Sự kiện Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao 65 năm trước đây, ngày 18/1/1950, có ý nghĩa lịch sử trọng đại.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lúc ấy vừa tuyến bố thành lập được 3 tháng rưỡi, vẫn chưa được thế giới phương Tây công nhận ngoại giao. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập được 4 năm rưỡi đang chiến đấu đơn độc giữa vòng vây thực dân đế quốc. Ngày 19/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt biên giới ở Cao Bằng qua Trung Quốc, lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô và các nước dân chủ mới đã lần lượt công nhận ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Việc Nam lộ Bát lộ quân Trung Quốc giải phóng vùng biên giới phía nam giáp Việt Nam và Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khai thông con đường nối Việt Nam với hậu phương lớn Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân mới, tạo ra bước ngoặt chiến tranh giải phóng ở Việt Nam.Năm 1950, 79 cố vấn của Trung Quốc sang giúp Việt Nam trong các hoạt động quân sự, kinh tế. Trung Quốc giúp Việt Nam đào tạo cán bộ và viện trợ quân sự, kinh tế cho cuộc kháng chiến. Sự giúp đỡ to lớn, chí tình của nhân dân và chính phủ Trung Quốc tạo thuận lợi cho thắng lợi quyết định của quân và dân ta tại Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất to lớn ấy. Từ 1950 đến 1975, quan hệ Việt-Trung phát triển nồng ấm, thể hiện mối tình thắm thiết “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.Nhưng sòng phẳng mà nói, những hy sinh xương máu to lớn của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh giải phóng đã tạo thuận lợi để Trung Quốc thực hiện các đột phá ngoại giao ở hai thời điểm quan trọng. Tại Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương, các cường phương Tây lần đầu tiên phải ngồi vào bàn trực tiếp đàm phán với phái đoàn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khai thông bước đầu quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp và Anh. Năm 1972, Tổng thống Mỹ phải tới Bắc Kinh để tìm kiếm sự hậu thuẫn của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam đang làm nước Mỹ sa lầy và suy yếu. Đặt chân tới sân bay Bắc Kinh, Tổng thống Richard Nixon chủ động bắt tay Thủ tướng Chu Ân Lai, khác với thái độ thù địch tại Hội nghị Giơnevơ 1954, khi Ngoại trưởng Mỹ John Dulles cố tình phớt lờ bàn tay chìa ra của Thủ tướng Trung Quốc. Các thỏa thuận cấp cao Mỹ-Trung năm 1972, trong đó vấn đề Việt Nam là một trọng điểm, mở ra giai đoạn mới của quan hệ Mỹ-Trung, dẫn tới việc Trung Quốc gia nhập Liên hợp quốc và trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc nhân dịp 10 năm thành lập CHND Trung Hoa, được các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đón tiếp: Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Nguyên soái Chu Đức
Quan hệ quốc tế dù được biểu hiện dưới hình thức nào, tô điểm bằng ngôn ngữ đẹp đẽ ra sao, đều dựa trên lợi ích quốc gia; quan hệ chiến lược dựa trên lợi ích chiến lược. Quan hệ Việt-Trung từ 1950-1975 là quan hệ đối tác chiến lược, xuất phát từ lợi ích chiến lược của mỗi bên và sự gặp gỡ tương đồng giữa các lợi ích ấy. Từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, mối quan hệ ấy đã trải qua bước ngoặt đầy sóng gió. Trong 1000 năm từ khi Việt Nam khôi phục lại nền độc lập tự chủ từ thế kỷ thứ 10, Trung Quốc tiến hành hơn 10 cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chỉ chưa đầy 15 năm từ 1974 đến 1988, Trung Quốc tiến hành ba cuộc chiến tranh – một cuộc trên bộ và hai cuộc trên biển. Điều đó phản ánh các bất đồng sâu sắc về lợi ích chiến lược.Sau khi bình thường hóa quan hệ từ Hội nghị Thành Đô 1991, quan hệ hai nước phát triển vượt bậc. Về kinh tế, chỉ 23 năm sau, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đã tăng hơn 1.500 lần – đạt hơn 55 tỷ USD so với mức 32 triệu USD năm 1991. Từ con số không, đầu tư của Trung Quốc đến nay đã đạt tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 8 tỷ USD, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 9 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.Trên con đường trỗi dậy thành một cường quốc, Trung Quốc muốn nước láng giềng Việt Nam ở biên giới phía nam nằm trong khu vực ảnh hưởng mới của Trung Quốc. Cứ 10 năm một lần, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại đề ra một loại phương châm xử thế để gia cố quan hệ song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc – lúc đầu là 16 chữ, sau là bốn tốt. Sự chập chững và mơ hồ mà các phương châm này tạo ra trong quan hệ quốc tế của Việt Nam mãi đến vụ giàn khoan Hải Dương-981 mới gỡ bỏ được.Trong điện văn vừa rồi gửi tới lãnh đạo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo Trung Quốc lại nhắc đến “16 chữ” và “bốn tốt”. Chẳng qua Trung Quốc phải dùng lại các phương châm cũ trong khi chưa tìm được cái gì thích hợp hơn với thời kỳ mới sau vụ giàn khoan HD-981. Bởi vì, một mặt, Trung Quốc chưa ổn định được chính sách láng giềng, cho nên từ năm 2013 ban lãnh đạo Bắc Kinh liên tục điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng. Mặt khác, do chưa có cách nào dung hòa “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc tại Biển Đông với các phương châm “đồng chí tốt”, “anh em tốt”, “đối tác tốt”, “hợp tác toàn diện”, “hướng tới tương lai”...Con đường phát triển thành cường quốc biển của Trung Quốc là một tất yếu khách quan. Nhưng không vì thế mà gây tổn hại tới lợi ích cốt lõi của các quốc gia biển khác.65 năm kể từ ngày ấy, Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc toàn cầu, lợi ích rộng lớn hơn, tương quan giữa hai nước cũng không ngừng thay đổi, "đại cục" đối với mỗi bên cũng đổi khác. Trong khi các giá trị hữu nghị truyền thống Việt-Hoa được gìn giữ và phát huy, để phát triển của các mối quan hệ ấy lên tầm cao mới lại phụ thuộc phần lớn vào việc ban lãnh đạo Bắc Kinh dung hòa những lợi ích “không thể tranh cãi” của Trung Quốc tại Biển Đông với những lợi ích chính đáng của Việt Nam./.
Nguyễn Ngọc Trường - Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment