So với tàu ngầm và không quân đánh biển thì lực lượng tác chiến điện tử của Việt Nam có truyền thống, kinh nghiệm và dày dạn trận mạc nhất.
Hiên ngang trên bầu trời của Tổ quốc.
Tư thế quân sự của quốc gia Việt Nam là khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước kẻ thù xâm lược. Đó là tư thế khiến cho kẻ thù dù mạnh đến mấy, hung hăng đến cỡ nào cũng phải mất ý chí chiến đấu, là tư thế mà buộc kẻ thù phải lựa chọn khi gây chiến hoặc là thất bại thảm hại hoặc là phải trả giá đắt không chịu đựng nổi.
Tư thế quân sự của Việt Nam là tư thế của một đội quân chỉ tự vệ trong sức mạnh vĩ đại của một dân tộc không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào.
Những năm qua, những thách thức đến an ninh chủ quyền biển đảo ngày càng bộc lộ, mặc dù đất nước đang còn nghèo, đang trong quá trình hồi phục sau chiến tranh, nhưng dân tộc Việt không còn con đường nào khác là củng cố phát triển lực lượng quân sự của mình thành một đội quân hiện đại, tinh nhuệ, đủ sức đương đầu với các tình huống xảy ra trong tương lai. Và đây là những điểm nhấn đặc biệt ấn tượng tạo nên một tư thế quân sự đặc trưng của quân đội Việt Nam bước vào năm 2015 đầy biến động.
1- Tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng
Lữ đoàn tàu ngầm của Hải quân Việt Nam. Thật ra, mua được một hoặc nhiều chiếc tàu ngầm không quan trọng, cái quan trọng hơn là bảo đảm cho nó hoạt động, phát huy tối đa về kỹ, chiến thuật cũng như vai trò tác dụng của tàu ngầm như thế nào trong điều kiện Việt Nam, mới mang tính quyết định.
Điều này có nghĩa là Việt Nam phải và đã đảm bảo được cơ sở vật chất kỹ thuật, con người, hệ thống chiến thuật…và do đó, tàu ngầm chỉ là “miếng ghép cuối cùng hoàn thiện một bức tranh” mà thôi. Từ nền móng cơ bản này, Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam với số lượng 6 chiếc hay 60 chiếc không quan trọng mà quan trọng là Việt Nam hoàn toàn chủ động, xác định cần bao nhiêu cho nhu cầu chiến thuật, nhưng vẫn đáp ứng nền kinh tế.
Bởi vậy, khi nói đến tàu ngầm Việt Nam dù là số lượng rất ít nhưng là sự biểu hiện, phản ánh sự phát triển về trình độ, khả năng và sức mạnh của quân đội Việt Nam.
Lực lượng không quân tác chiến trên biển. Lực lượng không quân chúng ta đã có từ năm 1965, nhưng dùng không quân để tác chiến trên biển lại là một hình thức tác chiến mới và rất phức tạp về kỹ thuật.
Có thể nói, trong chiến lược phòng thủ biển đảo của Việt Nam, không quân là lực lượng cực kỳ quan trọng nếu như không muốn nói có tính quyết định thành bại. Do đó, làm chủ vùng trời của vùng biển, hải đảo là một yêu cầu sống còn mà lực lượng không quân tác chiến trên biển của Việt Nam phải chiếm lĩnh bằng được trong hệ thống phòng thủ biển đảo.
Bằng việc triệt để lợi dụng thế địa lý, Việt Nam đã thật sự trở thành một tàu sân bay không thể đánh chìm trên Biển Đông, không quân Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng chiếm ưu thế khi tác chiến trên biển. Một lữ đoàn máy bay săn ngầm, hàng chục Su-22 và đặc biệt trên 30 chiếc Su-30MK2 của Việt Nam luôn là một thách thức đáng gờm cho các tàu mặt nước xuất hiện trên Biển Đông.
Lực lượng tác chiến điện tử. So với tàu ngầm và lực lượng không quân đánh biển thì lực lượng tác chiến điện tử của Việt Nam có bề dày truyền thống, kinh nghiệm và dày dạn trận mạc nhất.
Tác chiến điện tử trong phạm vi quân sự, thực chất là làm chủ, khống chế làn sóng điện từ, gây nhiễu loạn toàn bộ hệ thống chỉ huy, trung tâm liên lạc, quan sát của địch, qua đó làm cho vũ khí công nghệ cao của đối phương trở thành “mù, điếc và ngu dốt”. Tác chiến điện tử quyết định sự thành bại của chiến tranh hiện đại vũ khí công nghệ cao.
Việt Nam, không xa lạ và ngỡ ngàng gì về vai trò, vị trí của tác chiến điện tử trong chiến tranh, bởi thực ra, Việt Nam và Mỹ đã từng đối đầu trong cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay với 2 dấu ấn còn để lại, đó là “hàng rào điện tử Macnamara” và chiến dịch tập kích đường không của Mỹ 12 ngày đêm vào Hà Nội.
Có thể nói, tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại là bài toán khó đối với những nước có nền khoa học kỹ thuật còn yếu. Vì thế, thành lập một lực lượng tác chiến điện tử chuyên biệt đủ khả năng đương đầu trong chiến tranh hiện đại nếu xảy ra là một sự chuyển biến lớn về chất, đưa hoạt động tác chiến điện tử của quân đội tiến lên hiện đại, tinh nhuệ và thiện chiến trên cơ sở những kinh nghiệm chiến tranh, những bài học quý hiếm chỉ có được từ xương máu của thế hệ ông cha để lại… đã chứng tỏ sự trưởng thành của QĐND Việt Nam và tầm nhìn chiến lược của Việt Nam.
Thế và lực của Trường Sa. Nếu như lấy thời điểm năm 1988, thì ngày nay các đảo của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa đã có sự thay đổi vô cùng lớn. Từ những điểm đứng chân giữa Biển Đông nay đã trở thành pháo đài phòng thủ kiên cố.
Hiện tại, Trung Quốc đang xây dựng mở rộng những bãi chìm, bãi cạn thành đảo nhân tạo, thành những căn cứ, điểm đứng chân giữa Biển Đông và nếu như Trung Quốc có ý đồ dùng nó để uy hiếp, xâm hại đến chủ quyền Việt Nam, thì Việt Nam đương nhiên cũng không ngồi nhìn, mà đã, đang củng cố, tăng cường lực tương xứng, cho pháo đài phòng thủ của mình.
Một hệ thống phòng thủ với các loại vũ khí tầm xa, tầm gần…trên các đảo Trường Sa của Việt Nam, sẵn sàng đối phó, đủ sức đương đầu với các tình huống xảy ra tạo nên một thế trận thích hợp là không phải nghi ngờ.
Chiến thuật và công nghệ. Bất kỳ một quốc gia nào có nền quân sự vững mạnh thì chiến thuật và công nghệ (vũ khí trang bị hiện đại, công nghệ cao) luôn được kết hợp chặt chẽ để tạo ra một phương án tác chiến tối ưu nhất. Việt Nam trước đây, do công nghệ yếu kém nên luôn phải lựa chọn những phương án tác chiến theo phương châm “những gì công nghệ không thể thì chiến thuật có thể” rất mạo hiểm và khó khăn.
Chẳng hạn, không có súng chống tăng, người lính phải ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch; không có tên lửa đối không hiện đại, MiG-21 của ta phải sẵn sàng biến thành “quả tên lửa thứ 3” nhằm vào B-52; rồi những tàu vận tải quân sự của ta phải lao lên bãi cạn để giữ chủ quyền…
Ngày nay, tư duy chiến thuật của Việt Nam đã khác, chiến thuật độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam được thăng hoa bởi công nghệ hiện có trong tay. Hải quân Việt Nam tác chiến tầm xa, mà thực chất là tác chiến bảo vệ Trường Sa đang có quá nhiều phương án để lựa chọn.
2- Đối ngoại quân sự
Đối ngoại quân sự hay quan hệ quốc phòng có điểm đặc biệt là chỉ xảy ra khi 2 quốc gia đã có lòng tin và do vậy nó thường đi sau các quan hệ khác như quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa… Không tin nhau thì không có quan hệ quốc phòng.
Nói rằng thế giới hội nhập, có tiền là mua được tất cả, nhưng vũ khí là thứ duy nhất trên thế giới có tiền, nhiều tiền, chưa chắc đã mua được. Mua bán vũ khí chỉ khi đôi bên tin cậy mới xảy ra. Khi bên bán tin rằng những vũ khí đó không chống lại họ, họ mới bán và không phải thứ vũ khí nào họ cũng bán dù trả nhiều tiền bao nhiêu. Do đó, mua bán vũ khí, huấn luyện, đào tạo quân sự cho nhau mức độ ra sao…là biểu hiện mức độ tin cậy của nhau như thế nào.
Ngoài ra một vấn đề cực kỳ quan trọng nữa là huấn luyện, đào tạo con người khai thác sử dụng, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại. Đào tạo, huấn luyện những con người biết khai thác sử dụng tốt vũ khí hiện đại đã khó nhưng chưa đủ, đào tạo những sỹ quan, kỹ sư có chuyên môn sâu để giải quyết phần gốc, cơ bản của công nghệ, càng hệ trọng hơn. Đây là một yêu cầu, nhiệm vụ, mà kinh phí vật chất dành cho nó còn tốn kém đắt đỏ hơn cả mua vũ khí.
Thời gian qua, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với nhiều nước đều nhằm mục tiêu xây dựng lòng tin, thêm bạn bớt thù, là kế sách giữ nước. Trong bức tranh đó có 2 điểm nhấn rực rỡ mà chúng ta ghi nhận là quan hệ quốc phòng với Nga và Ấn Độ.
Chẳng có ai như Nga bán vũ khí cho Việt Nam, vô điều kiện… và Việt Nam chẳng đối xử với ai như dành cho Nga. Nga được quyền ra vào Cam Ranh gần như vô điều kiện. Khi cánh cửa lòng tin Nga-Việt mở toang, không then cài chốt khóa thì vũ khí Nga trong tay Việt Nam luôn có sự khác biệt, và không chỉ là những loại đã tung lên báo chí.
Với Ấn Độ, hầu như như thủy thủ tàu ngầm, phi công Su-30 của Việt Nam được Ấn Độ đào tạo và huấn luyện. Đây là một sự giúp đỡ to lớn và quý báu và đặc biệt của Ấn Độ cho Việt Nam.
Chúng ta có vũ khí trang bị hiện đại, có sức răn đe lớn; chúng ta được giúp đỡ đào tạo con người để khai thác sử dụng, đồng thời nắm chắc phần gốc công nghệ (chuyển giao công nghệ chế tạo tàu tên lửa, tên lửa diệt hạm…) có phần góp công rất quan trọng của đối ngoại quốc phòng.
3- Bản lĩnh-ý chí chiến đấu
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính dày dạn trận mạc năm nào nay tóc đã pha sương, nhưng quân thù và các thế lực bành trướng vẫn còn đó. Bản lĩnh, ý chí chiến đấu của quân đội Việt Nam là gen di truyền qua các thế hệ.
Thế hệ lính thời chống Mỹ đã xứng đáng với thế hệ lính thời chống Pháp và ngày nay, thế hệ lính thời đất nước đổi mới, hòa nhập sẽ có câu trả lời đầy kiêu hãnh nếu như một lần nữa Tổ quốc bị thử thách sống còn.
Bản lĩnh, ý chí chiến đấu và không những thế, trí tuệ của họ trong vụ giàn khoan của Trung Quốc xâm nhập vào thềm lục địa Việt Nam đã khiến Tổ quốc yên tâm hơn lúc nào hết.
Lê Ngọc Thống - Báo Đất Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment