Tranh chấp ở biển Biển Đông gần đây chứng kiến nhiều sự việc với việc Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải và máy bay chiến đấu của Trung Quốc chặn một máy bay trinh sát của Mỹ.
Tháng 5-2014 Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào lãnh hải thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Vụ kiện được nhiều người nói đến của Philippines lên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá đáng của Trung Quốc đầu tháng 6 cũng đến thời điểm quan trọng.
Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của họ bằng “đường 9 đoạn”. Trung Quốc còn tiến hành một kế hoạch đầy tham vọng về xây dựng đảo cùng các căn cứ quân sự và dân sự, trong đó có đường băng, bãi đỗ trực thăng, các khẩu đội tên lửa và trạm radar trên hòn đảo mà họ chiếm đóng. Còn có khả năng Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Do đó, Trung Quốc được xem là ngang nhiên hống hách và ngang ngược trong cách tiếp cận các vấn đề về Biển Đông.
Chương trình bành trướng mà Bắc Kinh đã khởi xướng trong tranh chấp với các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, đặc biệt là Malaysia và Việt Nam - hai nước tuyên bố chủ quyền chính ngoài Philippines, là gì? Tuyên bố chủ quyền của Đài Loan thì chồng lấn với tuyên bố của Bắc Kinh trong khi Brunei không có tuyên bố về lãnh thổ. Việt Nam là nước duy nhất đã trải qua một cuộc xung đột với Trung Quốc trong quá khứ.
Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nên quay trở về thời điểm năm 1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực giành đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa. Trung Quốc còn dùng vũ lực buộc người Việt Nam rút khỏi Đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa năm 1988 sau một trận hải chiến ngắn.
Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc không hành động đối đầu nữa. Trừ một trường hợp ngoại lệ là vụ việc giàn khoan dầu Hải Dương - 981 hồi tháng 5-2014 khi Trung Quốc kéo một giàn khoan dầu vào trong vùng lãnh hải thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thiết lập một vùng đặc quyền quanh giàn khoan.
Vụ việc này đã kéo các tàu của Việt Nam và Trung Quốc vào một xung đột về tuyên bố chủ quyền và phản đối tuyên bố chủ quyền của nhau, các tàu của Trung Quốc đã đâm va vào tàu Việt Nam. Vụ việc đã dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam, khiến cho các doanh nghiệp do người Trung Quốc làm chủ bị thiệt hại. Trung Quốc đã kéo giàn khoan này về vào giữa tháng 7 cùng năm với lý do là đã hoàn thành công việc theo kế hoạch.
Việt Nam đã cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc, cả về mặt ngoại giao lẫn quân sự. Chủ tịch Trung Quốc đã thăm Việt Nam hồi tháng 11-2015 và trong chuyến thăm đó, hai nước đã nhất trí quản lý và kiểm soát thỏa đáng những bất đồng giữa hai bên, bảo vệ ổn định trên biển và tập trung hơn nữa vào hợp tác. Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí thực hiện sứ mệnh thăm dò chung vùng biển ngoài khơi cửa khẩu Vịnh Bắc Bộ, đánh dấu sự khởi đầu tăng cường hợp tác trên biển giữa hai nước.
Tuy nhiên, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng “các hoạt động đã gây bất ổn, làm thay đổi nguyên trạng, vi phạm luật pháp quốc tế… đã làm xói mòn lòng tin và làm gia tăng căng thẳng” và rằng “nhiều nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cảm thấy bất an, đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại”.
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong thập niên vừa qua với kim ngạch thương mại dự kiến đạt mức 100 tỉ USD trong năm 2016. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự mất cân bằng thương mại là rất lớn khi xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 17 tỉ USD so với mức thương mại hai chiều đạt 66 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 312 triệu USD trong năm 2012 lên hơn 2,3 tỉ USD trong năm 2013.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), tháng 1-2016, FDI của Trung Quốc đứng hàng thứ 3 với 179,51 triệu USD. Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở “các thành phố và khu công nghiệp các tỉnh biên giới giữa hai nước” trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên như một nhà máy chế biến quặng titan, một nhà máy antimony và cả các nhà máy sản xuất cao su và gỗ.
Xu hướng đầu tư này của Trung Quốc khiến cho Việt Nam cảnh giác vì lo lắng về việc nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt là có thể hiểu được. Vì vậy, Việt Nam đang xem xét siết chặt kiểm soát để kiềm chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực này. Việt Nam cũng đang tìm kiếm những lĩnh vực khác, như khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao để hưởng lợi từ các quy trình chế tạo hiện đại.
Bất chấp những mối lo lắng này, quan hệ thương mại mất cân bằng với Trung Quốc đặt Việt Nam đứng trước rủi ro “bị ép buộc về kinh tế” để thỏa mãn các lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Đây rõ ràng không phải là vấn đề có thể dễ dàng chấp nhận đối với người Việt Nam.
Việt Nam cũng là một trong những nước chi tiêu lớn cho trang thiết bị quốc phòng trong thập niên vừa qua ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã mua tàu ngầm, tàu chiến và đang tìm kiếm mua máy bay chiến đấu đa năng và các trang thiết bị hải quân khác. 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, giống như loại tàu ngầm mà Ấn Độ sở hữu, được trang bị tên lửa hành trình chống hạm và tấn công từ mặt đất nên tạo ra một mối đe dọa đáng kể cho bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào trong khu vực lân cận.
Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, nước đang cung cấp cho Hà Nội thêm tàu để sử dụng như tàu tuần tra nhằm thúc đẩy khả năng tuần tra trên biển ngoài 6 chiếc đã bàn giao trước đó. Động thái dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam của Mỹ, dù phần lớn là mang tính biểu tượng, nhưng làm tăng thêm số nước có tiềm năng bán vũ khí cho Việt Nam.
Sự ngoan cường và ý chí của Việt Nam cũng có thể thấy rõ trong việc triển khai tàu ngầm mới ở Biển Đông. Dù Hải quân Việt Nam nhỏ hơn Hải quân Trung Quốc rất nhiều, nhưng tàu ngầm của Việt Nam là một sự răn đe có thể tin cậy, đặc biệt là vùng ven Biển Đông. Việt Nam cũng đang xem xét hiện đại hóa cảng nước sâu chiến lược ở vịnh Cam Ranh mà sự gần gũi về địa lý của nó với Biển Đông là một mối đe dọa hiện hữu với tham vọng kiểm soát vùng biển này của Trung Quốc.
Nhìn lại lịch sử đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam trước đây và việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Việt Nam đang được triển khai, Việt Nam là một nước buộc Trung Quốc phải tính đến trong tính toán an ninh của mình liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông. Khả năng Việt Nam bị ảnh hưởng kinh tế hay những thương lượng ngoại giao của Trung Quốc liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông làm cho lung lay là thấp và vì thế, đây sẽ là một đối thủ nghiêm túc đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Ấn Độ và Việt Nam đang mở rộng quan hệ bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác có thể, cũng như tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược hiện nay, theo chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ. Công ty OVL của Ấn Độ đã quyết định tìm kiếm việc gia hạn lần thứ 3 giấy phép thăm dò Lô 128 để duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông.
Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt 8 tỉ USD trong giai đoạn 2013-2014, đến năm 2015 đã đạt trước mục tiêu 7 tỉ USD và giờ đây, hai nước nhất trí hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 15 tỉ USD.
Hợp tác quốc phòng cũng là một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển này. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã thăm Ấn Độ hồi tháng 5-2015, trong đó Tuyên bố về tầm nhìn chung 5 năm cho giai đoạn 2015-2020 về hợp tác quốc phòng và một bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước đã được ký kết.
Theo thông tin báo chí, Việt Nam mong muốn Ấn Độ đào tạo nhân sự lái tàu ngầm. Ấn Độ cũng đang xem xét bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam. Nhưng theo các quan chức Chính phủ Ấn Độ, thương vụ này cho đến nay vẫn chưa được hoàn tất.
Tuy nhiên, dường như Ấn Độ đang hướng tới việc bán những tên lửa này cho Việt Nam khi mà Bộ trưởng Quốc phòng nước này Manohar Parrikar mới đây đã có các cuộc thảo luận về vấn đề này với người đồng cấp Việt Nam trong chuyến thăm vừa qua của ông tới Việt Nam. Ấn Độ cũng đang xây dựng một trung tâm thu và xử lý tín hiệu vệ tinh ở miền Nam Việt Nam, động thái ấy sẽ giúp Hà Nội tiếp cận các hình ảnh từ các vệ tinh địa tĩnh của Ấn Độ bao trùm khu vực, trong đó có Trung Quốc và Biển Đông.
Việt Nam là một trong những nước tuyên bố chủ quyền chính trong tranh chấp ở Biển Đông mà ở đó, Ấn Độ không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền. Việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động bồi đắp đảo và có hành vi hung hăng trong tranh chấp này chỉ khiến cho họ bị nghi ngờ và làm cho Việt Nam cũng như các bên có tuyên bố chủ quyền khác và toàn thế giới nói chung tức giận. Trung Quốc cũng rất nhạy cảm về sự liên quan của các nước bên ngoài trong những tranh chấp này.
Vì thế, họ xem Mỹ là một bên thù địch do các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Washington trong thời gian gần đây và việc nước này ủng hộ Philippines trong vụ kiện chống Trung Quốc tại PCA. Trung Quốc cũng đang có những nghi ngờ về Ấn Độ và Mỹ trong bối cảnh nước này đang trong tình trạng khó xử ở Malacca và hiện đang tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển của mình ở khu vực Ấn Độ Dương, hành động đang làm gia tăng những quan ngại về an ninh trên biển của Ấn Độ. Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đang phát triển, mang lại cho Ấn Độ đòn bẩy đủ để đối trọng với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Việc Ấn Độ bằng lòng trước yêu cầu của Việt Nam trong đào tạo thủy thủ tàu ngầm sẽ đảm bảo đòn đáp trả trước hành động cung cấp tàu ngầm của Bắc Kinh cho Bangladesh và ngăn chặn họ khai thác thêm những sự vụ có lợi cho mình. Bán tên lửa BrahMos, nếu được thực hiện sẽ tạo động lực lớn cho mối quan hệ này ngoài việc tạo dựng uy tín cho Ấn Độ là một nhà cung cấp vũ khí quân sự hiện đại.
Khoản trợ giúp của Ấn Độ dành cho Việt Nam trong phát triển vịnh Cam Ranh, cùng với cảng Chabahar, sẽ làm tăng sự hiện diện trên biển của Ấn Độ ở Thái Bình Dương, động thái sẽ hài hòa rất tốt với mối quan hệ chiến lược của New Delhi với Tokyo và Washington ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những kết nối này sẽ tăng cường hơn nữa cho Việt Nam và giúp cho Việt Nam có sức nặng cần thiết để kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc, qua đó góp phần củng cố ổn định và hòa bình ở Biển Đông.
Hoàng Long
Nguồn: VIF
Comments[ 0 ]
Post a Comment