"Một nửa hàng hóa của thế giới liên quan đến biển Đông và nếu có xung đột thì sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. Vì vậy, Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ hòa bình đó", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến biển Đông khi ông có mặt trong Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu. Ảnh: Quý Đoàn.
Xuất hiện tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 17/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ nhận được nhiều câu hỏi của các nhà khoa học liên quan đến vấn đề biển Đông. Một nhà nghiên cứu băn khoăn, giới trí thức có thể làm gì khi vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang ngày một nóng bỏng?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các chiến sĩ của Việt Nam đang ngày đêm canh giữ đất, trời, biển của Tổ quốc. Riêng ở khu vực giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép, Việt Nam chỉ có lực lượng thực thi pháp luật gồm Cảnh sát biển và Kiểm ngư, nhưng phía Trung Quốc lại có tàu vũ trang và máy bay quân sự. Dù vậy, Việt Nam vẫn kiên trì giải pháp hoà bình.
Theo Phó thủ tướng, mọi người dân đều có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ trước đến nay, Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, kiên trì với giải pháp hoà bình.
"Để đất nước hùng mạnh không chỉ một lúc mà cần có chiến lược lâu dài và tất cả mọi người phải cùng cố gắng. Các nhà khoa học có một vị trí vô cùng quan trọng, lúc này càng phải vượt qua chính mình, biến trách nhiệm thành hành động để Việt Nam giàu, mạnh, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, khoa học mà còn cả quốc phòng", Phó thủ tướng nói.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng nhận định, một quốc gia mạnh thì mới có tiếng nói và vị trí trong cộng đồng quốc tế, nhất là quốc gia đất chật người đông, tiềm lực kinh tế yếu như Việt Nam. Nếu không phát triển đất nước, không dùng khoa học công nghệ như đòn bẩy để sớm phát triển thì sẽ khó cạnh tranh kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Bộ Khoa học đã có những chương trình nghiên cứu về biển Đông. Trong thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu tài nguyên cũng như căn cứ pháp lý và những vấn đề khác liên quan đến biển”, Bộ trưởng Quân nói.
Trước câu hỏi, "Việt Nam có ý định xây dựng mối quan hệ đồng minh với nước nào không?", Phó thủ tướng cho biết, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với rất nhiều nước ở nhiều cấp độ khác nhau trong đó có hợp tác chiến lược, hợp tác toàn diện với một vài nước...
Tại diễn đàn Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quan điểm công khai, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, chúng ta không liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ ba. Đấy là điều nhất quán.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam sẽ kiên trì biện pháp hòa bình, kiên định con đường ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Ảnh: Quý Đoàn.
Một số nhà khoa học gợi ý Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, việc đưa nhau ra tòa giống như bát nước đổ đi, lấy lại sẽ rất khó. Vì vậy, Việt Nam sẽ kiên định con đường ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. "Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, trí tuệ, có lòng tin bằng biện pháp hòa bình, trao đổi với nhau vừa bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Khoảng một nửa hàng hóa của thế giới liên quan đến biển Đông và nếu có xung đột thì sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. Vì vậy, Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ hòa bình đó", ông Đam nói.
Trước nỗi lo lắng về thực lực mọi mặt để đương đầu, giải quyết vấn đề với Trung Quốc, Phó thủ tướng thừa nhận tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật, quốc phòng... của Việt Nam còn rất yếu, nhưng lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam luôn phải đương đầu với thiên tai, ngoại xâm. Kẻ địch thường lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần, dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn trường tồn, đứng vững.
"Có được điều đó là nhờ chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết, có trách nhiệm, anh dũng và vô cùng trí tuệ. Sự kiện lần này không phải duy nhất trong quá khứ và kể cả tương lai. Chúng ta đã đứng vững và hiện cũng nhất quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền. Hơn 90 triệu người dân Việt Nam kể cả những người ở nước ngoài, bạn bè quốc tế yêu hoà bình cũng ủng hộ Việt Nam", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Giải đáp băn khoăn về việc Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa, ông Đam khẳng định: "Hoàng Sa là của Việt Nam. Việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực là hành động trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ đòi lại, đời chúng ta chưa đòi được thì đời con đời cháu chúng ta sẽ đòi cho bằng được". Câu trả lời khiến hàng trăm cán bộ khoa học, sinh viên vỗ tay tán thưởng.
Một nhà khoa học trẻ đề nghị Phó thủ tướng đánh giá về "16 chữ vàng" trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn nhất quán đa phương hoá, đa dạng hoá xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới.
Việt Nam đang xây dựng và củng cố mối quan hệ với Trung Quốc hướng tới "16 chữ và 4 tốt". Quá trình xây dựng, củng cố sẽ khó khăn, nhưng Việt Nam luôn thực tâm, chân thành để thực hiện và hy vọng Trung Quốc cũng như vậy.
Theo Phó thủ tướng, "16 chữ vàng" nghĩa là nói đến sự quý giá như vàng. "Nhưng các bạn là nhà khoa học chắc biết hơn tôi, người dân cũng biết, vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Rồi có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa, các bạn biết là gì không? Bác Hồ đã dạy, 4 chữ thôi, "độc lập, tự do". Không có gì quý hơn độc lập, tự do", Phó thủ tướng khẳng định.
"Người dân hãy tin Đảng và Nhà nước đang có những bước đi rất khoa học, chắc chắn để làm được những điều nêu trên. Thể hiện lòng yêu nước nhưng phải giữ hình ảnh yêu hoà bình và khát khao hoà bình của Việt Nam. Nếu không tỉnh táo thì lòng yêu nước của nhiều người lại vô tình làm phương hại đến đất nước", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cuộc gặp gỡ của Phó thủ tướng với các nhà khoa học diễn ra trong bối cảnh Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên. Đây là sự kiện lớn hướng tới ngày Khoa học Công nghệ 18/5 - lần đầu tiên được tổ chức trên toàn quốc - nhằm tôn vinh những người làm khoa học.
Lễ trao giải có sự góp mặt của hơn 300 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, các nhà khoa học trẻ, sinh viên, giảng viên các trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ...
Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2014, trị giá 200 triệu đồng mỗi giải, được trao cho giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng với nghiên cứu trong lĩnh vực Toán và Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, lĩnh vực Vật lý.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nêu bật kết quả quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy nhiên, khoa học Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực. Bộ trưởng Quân hy vọng giải thưởng sẽ ngày càng có uy tín cao và lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ đội ngũ trí thức phát huy năng lực sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học.
Hoàng Thùy - Phạm Hương
(Nguồn: Vnexpress)
Comments[ 0 ]
Post a Comment