Bài báo khẳng định chính sách hiện tại Trung Quốc theo đuổi là tranh thủ thâu tóm càng nhiều càng tốt, vậy nên Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố nước này sở hữu chủ quyền tài phán của tới 80% diện tích lãnh hải trên Biển Đông.
Vùng phân định chủ quyền được Trung Quốc sử dụng làm mốc là cái gọi là đường 9 đoạn. Đường này ăn sâu vào thềm lục địa 200 hải lý của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei theo quy định của Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982.
Theo nhận định của bài báo, đương nhiên các quốc gia láng giềng sẽ không khuất phục trước những tuyên bố ngang ngược này của Trung Quốc.
Điển hình gần đây nhất là tình trạng đối đầu của Việt Nam, Philippines, hai nước đã mất kiên nhẫn với Trung Quốc, tờ báo cho biết.
Tác giả đã chỉ ra một điểm đáng lưu ý trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đó là nước này liên tục phản đối việc triệu tập một cuộc họp có sự góp mặt của tất cả các bên liên quan trong những vấn đề hiện tại trên Biển Đông, với sự tham gia của các quan sát viên từ cộng đồng quốc tế.
Thay vào đó, họ thích những cuộc đàm phán song phương hơn. Lí do là trong những cuộc bàn bạc như vậy, Trung Quốc không chỉ ngăn chặn được việc kích động nhiều nước vốn đang bất mãn liên minh lại chống Trung Quốc với sự tham gia không thể loại bỏ của một bên thứ ba, trong trường hợp này là Mỹ - đóng vai trò trọng tài, nhưng đồng thời cũng có lợi ích riêng trong khu vực.
Theo tác giả vạch rõ, Trung Quốc sẽ có lợi hơn và an toàn hơn khi tranh luận với từng quốc gia riêng rẽ. Trong những cuộc đàm phán song phương, nước này sẽ dần dần lấy quyền lợi riêng ra tạo sức ép.
Về phần Việt Nam, tờ báo nhận xét qua thời kỳ cải cách kinh tế toàn diện vừa qua, tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng nhiều nước khác tại châu Á đã phát triển mạnh mẽ, mặc dù chưa đạt tới mức chuẩn trung lưu của Mỹ và châu Âu, nhưng mang nhiều đặc điểm tương đồng về mặt tâm lý, một trong số đó là tư tưởng ái quốc.
Xã hội Việt Nam cho rằng hành động của Trung Quốc có tính chất hung hăng và cần được làm rõ ràng, tờ báo khẳng định.
Đối với Hà Nội, chính quyền đã chủ động kết thân với nhiều nước đồng minh – trong đó có Ấn Độ, một quốc gia cũng đang gia tăng quan ngại đối với Trung Quốc. Hay quan hệ hữu nghị với Mỹ - nước trực tiếp ủng hộ Việt Nam trong vụ việc.
Nhận định về sự việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psak nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là khiêu khích và bất lợi cho nền hòa bình, ổn định trong khu vực.
Chủ tịch Trương Tấn Sang (phải) trò chuyện thân mật cùng Tổng thống Nga Putin tại bữa tiệc tối bên lề Diễn đàn APEC trên đảo Bali, Indonesia năm 2013.
Tiếp đó, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng khẳng định Trung Quốc đang có những bước leo thang “hung hăng và khiêu khích”, bài báo gợi lại.
Những xung đột về chủ quyền biển, đảo trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ đem lại nhiều hậu quả tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến Nga, nhất là vùng Viễn Đông, bài báo nhận định.
Vì vậy về phía Nga, tác giả cho rằng nước này cần nắm giữ vai trò trọng tài hỗ trợ như Mỹ đang thực hiện, đứng về phía công lý và hòa bình.
Trong đó, Nga coi Việt Nam là một “đồng minh truyền thống” và đồng thời là một đối tác thương mại quân sự.
Còn đối với Trung Quốc, một mặt Nga vẫn giữ hòa khí nhưng đồng thời không thể trở thành “một đối tác ở cấp dưới” Trung Quốc.
Bài báo nhấn mạnh rằng Liên bang cần phải nỗ lực tăng cường sức mạnh Hạm đội Thái Bình Dương, quân đội trên đất liền và không quân ở Viễn Đông để nâng cao vị thế chính trị của Nga trong khu vực.
Comments[ 0 ]
Post a Comment