Trong ngày 18/5, lại thêm một tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công làm hư hại nặng nề. Giới truyền thông quốc tế lập tức lên tiếng chỉ trích hành vi hung hăng này và ủng hộ Việt Nam.
Tàu 46001 của Trung Quốc đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển 4032 của Việt Nam.
* Ngày 18/5, biên đội tàu CSB Việt Nam không chia thành đội hình tác chiến độc lập mà đi lẫn vào các biên đội tàu kiểm ngư cùng với các tàu cá của ngư dân miền Trung để thực hiện quyền chấp pháp.
7h sáng, đài chỉ huy nhận được tin tàu của chúng ta bị tấn công. Quan sát từ xa, phía trước, tàu đầu kéo biển mang số hiệu 952 của Việt Nam đang bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun trắng xóa mặc dù tàu 952 của Việt Nam còn cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10 hải lý. Đến khoảng 8h sáng, tàu cảnh sát biển Việt Nam 2013 lại bị 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc áp sát. Theo PV báo Thanh Niên, dù đã chạy với tốc độ 20 hải lý/giờ với công suất mở 3 máy nhưng tàu Cảnh sát biển 2013 của ta vẫn bị hai con tàu hung hăng của Trung Quốc lao vào.
Hậu quả tàu CSB 2013 bị tông gãy lan can ở mạn phải, móp 1 phần con lươn, dài khoảng 1,5 mét, gãy một số ống thông gió, thông hơi trên tàu. Rất may, không có người nào bị thương vong.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc cắt hướng mũi tàu của Cảnh sát biển Việt Nam.
* Tình hình hiện tại ở khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981, Trung Quốc không những không rút các tàu mà còn tăng thêm số lượng tàu quân sự. Tính tới ngày hôm qua (17/5), Trung Quốc ngang ngược điều 2 tàu tấn công nhanh mang số hiệu 755 và 789.
Kể từ khi xuất hiện trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, 2 tàu quân sự này luôn chạy sát với tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam ở khoảng cách chừng 400m.
Tính đến 16h30 phút chiều 16/5, ông Nguyễn Văn Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho biết, số tàu của Trung Quốc ở quanh khu vực nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tăng lên đến 126 chiếc, nhiều hơn 30 chiếc so với ngày 15/5.
* Trong ngày 16/5, khi các tàu kiểm ngư tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 ở khoảng cách 7 hải lý liền bị 8 tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số 2401, 2350, 37102, 21102, 2337, 33102, 2112, 33006 và hai tàu kéo, ba tàu không số tiến vào áp sát, cản trở, chủ động đâm va, phun nước làm một tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam hỏng máy lái và hư hỏng hệ thống ăngten thông tin.
Không những vậy, Trung Quốc còn điều cả trực thăng săn ngầm Z-9C mang theo tên lửa và ngư lôi, máy bay trinh sát điện tử Y-8J Skymaster, máy bay cường kích JH-7 lượn lờ quanh khu vực hạ đặt Hải Dương 981 hăm dọa tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
* Giới truyền thông báo chí quốc tế tiếp tục có những lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tờ National Interest (Mỹ) cho rằng Trung Quốc đã mắc 4 sai lầm chiến lược khi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Từ Pháp, tờ Le Figaro cho rằng, TQ cần nhớ đến quá khứ từng lớn tiếng đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”, nhưng cuối cùng đã thất bại thảm hại.
“Hà Nội đã liên tục yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan về nước, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam. Cùng với đó, hàng loạt quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ấn Độ, Philippines... đều lên tiếng chỉ trích, phản đối, gọi hành động ngang ngược này của Trung Quốc là sự "khiêu khích, "gây căng thẳng", "cực kì nguy hiểm", ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trong khu vực. Đáp lại phản ứng của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho thấy sự "tôn trọng chính đáng" với vùng lãnh hải Việt Nam”, tờ Le Figaro viết.
Trung Quốc luôn tập trung một lượng lớn tàu để bảo vệ giàn khoan phi pháp.
Theo nhận định của Le Figaro, so với Việt Nam, một quốc gia đã trải qua những năm tháng chiến tranh bảo vệ chủ quyền và đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội, Trung Quốc rõ ràng có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh hơn nhiều. Thế nhưng, nếu có ý đồ dùng vũ lực với Việt Nam thì Trung Quốc cũng cần nhớ lại rằng trong quá khứ, đã có lúc lãnh đạo nước này lớn tiếng đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”, nhưng cuối cùng Bắc Kinh đã thất bại thảm hại. Tờ báo này cũng khẳng định, trong lịch sử, cả Pháp, Mỹ cũng không thể lay chuyển được ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Tờ “The Sydney Morning Herald” của Australia đã đăng tải một bài bình luận dài về việc Bắc Kinh mang giàn khoan Hải Dương - 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trước khi thực hiện việc này, Trung Quốc biết rõ đây là hành động khiêu khích và sẽ gia tăng căng thẳng ở biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố giàn khoan vẫn ở vị trí bất hợp pháp cho đến tháng 8, nguy cơ kéo dài tình hình căng thẳng. Hiện các nhà hoạch định chiến lược tại Úc và khu vực đang tập trung suy nghĩ, tìm hiểu lý do tại sao Bắc Kinh chọn thời điểm này để tăng căng thẳng với Việt Nam.
Đài NHK (Nhật Bản) ngày 18/5 đưa tin, trong bối cảnh Việt Nam đang phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan sâu vào vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt Nam, chính phủ Việt Nam ngày 17/5 đã đưa ra chỉ thị không cho phép những hành động mang tính bạo lực, sẽ xử phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật gây mất trật tự an ninh xã hội.
NHK cũng đưa tin về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi tin nhắn cho mỗi người dân đề nghị thể hiện lòng yêu nước, không nghe kích động, không tham gia biểu tình trái pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Tờ báo hàng đầu của Nhật Yomiuri ngày 18/5 đưa tin, trong khi Việt Nam thể hiện những hành động tích cực thì tính đến sáng ngày 17/5, Trung Quốc đã đưa tổng cộng khoảng 130 tàu vào khu vực giàn khoan Hải Dương-981 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chỉ trong hai ngày từ ngày 15/5, Trung Quốc đã phái thêm 27 tàu vào khu vực này.
Cũng theo Yomiuri trong số tàu của Trung Quốc có ít nhất 4 tàu quân sự, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của 2 máy bay luôn uy hiếp tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ kiểm tra khu vực lãnh hải của mình. Tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng vòi rồng công suất lớn phun vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ngày 15/5, 1 tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị 14 tàu của Trung Quốc bao vây, bị đập phá thiết bị thông tin liên lạc.
Báo Yomiuri dẫn lời của một quan chức thuộc Lực lượng kiểm ngư cho biết tàu Việt Nam chỉ ở mức 450 tấn, trong khi đó tàu Trung Quốc đa phần là tàu từ 2000 tấn chở lên. Đây thực sự là hành vị nguy hiểm đe dọa tới an ninh hàng hải khu vực.
Theo thông báo chính thức từ website WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), Trung Quốc sẽ không tham dự WEF lần này vì phải chủ trì Diễn đàn kinh tế Davos Mùa hè tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Nhưng theo Want China Times (Đài Loan), báo đài thế giới cho rằng lý do vắng mặt thật sự của Trung Quốc là do vụ Trung Quốc ngang ngược đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam.
Lương Minh (Tổng hợp)
Infonet.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment