Chính sách an ninh Nhật Bản chuyển hướng chiến lược
Tuesday, September 22, 2015
Quân đội Nhật Bản lần đầu tiên được phép chiến đấu ở nước ngoài, một động thái liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ nhằm ứng phó trước những thách thức mới.
Cảnh tượng hỗn loạn hiếm thấy giữa các nghị sĩ đảng cầm quyền và đảng đối lập đã xảy ra tại Quốc hội Nhật Bản trong phiên tranh luận về dự luật an ninh sáng ngày 17/9
Ngày 19/9, phiên họp toàn thể của Thượng viện Nhật Bản đã chính thức thông qua dự luật an ninh mới nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài với tỉ lệ 148 phiếu thuận và 90 phiếu chống.
Cùng với việc vào tháng Bảy vừa qua, dự luật trên đã được thông qua tại Hạ viện, đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng an ninh của Nhật Bản kể từ khi lực lượng quân sự hậu chiến nước này được thành lập năm 1954.
Vượt lên dư luận
Trong khi những người ủng hộ cho rằng việc thông qua điều luật an ninh trên là cần thiết để Nhật Bản có thể ứng phó với môi trường an ninh ngày càng khắc nghiệt, như việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán về quân sự thì các nghị sỹ đối lập và cử tri nước này đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ.
Theo báo kết quả thăm dò dư luận của báo Asahi Shimbun công bố ngày 14/9, 54% số người được hỏi phản đối việc thông qua các dự luật an ninh. Ngay trong quá trình diễn ra phiên họp, bên ngoài toà nhà quốc hội, đám đông gồm khoảng 11.000 người hô to: "Hãy bảo vệ hiến pháp!".
Những người chỉ trích cho rằng điều luật trên là vi hiến và việc thực hiện nó có thể làm thay đổi quan điểm vì hòa bình vốn đem lại 7 thập kỷ hòa bình và thịnh vượng cho Nhật Bản. Đồng thời, nước này cũng có thể trở thành mục tiêu của những kẻ quá khích chống Mỹ trong khi dễ dàng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột do Mỹ dẫn đầu.
Trước đó, nhân dân và Quốc hội Nhật Bản đã từng phản đối gay gắt việc Nhật Bản lần đầu tiên tham gia vào chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1992 và việc nước này triển khai binh lính tham dự các dự án xây dựng tại Iraq năm 2004.
Ngày 18/9 vừa qua, Đảng Dân chủ (DPJ) và đảng Cộng sản Nhật Bản đã đệ trình một loạt kiến nghị lên Thượng viện nhằm cản trợ việc thông qua dự luật, trong đó bao gồm kiến nghị về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chủ tịch Thượng viện Masaaki Yamazaki, bỏ phiếu bất tín nhiệm Nội các tại Hạ viện và kiến nghị khiển trách Thủ tướng Shinzo Abe tại Thượng viện. Tuy nhiên, những kiến nghị này đã bị phủ quyết ngay trong chiều cùng ngày.
Thúc đẩy quan hệ đồng minh truyền thống
Hiến pháp vì hòa bình của Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ 2 đã giới hạn quân đội nước này chỉ có quyền bảo vệ đất nước và đổi tên gọi chính thức của quân đội Nhật Bản là Lực lượng Phòng vệ.
Việc thông qua dự luật trên là một bước tiến giúp tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ; đồng thời cho phép Nhật Bản thực thi (một cách hạn chế) quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh khác nếu bị tấn công vũ trang, ngay cả trong trường hợp Nhật Bản không bị tấn công trực tiếp.
Theo ông Michael Green, Chủ tịch Trung tâm Nghiên Cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) “Điều này (việc thông qua dự luật) cũng giúp Nhật Bản có thể hợp tác với Australia và Philippines cũng như các đồng minh khác của Mỹ”.
“Xét từ khía cạnh quân sự, điều này là cực kỳ quan trọng”, ông Narushige Michishita, một cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản cũng bày tỏ nhận định.
Nhật Bản hoàn toàn có quyền đánh chặn tên lửa bay qua lãnh thổ nước này và nhằm vào Mỹ. Theo luật trước đây, Nhật Bản chỉ có quyền bắn hạ tên lửa nhằm vào Nhật Bản. Trong trường hợp tàu chiến của Mỹ bị tấn công, quân đội Nhật Bản cũng có quyền hỗ trợ. Nhật Bản thậm chí còn có thể triển khai lực lượng tới các vùng biển ở Trung Đông để làm nhiệm vụ rà phá bom mìn do việc ngừng vận chuyển dầu mỏ bằng đường thủy có thể có tác động đến cho nước này.
Động thái trên cũng được kỳ vọng là sẽ mở ra khả năng tăng cường các cuộc tuần tra và tập trận chung giữa Nhật Bản và Mỹ, có sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xung đột xảy ra.
Ngoài ra, đạo luật mới này cũng sẽ cho phép Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bao gồm hỗ trợ hậu cần và bảo vệ các nhân viên dân sự, trước đó chỉ dừng lại ở các hoạt động phi quân sự như xây dựng cơ sở hạ tầng.
Việc thông qua dự luật an ninh đã được Mỹ và Anh nhiệt tình ủng hộ. Trong tuyên bố được đưa ra tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực tiếp diễn của Nhật Bản nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh và đóng vai trò chủ động hơn trong các hoạt động an ninh khu vực lẫn quốc tế."
Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCO) cũng dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Anh bày tỏ sự vui mừng với sự kiện trên, theo đó cho phép Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong (việc duy trì) an ninh và hòa bình quốc tế.
Trung- Hàn quan ngại
Phản ứng về động thái trên của Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong một tuyên bố đã nhấn mạnh đạo luật này là "một động thái chưa từng có của Nhật Bản kể từ thời hậu chiến trong lĩnh vực an ninh và quân sự."
"Gần đây, việc tăng cường sức mạnh quân sự cùng sự thay đổi lớn về các chính sách quân sự và an ninh của Nhật Bản đã khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi rằng Tokyo sẽ từ bỏ chính sách phòng thủ và đi trệch hướng khỏi lộ trình hòa bình mà nước này theo đuổi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai", ông Hồng Lỗi đã tuyên bố và đưa ra lời kêu gọi Nhật Bản "chú ý tới những quan ngại về an ninh của các nước láng giềng", theo đuổi con đường phát triển hòa bình và hành động thận trọng trong lĩnh vực an ninh quân sự đồng thời nỗ lực giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.
Còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã hối thúc Nhật Bản duy trì tinh thần của bản Hiến pháp chủ trương hòa bình ban hành sau Chiến tranh Thế giới II khi Tokyo thực thi các chính sách quốc phòng mới theo đạo luật an ninh trên. Theo tờHankyoreh của nước này, luật an ninh mới của Nhật Bản sẽ gia tăng "mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng".
Vẫn còn bị bó buộc
Dù đã được ban hành nhưng luật an ninh mới chỉ cho phép Nhật Bản điều quân ra nước ngoài trong một số trường hợp đặc biệt như: Khi Nhật Bản bị tấn công hoặc một đồng minh thân cận bị tấn công và điều đó đe dọa tới sự sinh tồn của Nhật Bản và người dân Nhật Bản; khi không có phương tiện thích hợp nào khác để đáp trả các cuộc tấn công và bảo vệ cho người dân Nhật Bản và việc sử dụng vũ lực cũng bị hạn chế ở một mức tối thiểu cần thiết.
Các quy định quản lý hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) vẫn sẽ hết sức chặt chẽ. Mọi chiến dịch ra quân sẽ đều cần sự phê chuẩn của quốc hội. Chính phủ Nhật sẽ phải trình các bằng chứng và lập luận để chứng minh rằng tính chất bắt buộc của việc triển khai lực lượng.
“Đây là một bước đi lớn theo tiêu chuẩn của Nhật Bản nhưng chưa đủ lớn nếu xét theo tiêu chuẩn của các cường quốc”, ông Narushige Michishita, một học giả Nhật Bản tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson nhận định.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã loại trừ khả năng đưa quân ra chiến đấu ở nước ngoài và thậm chí còn nhấn mạnh, Nhật Bản có thể sẽ không hỗ trợ hậu cần cho Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Bất chấp sự phản đối gay gắt trong nước và một số hạn chế còn tồn tại của luật an ninh mới, Thủ tướng Abe đã đạt được dấu mốc trong việc nới lỏng giới hạn của bản hiến pháp hoà bình đối với quân đội, thể hiện quyết tâm lãnh đạo đất nước, thúc đẩy sự chuyển hướng chiến lược của Nhật Bản, nâng cao vai trò của nước này trong việc duy trì an ninh và hòa bình quốc tế.
An Bình (Tổng hợp) - Tổ Quốc
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment