"Chúng tôi - những người lính từng bảo vệ biên giới luôn sát cánh cùng các đồng chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi mong có một ngày được ra thăm và tri ân các đồng đội đang canh giữ Trường Sa", thư viết.
Các thành viên Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang ra mắt sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: P.X.
Sáng 14/7, tại hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang cùng Bộ tư lệnh Quân khu 2 lần đầu tiên tổ chức gặp mặt đại diện cựu binh toàn mặt trận và ra mắt ban liên lạc.
Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đọc thư gửi đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Bức thư được trao tận tay đại diện quân chủng Hải quân.
VnExpress giới thiệu toàn văn bức thư:
Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Ban liên lạc hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang tổ chức gặp mặt lần thứ nhất. Thay mặt các cựu chiến binh toàn mặt trận, chúng tôi xin chúc cán bộ chiến sĩ trên toàn quần đảo Trường Sa sức khỏe, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Cách đây hơn 30 năm, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, một cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ ác liệt đã diễn ra suốt 10 năm trời, từ 1979 đến 1989. Quân dân ta đã kiên cường chiến đấu, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của Trung Quốc, bảo vệ toàn vẹn biên cương. Ngày nay, vùng đất chiến trường khói lửa năm xưa đang được hồi sinh và phát triển.
Hôm nay, chúng tôi gặp mặt để cùng nhau ôn lại những ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt, những chiến thắng hào hùng... Đồng thời, kiểm lại những gì đã làm được, chưa làm được trong các hoạt động nghĩa tình đồng đội và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang năm xưa.
Chúng tôi rất thấu hiểu các đồng chí cùng nhân dân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa - đất nước nơi đầu sóng. Ở nơi đó, giữa mênh mông trùng khơi sóng nước, những đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn với cuộc sống đầy khó khăn, vất vả thiếu thốn so với đất liền nhưng luôn có những tinh thần thép. Cả nước tin tưởng vào tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm của các đồng chí cùng nhân dân ngày đêm canh giữ biển đảo, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Chúng tôi - những người lính từng bảo vệ biên giới, đất liền luôn sát cánh cùng với các đồng chí quyết tâm bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Chúng tôi mong có một ngày được ra thăm và tri ân các đồng đội đang canh giữ Trường Sa, vùng biển đảo máu thịt của Việt Nam.
Đôi dòng tâm sự với lòng cảm phục chân thành, cảm ơn sự hy sinh thầm lặng của các đồng chí cho cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.
Tháng 2/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công vào biên giới 6 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, quân dân 6 tỉnh biên giới đã đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc, buộc họ phải rút khỏi Việt Nam vào ngày 18/3. Song, Trung Quốc không hoàn toàn rút quân mà vẫn duy trì lực lượng ở biên giới và lãnh thổ Việt Nam khiến chiến sự tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.
Từ ngày 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509 thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất.
Mặt trận Vị Xuyên từ sau ngày 12/7/1984 không lúc nào ngơi tiếng súng. Cuối năm 1984, đầu năm 1985, hai bên giành nhau quyết liệt cao điểm 685 và bình độ 300-400. Thời kỳ sau này, dưới sự chỉ đạo của thiếu tướng Hoàng Đan, tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, bộ đội Việt Nam thực hiện chiến thuật đánh lấn dũi, tái chiếm và giữ vững điểm cao 685. Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989.
Theo VnExpress
Comments[ 0 ]
Post a Comment