Ẩn ý lịch sử đằng sau cuộc duyệt binh của Trung Quốc
Tuesday, September 15, 2015
Một lễ duyệt binh quy mô lớn ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh ngày 3/9 để kỷ niệm ngày kết thúc Thế Chiến 2 ở Trung Quốc đã làm nổi lên hai câu chuyện trái ngược nhau. Cả hai câu chuyện này đều rất quan trọng để có thể hiểu được con đường tương lai của đất nước này.
Câu chuyện thứ nhất là về sức mạnh mới có của Trung Quốc. Trong hai thập niên phát triển kinh tế nhanh chóng vừa qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng đã tăng mạnh – ở mức hơn 12% vào năm ngoái. Bằng cách công khai trưng diễn những thiết bị quân sự tối tân nhất của mình, lãnh đạo Trung Quốc đã cho thấy một cách rõ ràng họ sẽ không bao giờ để đất nước mình phải chịu đựng như khi bị Nhật Bản xâm lược năm 1937 trong Chiến tranh Trung – Nhật lần hai.
Tất nhiên, thông điệp trên có thể sẽ không được các nước láng giềng của Trung Quốc dễ dàng đón nhận. Rốt cuộc, nhiều nước láng giềng đã sẵn có những lo lắng về việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự của mình. Họ nhận ra điều ấy từ những yêu sách lãnh thổ trên bộ và trên biển rộng khắp của Trung Quốc ở châu Á.
Trong một bài phát biểu trước lễ diễu binh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ cắt giảm quy mô lực lượng quận đội khoảng 300.000 binh sĩ, có lẽ nhằm trấn an giới quan sát về những ý định hoà bình của Trung Quốc trong khu vực, và cũng là để bù đắp cho sự lo lắng vì sự xuất hiện của tên lửa và xe tăng Trung Quốc trong lễ diễu binh. Tuyên bố của ông Tập cũng có thể được coi là một phương thức khéo léo để công bố việc cắt giảm ngân sách lớn – một biện pháp kinh tế (tiêu cực) đã được làm dịu bớt vị đắng bởi một lễ diễu binh biểu dương sức mạnh quân sự của Trung Quốc – một biểu tượng của lòng yêu nước.
Mặc dù vậy, tuyên bố này của Chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể làm yên lòng những nước láng giềng của Trung Quốc. Ngược lại, những nước này có thể sẽ xem những cắt giảm trên là bước khởi đầu của một giai đoạn mới trong tiến trình Trung Quốc hiện đại hoá quân đội, mà đặc trưng là sự phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ cao và ít phụ thuộc hơn vào lực lượng quân đội thường trực hùng hậu.
Tuy nhiên, không nên để câu chuyện chủ đạo về sức mạnh quân sự làm mờ đi những sự thay đổi dù nhỏ nhưng rất quan trọng bên trong đất nước Trung Quốc. Trong các bài xã luận trên báo chí và các hội thảo nội địa trong những tuần và những tháng vừa qua, các cụm từ mới đã được sử dụng lặp đi lặp lại để nói về trải nghiệm chiến tranh của đất nước này. Trung Quốc được mô tả là “mặt trận chính của Thế Chiến 2 ở phương Đông” (được ngầm hiểu là đang hạ thấp “Mặt trận Thái Bình Dương”, nơi Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất), và tháng 8 năm 1945 trở thành “sự kiện lần đầu tiên Trung Quốc giành chiến thắng tuyệt đối trước một kẻ thù ngoại xâm”.
Mọi thứ đã được chuẩn bị để tạo nên một câu chuyện mới, mà theo đó Thế Chiến 2 là một phần quan trọng của bản sắc quốc gia Trung Quốc. Câu chuyện này chắc hẳn vẫn còn lỗ hổng. Trong bài diễn văn của mình tại lễ diễu binh, Chủ tịch Tập Cận Bình không trực tiếp đề cập đến những chiến sĩ “phi Cộng sản”, những người cũng đã chiến đấu chống quân Nhật. Tuy vậy, một động thái chưa từng có của Chính phủ Trung Quốc là cho phép sự có mặt của những cựu chiến binh quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch tại buổi lễ.
Thật vậy, trong suốt lễ diễu binh, biểu tượng chính của quá khứ chiến tranh của Trung Quốc là sự tham gia đáng chú ý của một nhóm nhỏ những cựu chiến binh Trung Quốc trong Thế Chiến 2. Những người đàn ông này, tuổi từ 90 đến 102, là những người còn sống sót sau những trận chiến được thực hiện bởi quân đội Quốc dân đảng lẫn quân đội Cộng sản. Chỉ một thập niên trước đây thôi, thật khó có thể mường tượng ra cảnh những cựu chiến binh Quốc dân đảng, những người từng một thời được dẫn dắt bởi kẻ thù lớn nhất của Mao Trạch Đông, có thể được tôn vinh trong một sự kiện do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức. Sự hiện diện của những cựu binh cho thấy đằng sau tính biểu tượng và luận điệu về chiến tranh của lễ diễu binh lần này là một câu chuyện lớn hơn và phức tạp hơn về trải nghiệm thời chiến của Trung Quốc.
Trung Quốc đang nỗ lực để nhấn mạnh vai trò của mình như là một trong những đồng minh then chốt trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc trong Thế Chiến 2. Trung Quốc ngày càng coi việc phương Tây lờ đi vai trò này của mình trong cuộc chiến là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc phương Tây lờ đi những hi sinh của Trung Quốc trong chiến tranh – với con số thương vong lên đến 14 triệu người – và những đóng góp quan trọng của Trung Quốc trong việc cầm chân hơn nửa triệu quân Nhật cũng phản ảnh quan điểm mang tính đảng phái trong việc dạy lịch sử ở chính đất nước Trung Quốc.
Dưới thời Mao Trạch Đông, câu chuyện duy nhất được chấp nhận là việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại quân Nhật. Sự trợ giúp của bên ngoài – bao gồm cả vai trò quan trọng của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh ở Trung Quốc – không có vị trí nào trong câu chuyện này. Chính quyền Quốc dân đảng với hàng triệu binh lính chiến đấu chống quân Nhật cũng vậy.
Tuy nhiên, câu chuyện của Trung Quốc trong Thế Chiến 2 không chỉ gồm sự nổi lên của chủ nghĩa cộng sản. Khoảng ít nhất 80 triệu dân Trung Quốc trở thành người tị nạn, nhiều người trong số đó chạy vào vùng nội địa, nơi mà Chính phủ Tưởng Giới Thạch vẫn nắm quyền. Tại Trùng Khánh, thủ đô thời chiến ở vùng tây nam Trung Quốc, những cuộc không kích thường xuyên của Nhật đã giết chết hàng nghìn người và biến thành phố này thành một đống đổ nát.
Trong khi đó, hơn hai triệu người Trung Quốc đã tham gia quân đội Quốc dân đảng chống lại sự xâm lược của Nhật Bản. Tuy nhiên, sau năm 1949, câu chuyện này đã biến mất trong nước Trung Quốc của Mao. Về mặt chính trị, người ta không thể dùng từ ngữ nào khác ngoài những từ miệt thị để nhắc đến chính quyền thất thủ (vốn chạy sang Đài Loan) của Tưởng Giới Thạch.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình không trực tiếp đề cập đến vai trò của các cựu chiến binh Quốc dân đảng trong bài phát biểu của mình trong lễ diễu binh, nhưng những cựu binh này đã được trao một vị trí trang trọng – một động thái không phải được điều khiển bởi ý chí điều chỉnh lại lịch sử, mà bởi những tính toán chính trị khôn ngoan. Nếu muốn chiến tranh trở thành một phần của bản sắc quốc gia Trung Quốc, thì 70 năm sau khi kết thúc chiến tranh, câu chuyện được chấp nhận sẽ phải bao gồm ký ức của tất cả những ai đã chiến đấu và hứng chịu hậu quả của chiến tranh, không phải chỉ ký ức của những người cộng sản.
Có thể hiểu rằng, điều này có thể mở rộng những thứ được phép tạo nên lịch sử chính thống ở Trung Quốc, và đồng nghĩa với việc công nhận rằng đất nước Trung Quốc trong thế kỷ 20 đầy biến động được tạo nên bởi nhiều chủ thể – những người theo Cộng sản, Quốc dân đảng, trường phái tự do, dân chủ và những nghệ sĩ, nhà tư tưởng và nhà văn. Trớ trêu thay, cuộc chiến chống Nhật – thời điểm nguy kịch nhất mà Trung Quốc đối mặt với một mối đe doạ ngoại xâm – cũng là một trong những giai đoạn mà sự tham gia chính trị dân chủ của người dân diễn ra sôi động nhất ở đất nước này. Sẽ thật ấn tượng nếu như việc tưởng nhớ đến quá khứ của Trung Quốc một cách bao quát và toàn diện hơn báo hiệu một sự đa nguyên chớm nở cho hiện tại của nước này.
Rana Mitter là Giám đốc của Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford và là tác giả của cuốn sách mới xuất bản gần đây China’s War with Japan, 1937-1945: The Struggle for Survival (Cuộc chiến của Trung Quốc với Nhật Bản, 1937-1945: Cuộc đấu tranh sinh tồn).
Nguồn: Rana Mitter, “China’s History Parade”, Project Syndicate, 04/09/2015.
Biên dịch: Phạm Thị Ngọc Trâm | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp - Nghiên cứu Quốc tế
Tags:
Comments[ 0 ]
Post a Comment