Việt - Nhật: Bạn bè chia ngọt sẻ bùi
Saturday, September 12, 2015
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không chỉ đơn thuần là đối tác quan trọng, mà còn là những người bạn, chia sẻ ngọt bùi.
VietNamNet giới thiệu bài viết của Trưởng Ban Đối ngoại TƯ Đảng Hoàng Bình Quân, đăng trên Japan Times, tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản, trước thềm chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến quốc gia đối tác quan trọng này của VN từ 15-18/9.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Hà Nội năm 2013
Tin cậy, hiểu biết lẫn nhau; phát huy lợi ích tương đồng; nâng cao hiệu quả hợp tác; nỗ lực hướng tới tương lai - đó là những đặc điểm rất dễ nhận thấy khi nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những thập niên vừa qua.
Hai nước có quan hệ ngoại giao hơn 40 năm, nhưng cần thấy rằng thực tế mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu từ khá sớm. Ngay từ thế kỷ thứ 16, người Nhật Bản đã chọn Việt Nam là điểm đến trong giao thương.
Phố biển Hội An đã được quen gọi là “phố Nhật” (Nihon Machi) lớn nhất của Việt Nam lúc bấy giờ, trở thành trung tâm buôn bán của Nhật Bản với Đông Nam Á.
Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn đậm nét và nhiều di tích quan trọng đánh dấu sự giao lưu kinh tế và văn hóa Việt Nam – Nhật Bản.
Và cũng cần nói rằng, cũng giống như nhiều mối quan hệ quốc tế khác, lịch sử quan hệ hai nước có cả những nốt trầm; đã xảy ra những điều rất đáng tiếc.
Nhưng quan hệ giữa hai dân tộc đã tiến về phía trước bằng tinh thần hòa hiếu, khoan dung, "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Phải nói rằng quan hệ hai nước những năm qua đã phát triển vượt bậc, toàn diện và sâu sắc.
Hai bên đã xây dựng mối quan hệ tin cậy và đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay; đã đạt đến khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” từ tháng 3 năm 2014.
Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam; là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trong tổng số 90 tỷ đô la Mỹ vốn ODA của Việt Nam trong 20 năm qua, Nhật Bản đóng góp tới 30%. Nhiều công trình lớn về cơ sở hạ tầng, về công nghiệp ở Việt Nam mang dấu ấn của quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Điều rất đáng ghi nhận, là Nhật Bản luôn tôn trọng chính sách phát triển của Việt Nam, cùng chia sẻ nhận thức tăng trưởng kinh tế để xóa đói giảm nghèo và hướng đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Tin cậy chính trị - điểm sáng nổi bật
Sự tin cậy chính trị giữa hai nước là một điểm sáng nổi bật. Cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế, nhưng hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng nhau, coi trọng lẫn nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi lên cầm quyền. Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Cách đây 20 năm, ngay từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã lần đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản.
Những năm qua, hai bên đã duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, trao đổi kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Việt Nam luôn đánh giá cao những đóng góp tích cực của Nhật Bản vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua và ủng hộ Nhật Bản có vai trò, vị thế xứng đáng, đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Việt Nam là nước sớm khẳng định và nhất quán ủng hộ Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực HĐBA LHQ khi cơ quan này được mở rộng.
Cội rễ của lòng tin là những tương đồng về văn hóa, “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”, là những kết dính của những mối liên hệ lịch sử, ở tinh thần “thành tâm hợp tác”, ở sức sống mãnh liệt của tình cảm nhân dân hai nước yêu mến nhau.
Chúng ta không chỉ đơn thuần là các đối tác quan trọng, mà còn là những người bạn, chia sẻ ngọt bùi.
Chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược
Nền tảng quan hệ là vững chắc, giờ đây hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung, có nhiều tiềm năng hợp tác để có thể bổ sung, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển bền vững.
Hai nước đều chủ trương xây dựng một châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tăng cường hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, phù hợp với lợi ích của khu vực và thế giới.
Sự tin cậy về chính trị, sự tương đồng về văn hóa, sự chia sẻ về lợi ích, sự kết nối về kinh tế, sự giao lưu nhân văn là những giá trị xác định tầm nhìn quan hệ hai nước.
Chúng ta kỳ vọng chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp tới chắc chắn sẽ là một dấu mốc quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” theo phương châm “tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai”.
Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản sẽ tiếp tục tiến về phía trước với nhiều hứa hẹn tốt đẹp.
Những chuyến thăm các cường quốc hàng đầu thế giới trong năm nay của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam đang triển khai một cách tích cực và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ và đưa các mối quan hệ đối ngoại với các đối tác lớn đi vào chiều sâu.
Hoàng Bình Quân (Trưởng Ban Đối ngoại TƯ Đảng)
Tags:
VietNam-Japan
Comments[ 0 ]
Post a Comment