Giải bài toán về nền san hô
Công trình DK1/2 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Xây dựng các công trình DK1 là công việc vô cùng khó khăn, gian khổ. Những người lính công binh gần như bắt đầu từ con số không khi được giao nhiệm vụ quan trọng này. Đại tá PGS, TS Phạm Ngọc Nam, nguyên Trưởng ban DK1, người được mệnh danh là “ông nhà giàn”, nói với chúng tôi: "Khó khăn đầu tiên khi tổ chức thi công công trình DK1 trên biển mà chúng tôi phải đối mặt là sóng to, gió lớn. Gió mạnh, dòng chảy xiết, nên các thiết bị, phương tiện rất dễ bị nước cuốn trôi. Lần chúng tôi tổ chức thi công nhà giàn DK1/6, chiếc tàu đóng cọc suýt đâm vào chân đế của nhà giàn. Lần ấy, chúng tôi đã kịp thời dùng tàu công suất lớn ứng cứu nên sự cố này không xảy ra".
Theo cán bộ, kỹ sư Ban DK1 thì khi xây dựng các nhà giàn, Bộ đội Công binh phải đối mặt với 3 vấn đề đặc biệt khó khăn chi phối đến chất lượng, tiến độ thi công, bao gồm: Việc xác định chính xác chiều cao của sóng; nghiên cứu, xác định cấu trúc, địa chất nền san hô và khắc phục nền có lớp bùn dày. Lý giải về một trong ba vấn đề nêu trên, Đại tá, PGS, TS Phạm Ngọc Nam cho biết: "Việc xác định chiều cao của sóng tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại rất khó khăn. Bởi trên nền san hô mấp mô khiến chiều cao thực tế của sóng liên tục thay đổi, có thể tăng lên gấp 3 lần. Hoặc khi nghiên cứu, xác định cấu trúc, địa chất nền san hô, thực sự là bài toán vô cùng phức tạp. Có cán bộ Ban DK1 gọi vui là “nền tù mù”, vì cho đến nay, một số điều về vấn đề này vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng...".
Để các nhà giàn luôn vững chắc nơi đầu sóng ngọn gió, trụ vững trên nền san hô, những kỹ sư công binh và các chuyên gia đã phải nghiên cứu, ứng dụng hàng chục cụm giải pháp khoa học công nghệ phức tạp, như: Nghiên cứu về khí tượng hải văn; kết cấu cọc đặc biệt đóng vào nền san hô; bơm vữa xi măng nhằm “tạo rễ”, “đặc hóa san hô”; chống ăn mòn… Thời gian đầu khi đề xuất các giải pháp thi công móng công trình, đã có rất nhiều phương án, nhưng qua nghiên cứu các kỹ sư công binh đều cho rằng, phương án tối ưu là sử dụng móng cọc, kết hợp trọng lực từ bản thân kết cấu chân đế công trình. Khi thiết kế chân đế, tại các nút mở rộng cho cọc phụ, đã thiết kế các thùng chứa vữa xi măng hoặc vữa bê tông được bơm vào nhằm tăng sự vững chắc cho các chân đế. Mặt khác, để gia trọng toàn bộ các ống của chân đế, cọc cũng được nối thông và bơm đầy vữa xi măng... Phương án này đã khắc phục được những tác động tiêu cực từ môi trường và những khó khăn về địa chất.
Mỗi công đoạn xây dựng nhà giàn ngoài biển đều diễn ra vô cùng gian nan. Bài viết này, khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà đội ngũ cán bộ, kỹ sư công binh đã trải qua để làm nên những công trình DK1 trên biển. Chỉ biết rằng, mỗi đêm thức trắng, mỗi ngày nôn nao vì say sóng... mới thấy hết tâm huyết, trách nhiệm của họ với Tổ quốc, với biển đảo, thềm lục địa thân yêu. Trò chuyện với những cán bộ, kỹ sư công binh đã gắn bó với những công trình DK1, các anh đều nói rằng: 25 năm qua, điều ấn tượng nhất là lần đầu tiên đóng thành công cọc công trình DK1 vào nền đá san hô. Bởi trước muôn vàn khó khăn khi ấy, việc đóng cọc nhà giàn thành công là một thành tựu lớn, tạo ra điều kiện thuận lợi để Bộ đội Công binh triển khai nhiệm vụ thi công các công trình nhà giàn DK1 trên biển. Và sau những thành công ấy, khi nghiên cứu, một chuyên gia người Nga đã từng đánh giá: Nhà giàn DK1 đã thể hiện trí tuệ, khát vọng của người Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, Trưởng ban DK1 tâm sự: “Sau mỗi công trình, Bộ đội Công binh chúng tôi lại khám phá ra nhiều điều hay, kinh nghiệm quý. Chính từ những điều hay, kinh nghiệm quý ấy giúp Bộ đội Công binh vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong những năm vừa qua”.
Sự vinh danh xứng đáng
Tháng 6-2012, công trình khoa học “Các giải pháp khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng Trạm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật” giai đoạn 1990-2010, do Bộ tư lệnh Công binh chủ trì vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Đây là phần thưởng cao quý, vinh danh xứng đáng công sức, trí tuệ, lòng dũng cảm và sự sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, kỹ sư của Binh chủng Công binh, cùng một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, các công trình nhà giàn DK1 đã và mãi mãi có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh-quốc phòng đối với vùng thềm lục địa nước ta nói chung và vùng khai thác tài nguyên dầu khí nói riêng.
Gặp mặt tôn vinh giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho công trình DK1-giai đoạn 1990-2010. Ảnh: Trịnh Nguyên
Là người nhiều năm gắn bó với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Nhiên, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân khẳng định: "Thi công các công trình DK1 trên biển là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Công trình DK1 được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ là rất xứng đáng; là sự tôn vinh công sức sau những năm tháng dày công nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học của đội ngũ cán bộ, kỹ sư công binh. Đây chính là cống hiến đặc biệt xuất sắc của Bộ đội Công binh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. GS, TS Nguyễn Mạnh Kiểm, Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì nhận xét: "DK1 là dũng khí của người Việt. Lần đầu tiên ở nước ta, hệ thống công trình biển được xây dựng trên nền đá san hô và nền đất yếu, mở ra một chương mới cho ngành khoa học xây dựng công trình biển Việt Nam. Nhiều vấn đề khoa học kỹ thuật của các ngành liên quan cũng được nghiên cứu và giải quyết một cách đồng bộ về khoa học. Nét đặc sắc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là các cán bộ, kỹ sư đã lựa chọn, ứng dụng tổ chức kết cấu mới ổn định với sóng gió trên nền san hô, nền đất bùn, đất yếu có mực nước từ 12 đến 25m; áp dụng giải pháp chống ăn mòn bằng sơn và protector; giải quyết tốt kỹ thuật thi công đóng cọc trên thềm san hô và trên nền bùn; khai thác chương trình tự động hóa trên máy vi tính. Các công trình xây dựng đều bền vững, chịu được sóng gió, dòng chảy lớn của đại dương…".
Những việc làm, sự cống hiến, tinh thần vượt qua khó khăn của cán bộ, kỹ sư, công nhân trực tiếp xây dựng công trình DK1 đã khắc họa sinh động dũng khí của người Việt Nam. Chính dũng khí ấy đã kiến tạo nên những công trình đặc biệt giữa biển khơi nghìn trùng sóng gió…
TRỊNH DŨNG – NGUYÊN THẮNG - QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment