Tổng thống Putin không bảo đảm được nguồn vốn từ Trung Quốc
Friday, September 11, 2015
Các hợp tác kinh tế Trung-Nga không đi theo những lộ trình và ý muốn của Moscow; các siêu dự án chưa được giải ngân.
Vào thời điểm đầy khó khăn hiện nay của nước Nga, khi nước này quay sang thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, câu hỏi đặt ra không phải là quan hệ đằm thắm Nga-Trung liệu có lâu bền, mà là nó hiệu quả đến mức nào xét từ góc độ kinh tế?
Trong chuyến thăm Trung Quốc và dự hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Nhật, Tổng thống Nga Putin thất bại trong sứ mệnh bảo đảm nguồn vốn từ Trung Quốc. Theo báo Japan News, ngày 7/9, mục tiêu kinh tế chuyến thăm của Tổng thống Putin được cho là nhằm đạt được thoả thuận về một loạt dự án mới. Nhưng việc hai bên đã không thỏa thuận được nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng yếu của Nga cho thấy những giới hạn trong quan hệ Trung-Nga mà Nga coi là đối trọng thiết yếu đối với phương Tây đang cấm vận kinh tế Nga.
Nước Nga đang bị cô lập hơn bao giờ hết do vấn đề Ucraina. Nga hướng đến Trung Quốc nơi Nga hy vọng có thể tiếp cận được nguồn vốn mà hiện đang bị từ chối từ bất kỳ đâu trong bối cảnh nền kinh tế Nga và đồng rúp đang tổn thương do giá dầu liên tục giảm. Cuộc khủng hoảng của Nga dường như là một cơ hội tuyệt vời để Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế nước này. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, Trung Quốc là nguồn cấp vốn lớn thứ hai từ bên nước ngoài cho các lĩnh vực phi tài chính của nền kinh tế Nga trong năm 2014. Các chủ nợ Trung Quốc đã cho người dân và doanh nghiệp Nga vay 13,6 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc vào Nga tăng gần gấp ba trong năm 2014 lên 1,27 tỷ USD so với năm trước đó, khiến Trung Quốc trở thành nước đầu tư lớn thứ hai vào Nga sau Pháp. Trung Quốc đã đầu tư 425 triệu USD vào cầu Amur Rail Bridge và 830 triệu USD vào một nhà máy sản xuất gỗ ở Tomsk. Tuy nhiên, đối với các siêu dự án được thỏa thuận vẫn chưa đạt được kết quả nào.
Lần này ông Putin đến Bắc Kinh cùng một phái đoàn cấp cao. Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và là một trong những người thân cận của ông Putin, tham gia đoàn đại biểu đến Trung Quốc trong nỗ lực khởi động việc cung cấp tài chính.
Chuyến đi của ông Putin đã thu được nhiều hợp đồng trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông. Theo Igor Sechin, các thoả thuận có tiềm năng đầu tư khoảng 30 tỉ USD. Tuy nhiên, những dự án hợp tác chung giữa Nga và Trung Quốc trên thế giới trị giá khoảng 113 tỉ USD đang bị đình trệ hay bị trì hoãn.
Những giới hạn trong quan hệ Trung-Nga
Hãng Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã không đảm bảo được nguồn tài chính để xây dựng dự án nhà máy khí hoá lỏng Yamal LNG trị giá 27 tỉ USD. Trước đây, ông Timchenko, một tỷ phú và là người thân cận của ông Putin, khẳng định rằng Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay tài chính trị giá 20 tỉ USD cho dự án, nhưng tiền chưa được giải ngân trong khi đang có nguy cơ giảm xuống còn 15 tỉ USD.
Trung Quốc dừng giải ngân cho một dự án quan trọng khác với tập đoàn dầu mỏ Nga Rosnefl. Vào tháng 6/2013, Rosnefl đã ký một hiệp định với Trung Quốc để cung cấp lượng dầu mỏ trị giá 270 tỷ USD. Theo thỏa thuận, Trung Quốc phải trả trước cho Rosnefl và Công ty đường ống dẫn dầu Nga Transnefl khoảng 60 đến 70 tỷ USD. Nhưng cho đến nay, Rosnefl vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản giải ngân nào. Đối với dự án khí đốt hóa lỏng Yamal với công ty Total của Pháp và Vovatek của Nga, đáng lý Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung quốc sẽ cung cấp trên 20 tỷ USD trong tổng 27 tỷ USD cần thiết trong năm 2014, nhưng theo nguồn tin của Novatek, Trung Quốc vẫn chưa cung cấp một đồng vốn nào.
Trung Quốc thường ký kết một thỏa thuận và sau đó phải mất nhiều năm để giải quyết các chi tiết của thỏa thuận đó trước khi bắt đầu cấp vốn và giải ngân cho các dự án đã ký. Trung Quốc làm như vậy ở mọi nơi trên thế giới.
Nhiều chuyên gia phân tích về công nghiệp cho biết việc giá dầu giảm và đồng rúp của Nga đang mất giá cùng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế và vấn đề tham nhũng tại Trung Quốc có thể là nguyên nhân khiến các dự án chung với Nga bị trì hoãn.
Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại dẫn đến giảm cầu đã làm giảm động lực để Trung Quốc ký kết các thỏa thuận lớn với Nga. Ngoài ra, do Nga có nhu cầu về đầu tư cấp thiết, Bắc Kinh có thể trì hoãn việc thực hiện cho đến khi đạt được những điều khoản có lợi nhất thì mới tiến hành giải ngân.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tục hưởng lợi từ ưu thế về công nghệ quân sự của Nga. Mỗi năm Nga bán cho Trung Quốc hơn 1 tỷ USD vũ khí, kể cả hệ thống tên lửa S-400. Mới đây, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng Nga đã sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng của Nga, nhưng không phải theo những lộ trình và ý muốn của Moscow. Các nhà phân tích cho rằng sự “thắm thiết” trong quan hệ Nga-Trung hiện nay khó có thể trường tồn, do hai nước không có mấy lòng tin về chiến lược của nhau./.
Lưu Việt - Tổ Quốc
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment