Thông tin đáng ngại đã đến từ vùng biển Đông, nơi cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành trầm trọng thêm sau khi Bắc Kinh bắt đầu đưa giàn khoan nổi vào vùng thềm lục địa cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.
Hành động này mâu thuẫn với tất cả những gì đã xảy ra trong quan hệ song phương kể từ tháng Mười năm ngoái. Sau đây là ý kiến của nhà chính trị học Nga Grigory Lokshin: “Vào tháng Mười năm ngoái, tại cuộc đàm phán giữa hai vị Thủ tướng của Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận quan trọng. Hai bên đã thành lập các nhóm làm việc, ở Vịnh Bắc Bộ đã mở rộng khu vực tham dò và khai thác chung các mỏ tài nguyên phát hiện ở đây. Và đột nhiên, công ty dầu khí Trung Quốc đã đặt giàn khoan nước sâu (giàn khoan duy nhất được xây dựng ở Trung Quốc) nằm ở cửa ngỏ vào Đà Nẵng. Hành động này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Việt Nam. Mặc dù, Trung Quốc đã ký vào Công ước năm 1982 về các vùng kinh tế 200 dặm của các quốc gia ven biển”.
Theo nhà chính trị học Nga, có một số nguyên nhân của điều đó. Ví dụ, trong ban lãnh đạo Trung Quốc có những mâu thuẫn nội bộ, có những xu hướng và lực lượng khác nhau, và một số lực lượng muốn để Trung Quốc hành động tích cực hơn trong khu vực Biển Đông. Nhưng lý do chính là chính sách của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. Bắc Kinh thường xuyên kiểm tra sự sẵn sàng của Washington bảo vệ lợi ích không chỉ các đồng minh, mà còn các quốc gia khác, bao gồm các nước Đông Á, kể cả Việt Nam. Bắc Kinh muốn để các nước Đông Á thấy rõ rằng, họ không nên dựa vào Hoa Kỳ, bởi vì chính quyền Washington không đi xa hơn những lời tuyên bố về sự cần thiết phải chung sống hoà bình và giải quyết tất cả các vấn đề thông qua thương lượng. Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng “ép” Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Đông Á.
Tàu tuần tra Trung Quốc bắn nước vào tàu của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam ngày 7 tháng 5
Theo ông Grigory Lokshin, bây giờ cuộc khủng hoảng Ukraina tạo môi trường “thuận lợi” cho các hành động mới ở Trung Quốc. Cả Mỹ và châu Âu đang tập trung vào cuộc khủng hoảng này và không thể tìm cách ra khỏi nó. Có lẽ, Bắc Kinh hy vọng rằng, trong điều kiện này Washington không muốn để có thêm những cơn đau đầu do tình hình ở vùng biển Đông. Ông Lokshin nói: “Khó dự đoán, cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào. Theo tôi, cuộc tranh chấp này sẽ không dẫn đến đụng độ quân sự quy mô. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn để có như vậy. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này phải được tìm kiếm trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ”.
Vào những ngày đầu của cuộc xung đột, phía Việt Nam ghi nhận 2 tàu cảnh sát biển, 8 tàu kiểm ngư bị hư hại do hành động của tàu tuần tiễu của Trung Quốc; đồng thời, do vòi rồng phun vỡ kính, 6 kiểm ngư viên đã bị thương.
Comments[ 0 ]
Post a Comment