Trung Quốc & Biển Đông 2015: Nỗ lực kiểm soát thực tế
Wednesday, January 14, 2015
Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông bằng nhiều chiến thuật khác nhau.
Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đảo nhân tạo: Đảo Chữ Thập đã hình thành vị trí quân sự tiền tiêu của Trung Quốc tại Biển Đông
Từ cuối năm 2014 đến nay, Trung Quốc thực hiện hai chủ trương trong nỗ lực lấn chiếm và thiết lập sự kiểm soát Biển Đông.
Thành lập các cơ sở dân sự và quân sự trên các đảo nhân tạo
Trung Quốc đang ráo riết hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo. Đầu tháng 1/2015, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Gregorio Catapang cho biết, công tác của Bắc Kinh khai hoang đất tại Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa đã hoàn thành một nửa.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, Học viện quốc phòng Úc, khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, trong năm 2015, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát Biển Đông bằng nhiều chiến thuật khác nhau. Bắc Kinh sẽ tăng cường các cuộc tập trận hải quân, tăng số lượng tàu cảnh sát biển, thành lập các cơ sở nửa dân sự nửa quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này đang xây trên Biển Đông. Các đảo nhân tạo này giống như những “thuộc địa” của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ điều động ồ ạt nhiều cầu cảng lớn đến các “thuộc địa” này, đồng thời tăng cường số lượng tàu đánh bắt và chế biến hải sản cỡ lớn. Trung Quốc cũng sẽ mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông bằng những giàn khoan khổng lồ như Hải Dương 981 và ít nhất có ba giàn khoan khác cỡ này.
Ngoại giao bình mới, rượu cũ
Ngày 12-14/11/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự các Hội nghị ASEAN+1, ASEAN+3 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra tại Myanmar. Tại đây, Thủ tướng Trung Quốc đưa ra sáng kiến “tư duy kép” (song quỹ tư lộ) để giải quyết vấn đề Biển Đông: Thứ nhất, các tranh chấp có liên quan sẽ do các nước trực tiếp liên quan giải quyết hòa bình thông qua đàm phán hữu nghị. Thứ hai, hòa bình và ổn định ở Nam Hải do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng nhau bảo vệ duy trì.
Báo chí Trung Quốc ca ngợi cách tiếp cận tư duy kép, hay còn gọi là “hai phương thức”. Người Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã có những điều chỉnh nhất định trong cách thức giải quyết tranh chấp Biển Đông, từ cự tuyệt giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua bất cứ biện pháp đa phương nào, nay đã chuyển sang thừa nhận có thể tìm kiếm con đường giải quyết một số vấn đề liên quan đến lợi ích đa phương thông qua một vài diễn đàn đa phương.
Thực tế thì chẳng có gì mới mẻ. Xưa nay, Trung Quốc vẫn kiên trì lập trường giải quyết song phương, nhưng vẫn đàm phán đa phương về COC. Chẳng qua bây giờ Trung Quốc không lẩn tránh mà chuyển sang thảo luận công khai vấn đề này. Nhưng một tấc lập trường cũng không thay đổi. Bản chất là trì hoãn giải pháp thương lượng để phục vụ cho việc xây dựng các đảo nhân tạo và thiết lập các căn cứ quân sự tại các đảo này. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đề cập đến lợi ích hợp tác kinh tế để trung lập hóa các thành viên ASEAN, tạo điều kiện cho việc Trung Quốc hoàn thành trôi chảy việc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự tiền tiêu như việc đã rồi.
Theo học giả ngoại giao Nhật Bản, hiện nay, Trung Quốc đang áp dụng kế hoạch chiến lược “tăng sự tự tin”. Phương pháp của sách lược kiểu tiệm tiến này gồm 2 phần. Phần thứ nhất là tái khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn”, đồng thời áp dụng hành động thực tế bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Phần thứ hai tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, thu hút các nước này đi vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Làm như vậy không chỉ có lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà còn làm cho các quốc gia Đông Nam Á suy nghĩ đến hậu quả khi có hành động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với Trung Quốc, giữ tính độc lập của các quốc gia ASEAN vô cùng quan trọng, từ đó giải quyết tranh chấp song phương chứ không phải giải quyết tranh chấp chung với ASEAN.
Năm 2014, vì Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nên đã dẫn đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, bởi vậy Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều thời gian để phục hồi quan hệ với Việt Nam.
Đau đầu ngoại giao
Tuy nhiên, năm 2015, Biển Đông vẫn là một trong các vấn đề đau đầu đối với ngoại giao Trung Quốc. Vụ khởi kiện của Philippines ra Tòa án Trọng tài luật biển sẽ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Việt Nam lại gửi công hàm cho Tòa án Trọng tài ủng hộ vụ kiện của Philippines, bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn và yêu cầu Tòa Trọng tài quan tâm đến lợi ích của Việt Nam khi xử lý vụ kiện này. Hành động pháp lý của Việt Nam tăng thêm trọng lượng cho vụ khiếu kiện tại Tòa Trọng tài.
Trong năm 2015 Tòa án trọng tài sẽ quyết định hai vấn đề chủ chốt. Thứ nhất là liệu Philippines có đưa ra được cơ sở pháp lý về những vấn đề nêu ra trong đơn kiện hay không? Thứ hai là liệu Tòa án Trọng tài có thẩm quyền xử lý các vấn đề này không? Nhiều khả năng tòa án sẽ quyết định “có” ở cả hai vấn đề và đưa ra phán quyết cuối cùng vào năm 2016.
Chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo nghiên cứu về “đường 9 đoạn”, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc dựa trên đường này.
Kể cả khi Tòa án trọng tài ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ phớt lờ phán quyết này. Bắc Kinh đang quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Biển Đông./.
Lưu Việt - Báo Tổ Quốc
Tags:
Trường Sa
Comments[ 0 ]
Post a Comment