Điểm chung trong các vụ tấn công mạng nhằm vào Việt Nam và Philippines gần đây đều là: Xảy ra vào những thời điểm nhạy cảm cao về chính trị, có liên quan đến Biển Đông và tin tặc tự nhận là đến từ Trung Quốc. Phải chăng, tin tặc Trung Quốc - những kẻ bất mãn vì không bảo vệ được tính pháp lý của “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh ở Biển Đông trước luật pháp và công luận quốc tế, đang trả đũa bằng cách tấn công mạng nhằm vào các nước mà họ cho là đã khiến “quốc thể” và lợi ích quốc gia của họ bị tổn hại?
Tin tặc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào Việt Nam, Philippines
“Cơn thịnh nộ” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc trên không gian mạngVụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin tại hai sân bay chính của Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, cùng website của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hôm 29/7, để xuyên tạc về tình hình Biển Đông, xúc phạm Việt Nam và Philippines, chỉ là một trong hàng loạt các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam và Philippines - hai nước có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông và do tin tặc Trung Quốc nhận trách nhiệm.Trước đó, chỉ vài giờ sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/7, đã có ít nhất 68 trang web của chính phủ và địa phương của Philippines bị tê liệt do một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) ồ ạt.Các vụ tấn công xảy ra sau đó kéo dài trong vài ngày và nhắm mục tiêu các cơ quan chính phủ quan trọng, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Trung ương, Văn phòng Tổng thống, cùng với một trung tâm y tế và các cơ quan địa phương. Ngoài ra, ở một số cổng thông tin chính quyền địa phương, tin tặc đã để lại tin nhắn rõ ràng “Chính phủ Trung Quốc”, chứ không phải là “Anonymous” (Ẩn danh).Mặc dù chính phủ Philippines vẫn chưa công khai quy trách nhiệm cho các tin tặc Trung Quốc gây ra các vụ tấn công gần đây, nhưng không khó để nhận thấy mối liên quan giữa các vụ tấn công mạng này với các tranh chấp trên Biển Đông. Bởi, các vụ tấn công mạng nhắm mục tiêu vào các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đều trùng hợp với thời điểm căng thẳng địa chính trị lên cao.Chiến dịch tấn công trên mạng lớn đầu tiên chống lại Philippines diễn ra vào tháng 4/2012, sau khi xảy ra đối đầu căng thẳng giữa các tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông. Một tổ chức tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào các mạng lưới quân sự và chính phủ của quốc đảo Đông Nam Á, đánh cắp các tài liệu quân sự và thông tin liên lạc rất nhạy cảm khác liên quan đến cuộc xung đột.Mùa hè năm ngoái, các tin tặc Trung Quốc cũng đã bị cáo buộc tấn công vào các máy chủ của Tòa trọng tài trong thời gian diễn ra các phiên tranh tụng của Philippines trước hội đồng thẩm phán.Việt Nam cũng là mục tiêu phổ biến của các tin tặc Trung Quốc. Vào tháng 5/2014 sau vụ Việt Nam phản đối mạnh mẽ vụ Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Hoàng Sa, tin tặc Trung Quốc cũng đã tấn công vào nhiều trang web của Việt Nam, rêu rao là đã thu thập được các thông tin nhạy cảm về chiến lược ngoại giao và quân sự của nước ta. Đến tháng 10/2014 lại diễn ra đợt tấn công tương tự - một phản ứng mà theo tạp chí The Diplomat (Nhật) là có thể để nhằm trả đũa việc Việt Nam mua vũ khí để tăng cường an ninh hàng hải.Sự trút giận của các tin tặc Trung Quốc, đặc biệt sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, thực tế đã được nhiều nhà phân tích quốc tế cảnh báo từ lâu. Mùa thu năm ngoái, trên The Diplomat, hai chuyên gia an ninh mạng Anni Piiparinen và Jason Healey đã dự đoán rằng: “Philippines (và đồng minh Mỹ của nước này) nên bắt đầu chuẩn bị cho một cơn thịnh nộ kỹ thuật số của các tin tặc (tự nghĩ là yêu nước) Trung Quốc nếu phán quyết chống lại Trung Hoa”.Tin tặc hoạt động độc lập hay có yểm trợ?Thế giới đã và đang chứng kiến cơn giận dữ kinh khủng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong một bộ phận người Trung Quốc, từ vấn đề tranh chấp với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông hồi tháng 9 năm 2012, cho đến các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Philippines và Việt Nam.Chỉ một vài giờ sau khi Tòa trọng tài công bố phán quyết, trên một số trang mạng xã hội ở Trung Quốc, như Weibo, WeChat đã có những ý kiến bày tỏ sự giận dữ với phán quyết của tòa, giận dữ với chính quyền, giận dữ với Mỹ - cường quốc đối thủ của Trung Quốc ở Biển Đông, giận dữ với Philippines – quốc gia “nhược tiểu” đã “dám” đâm đơn đi kiện chống lại Trung Quốc.Họ đe dọa “thôn tính” cả đất nước Philippines, biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc, với biểu tượng nắm đấm thách thức trên Weibo: “Liệu quần đảo Philippines có muốn trở thành tỉnh Philippines?”.Và có hàng chục nghìn lượt người dùng Weibo đã ủng hộ một ý kiến kêu gọi tẩy chay chuối của Philippines – một trong những mặt hàng chiến lược mang lại nguồn thu xuất khẩu lớn cho Manila, để “dằn mặt” quốc gia Đông Nam Á.Trên các diễn đàn trực tuyến khác cũng đầy rẫy những cuộc thảo luận tương tự. Một bài viết tựa đề “Chiến tranh ở Biển Đông đã bắt đầu tối nay” đã nhận được hơn 100.000 lượt xem trên phần mềm nhắn tin di động WeChat.Hàng loạt người dùng, trong đó có nhiều nghệ sỹ tên tuổi của Trung Quốc như Triệu Vy, Phạm Băng Băng, Lý Thần, Lục Nghị, Lý Băng Băng, Lưu Diệc Phi, Lục Tiểu Linh Đồng đã thay ảnh đại diện (avatar) trên Weibo, WeChat, hoặc Instagram sang hình ảnh bản đồ “đường 9 đoạn” với khẩu hiệu “Chúng tôi không để mất ngay cả một dấu chấm”. Và tiếp đó là làn sóng tẩy chay hàng hóa nhập khẩu từ Philippines…Ngay cả Mỹ, đồng minh của Philippines, nước bị Bắc Kinh cho là “kẻ quấy rối” ở Biển Đông, cũng bị trút giận. Những hình ảnh liên quan nhất đến Mỹ như KFC, Apple cũng là nạn nhân của tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc.Những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những thanh niên Trung Quốc quàng khăn với những khẩu hiệu yêu nước trong khi đập nát các điện thoại iPhone của Apple để phản đối. Bên cạnh đó là một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ ở bên ngoài một số cửa hàng của KFC ở một số thành phố ở Trung Quốc. Những người biểu tình mang theo các băng rôn kêu gọi tẩy chay chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC.Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh, một mặt công khai bác bỏ các phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines, mặt khác cũng rất thận trọng tránh không để làm dấy lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng lên ở trong nước.Các phương tiện truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã, China Daily đăng bài viết tuyên truyền “đây không phải là cách để thể hiện lòng yêu nước”. Tờ China Daily viết “thay vì yêu nước, chính lòng yêu nước quá khích của họ đã làm sai tinh thần vì quốc gia”. Bài báo cho rằng những người tổ chức các hoạt động biểu tình mà không có các chuẩn bị cần thiết và quấy nhiễu bất hợp pháp người khác dưới danh nghĩa yêu nước, vì vậy họ cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.Tuy nhiên, đối với sự quá khích trên không gian mạng của các tin tặc nước này, chính phủ Trung Quốc dường như vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, thậm chí chưa đưa ra một khuyến cáo nào về cách “thể hiện lòng yêu nước” cho các tin tặc, tương tự như những gì Tân Hoa xã, hay China Daily đã viết.Điều này không thể không khiến người ta liên hệ tới những cáo buộc trước đây của Mỹ, cũng như các điều tra trên báo chí quốc tế về vai trò bí mật của quân đội Trung Quốc, sự dung túng, chỉ đạo của Nhà nước Trung Quốc trong các vụ tấn công, gián điệp mạng, ăn cắp các bí mật công nghệ, kinh tế, chính trị. Nổi bật nhất là việc tháng 5/2014, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra những thông báo quan trọng, buộc tội 5 tin tặc thuộc đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc vì đã tham gia đánh cắp các bí mật kinh tế.Quay trở lại với các vụ tấn công mạng nhằm xuyên tạc tình hình Biển Đông, bôi nhọ Việt Nam và Philippines mà các tin tặc hoặc ẩn danh, hoặc cố tình nhận là của Trung Quốc, thậm chí là “Chính phủ Trung Quốc”, tiến hành gần đây, có thể thấy, đây là một dấu hiệu nguy hiểm. Bởi, một khi ranh giới giữa “tin tặc hoạt động độc lập” và “tin tặc có liên quan đến chính phủ” còn chưa rõ ràng, thì chẳng loại trừ được khả năng tấn công mạng đã, đang và sẽ trở thành một vũ khí bí mật của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Linh Phương-Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment