Đấu khẩu quanh thất bại của Trung Quốc ở hội thi quân sự Nga
Tuesday, September 1, 2015
Bị đánh bại trong nhiều nội dung của hội thi quân sự quốc tế, Trung Quốc cáo buộc nước chủ nhà Nga gian lận, còn Moscow đáp trả rằng lý do là bởi Bắc Kinh muốn "khác người".
Trung Quốc mang đến xe tăng riêng Type 96A, chứ không dùng khí tài mà nước chủ nhà Nga cung cấp trong hội thi quân sự. Ảnh: Military-today
Trung Quốc chưa đầy ba tuần trước tham gia hội thi quân sự lớn nhất thế giới, mang tên Thế vận hội Quân sự Quốc tế tại thao trường Alabino, ở ngoại ô Moscow. Sự kiện có 17 nước tham gia, tranh tài ở nhiều hạng mục khác nhau.
Trong khi hầu hết người dân Mỹ đang say sưa với chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump và vụ kiện của cầu thủ bóng bầu dục Tom Brady, hàng chục triệu người đam mê quân sự Trung Quốc và các chỉ huy cấp cao quân đội nước này hướng sự tập trung vào cuộc thi tài ở Moscow.China Central TV đã theo dõi chặt chẽ tất cả 14 phần thi trong sự kiện này. Binh sĩ và vô số người hâm mộ quân sự dán mắt vào TV để xem chương trình phát sóng. Các nhà bình luận quân sự Trung Quốc đua nhau mổ xẻ mọi góc độ của cuộc tranh tài.
Cuối cùng, Nga đánh bại Trung Quốc trong hầu hết 12 nội dung mà Trung Quốc tham gia, trong đó có đua xe tăng (Tank Biathlon), đua tàu ngầm và tàu chiến (Caspian Cup) và đua xe chiến đấu bộ binh (Suvorov Onslaught). Trong hội thi, các bình luận viên quân sự Nga nhiều lần thẳng thừng chê bai màn trình diễn của các loại vũ khí, khí tài Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc Nga gian lận. Tướng Liu Ying, người đứng đầu đội Trung Quốc, và nhiều nhà bình luận quân sự, phàn nàn rằng chủ nhà Nga liên tục thay đổi luật thi để cố tình gây bất lợi cho đội Trung Quốc. Trong khi đó, người Nga nói rằng khiếu nại của Trung Quốc là vô lý và những lời cáo buộc đó nhằm bao che cho bất cập và thiếu sót của đội tuyển Trung Quốc.
Nga nói rằng Trung Quốc thất bại vì họ cố gắng khác biệt với các nước khác. Trong các đội đến từ 17 nước tham gia, bao gồm Nga, Trung Quốc, Angola, Armenia, Venezuela, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Kuwait, Mông Cổ, Nicaragua, Serbia và Tajikistan, thì Trung Quốc là quốc gia duy nhất từ chối sử dụng các loại vũ khí và thiết bị mà chủ nhà Nga cung cấp. Thay vào đó, Trung Quốc dùng xe tăng, xe bọc thép, súng và đạn dược của riêng mình. Các nhà phân tích cho rằng điều này chứng tỏ Trung Quốc đang muốn thể hiện với thế giới rằng các loại vũ khí của họ cũng hiện đại và ưu việt không kém gì hàng của Nga.
Rốt cuộc, người Nga phải điều chỉnh luật thi để đảm bảo rằng vũ khí của Trung Quốc, thường mới và hạng nặng hơn, có thể đấu công bằng với các loại vũ khí cùng một tiêu chuẩn mà Nga cung cấp cho các nước khác.
Trung Quốc cáo buộc Nga có "động cơ sâu xa" khi yêu cầu các bên tham gia phải sử dụng vũ khí của Nga, đặc biệt là xe tăng chủ lực T-72B3M và T-72B3, nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng trên thị trường vũ khí thế giới. Tất nhiên, Trung Quốc rõ ràng cũng muốn bán xe tăng của mình cho thị trường toàn cầu, đó là lý do tại sao Trung Quốc mang đến xe tăng Type 96A. Loại xe này tiên tiến hơn về mặt kỹ thuật và có động cơ lớn hơn nhiều.
Trong cuộc thi năm ngoái, một chiếc xe tăng Type 96A đã khiến đoàn Trung Quốc "bẽ mặt" khi nó bị tuột bánh xích trong lúc chạy qua lễ đài để tiến tới vạch đích, khiến Trung Quốc mất vị trí thứ hai vào tay Armenia.
Tuần này, lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến II ở châu Á tại Bắc Kinh sẽ là cơ hội để Trung Quốc khiến thế giới quên đi thất bại ở hội thi, khi phô diễn các vũ khí công nghệ cao mới nhất từ tên lửa đạn đạo cho tới các loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay.
Phương Vũ (theo Washington Times)
VnExpress
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment