạnh tranh trên thực địa và hành động, luôn tồn tại nguy cơ mọi việc sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, sẽ có sự cố xảy ra. Khi đó không bên nào có thể thoái lui được. Như vậy, gần như người ta đã tình cờ bị đẩy vào một cuộc chiến.
VĂN LINH-ĐSPL
Comments[ 0 ]
Post a Comment