“Chất thép” trên nhà giàn
25 năm qua, kể từ khi các công trình DK1 hiện hữu trên thềm lục địa phía Nam, cũng là ngần ấy năm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam không quản ngại gian lao, sóng gió, kiên cường bám trụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; trở thành chỗ dựa tin cậy giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường.
Tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản tại khu vực thềm lục địa phía Nam. Ảnh: TRỊNH NGUYÊN
Tuy không phải là Bộ đội Hải quân, nhưng Đại tá, PGS, TS Phạm Ngọc Nam lại là người gắn bó với nhà giàn từ ngày đầu. Ông cũng là người thiết kế và chủ nhiệm thiết kế 17 công trình DK1. Vì thế, ông lưu giữ được rất nhiều kỷ niệm gắn liền với mỗi chuyến đi biển; mỗi công trình DK1 mà ông tham gia nghiên cứu, lắp đặt. Tất cả những hoài niệm ấy được ông khắc họa sinh động trong tập nhật ký bằng thơ với tên gọi “Nhật ký đời biển”. Tập nhật ký như lời tự sự, bày tỏ tình yêu mãnh liệt của ông với biển, đảo. Chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm sâu sắc nhất mà đến tận bây giờ mỗi lần nhắc lại, ông vẫn rất ngậm ngùi. Chuyện là, sau 3 năm công trình DK1/6 được xây dựng và đưa vào hoạt động, do những tác động của điều kiện khách quan, nên công trình Nhà giàn DK1/6 có nguy cơ bị đổ. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ hải quân sinh sống, công tác trên Nhà giàn DK1/6 vẫn bám trụ kiên cường, không rời vị trí. Ông xúc động kể: “Tôi nhớ mãi hình ảnh Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy Nhà giàn DK1/6. Trong giờ phút hiểm nguy nhất, anh đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà giàn, còn mình chấp nhận hy sinh. Đặc biệt, trước lúc hy sinh, Chương vẫn kịp quấn lá cờ Tổ quốc vào người. Hình ảnh đó của Đại úy Vũ Quang Chương, nhiều năm buộc tôi luôn suy nghĩ đến rất nhiều điều trong cuộc sống và công tác. Vũ Quang Chương hy sinh để lại bố mẹ già cùng người vợ trẻ và đứa con thơ…”.
Mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội và Quân chủng Hải quân thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần để cán bộ, chiến sĩ công tác ở nhà giàn có được cuộc sống đầy đủ hơn. Tuy nhiên, thiên nhiên hung dữ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cùng sự tàn phá khủng khiếp của bão tố làm đổ một số nhà giàn vào các năm: 1990, 1998, 1999 khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước sẽ mãi mãi không bao giờ quên tấm gương anh dũng hy sinh của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó chỉ huy trưởng về chính trị, Nhà giàn DK1/3. Sau khi nhà giàn bị đổ vì bão, anh cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Giữa biển cả mênh mông, trong điều kiện sóng to gió lớn, Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội, để rồi thanh thản ra đi… Trung úy QNCN Nguyễn Xuân Thủy, nhân viên báo vụ, người may mắn sống sót trở về sau cơn bão lịch sử tháng 12-1998 tâm sự: “Mỗi tấc đất, mỗi vùng trời, mỗi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đều thấm đẫm mồ hôi và xương máu của đồng đội. Vì thế, dù có phải hy sinh, chúng tôi luôn sẵn sàng để bảo vệ và giữ gìn những điều thiêng liêng ấy…”.
Điểm tựa của ngư dân
Cho đến bây giờ, sau một năm được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 và tàu HQ 608 của Hải đội 812, Vùng 2 Hải quân giúp đỡ, cứu hộ, ông Huỳnh Ly, sinh sống tại Cam Ranh, Khánh Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ về lần gặp nạn trên biển. Ông Ly kể: "Ngày 28-10-2013, chúng tôi đang tổ chức đánh bắt cá tại khu vực DK1 thì tàu gặp sự cố do máy bị vỡ ly hợp, không thể khắc phục được. Giữa đêm tối mịt mùng, tàu không thể tiếp tục hành trình trong khi cơn bão số 13 đang ngày một mạnh, sóng gió bắt đầu nổi lên. Không thể bỏ mạng sống giữa biển khơi, tôi lên máy I-com sóng ngắn để liên lạc và bắn tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn, chúng tôi không bắt được tín hiệu; cùng lúc ấy, nước biển tràn vào khoang máy chính, 11 thuyền viên trên tàu hoảng sợ. Ngày thứ nhất trôi qua, đến ngày thứ hai toàn bộ thông tin liên lạc của tàu bị tê liệt vì ác-quy hết điện. Gạo, muối, mì ăn liền trên tàu cũng bị sóng biển làm ướt. Máy định vị không có tác dụng. Trong hoàn cảnh cam go ấy, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 phát hiện, rồi gọi tàu hải quân đến ứng cứu và hỗ trợ thực phẩm, nước uống. Ngày ấy, nếu không có Bộ đội Hải quân, thì...".
Theo Trung tá Đỗ Hoài Văn, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15 thì ngư dân ra thềm lục địa phía Nam đánh cá tuy có nhiều kinh nghiệm đi biển, nhưng vì chủ quan nên rất dễ gặp tai nạn. Các đơn vị hải quân đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển tổ chức tuyên truyền cho bà con ngư dân hiểu rõ hơn về Luật Biển, cách phòng chống, khắc phục rủi ro, tai nạn khi làm ăn trên biển. Mặc dù vậy, bà con ngư dân vẫn gặp khá nhiều tai nạn. Vì vậy, khi phát hiện được những trường hợp không may bị tai nạn, đội ngũ thầy thuốc ở các nhà giàn đều đến tận tàu hướng dẫn và điều trị miễn phí cho bà con. Thượng úy QNCN Nguyễn Đức Á, quân y Nhà giàn DK1/15 kể lại: "Cách đây không lâu, ngư dân Võ Đắc Minh trên tàu cá Kiên Giang do chủ quan lặn sâu đã gặp tai nạn. Bệnh nhân có biểu hiện hôn mê, nguy cơ vỡ bàng quang rất cao, nếu không xử lý kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng. Rất may, ngư dân trên tàu đã kịp thời liên lạc với bộ đội Nhà giàn DK1/15 để cấp cứu kịp thời bệnh nhân".
Không chỉ khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn còn thường xuyên hỗ trợ bà con nước ngọt. Trung tá Dương Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/14 cho biết: "Mặc dù cán bộ, chiến sĩ hằng ngày phải tiết kiệm từng lít nước ngọt; mùa khô phải thực hiện quy định 2 đến 3 ngày mới tắm giặt một lần, nhưng khi ngư dân ra vùng biển này đánh bắt hải sản nếu thiếu nước ngọt chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ. Những tàu cá gặp khó khăn, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Vì vậy, ngư dân rất yên tâm khi ra khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển này. Từ khi nhà giàn có sóng điện thoại Viettel, việc liên lạc hỗ trợ nhau giữa những người đi biển trở nên rất thuận tiện. Mỗi khi tàu thuyền có sự cố như chết máy, hỏng hóc, bà con đều phát tín hiệu nhờ cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn liên hệ với các tàu trực để được sửa chữa. Mới đây, tàu cá mang biển số BT89775-TS đang đánh bắt hải sản tại khu vực Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam thì bị hỏng máy nén, mất khả năng cơ động. Bà con đã nhờ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn liên hệ với tàu HQ 624 đang làm nhiệm vụ trên vùng biển này đến sửa chữa khắc phục. Sau hơn 1 giờ, được sự giúp đỡ của tàu HQ 624, tàu cá BT89775-TS đã hoạt động bình thường trở lại… .
25 năm tham gia xây dựng, bảo vệ các công trình DK1 của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân, chuyên gia, nhà khoa học của Binh chủng Công binh và một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội quả là một chặng đường đầy gian khó và đã làm nên những chiến công thầm lặng. Những cống hiến, hy sinh của họ là sự khắc họa sinh động dũng khí người Việt. Họ đã làm nên những công trình độc đáo, đặc biệt, luôn đứng vững vàng, hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
TRỊNH DŨNG - NGUYÊN THẮNG - QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment