Mặc dù quan ngại Trung Quốc sẽ “làm liều” ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng những gì Mỹ làm đến nay vẫn chỉ là để phòng ngừa và mang tính răn đe, chứ chưa ra một chỉ dấu rõ ràng họ có đáp trả bằng quân sự hay không.
Tàu khu trục tên lửa Quảng Châu phóng tên lửa phòng không trong cuộc tập trận bắn đạn thật của Hải quân Trung Quốc ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ngày 8/7/2016
Tình hình Biển Đông đang căng lên trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye sẽ công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vào ngày 12/7 tới.
Vào thời điểm nhạy cảm này, động thái tập trận dồn dập của quân đội Trung Quốc và cuộc chiến tuyên truyền với các lời lẽ sặc mùi hiếu chiến ngày càng leo thang trên truyền thông Bắc Kinh, đang khiến người ta không thể không nghĩ đến việc Trung Quốc có khả năng sẽ “manh động” ở Biển Đông. Và việc xuất hiện của một lực lượng hùng hậu tàu sân bay, tàu chiến Mỹ tuần tra gần những thực thể Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông trong thời gian này là để phòng ngừa mọi tình huống có thể xảy ra.
Trong bài xã luận trên số báo ra ngày 7/7/2016, Thời báo Hoàn cầu - cơ quan tuyên truyền cho phe diều hâu ở Trung Nam Hải hùng hồn tuyên bố: Bắc Kinh sẽ “không lui một bước” tại Biển Đông.
Tờ báo khẳng định nếu “Mỹ và Philippines có hành động gây sự, khiêu khích thì Trung Quốc không lui một bước” và “sẽ chiến đấu chống trả”.
Phản ứng đáp trả Philippines mà Thời báo Hoàn cầu gọi là “giải quyết bế tắc một lần cho xong” là biến bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc cưỡng đoạt từ Philippines vào năm 2012 thành một “căn cứ tiền phương”, đồng thời “dứt điểm” chốt chặn của Manila trên Bãi Cỏ Mây ở Trường Sa. Tại Bãi Cỏ Mây, Philippines đang bố trí một tiểu đội trú phòng trong tàu chiến cũ mắc cạn, Thời báo Hoàn cầu bày cách “kéo hoặc đánh chìm” con tàu này “cho xong”.
Song song với luận điểm chủ chiến này, quân đội Trung Quốc tổ chức một tuần lễ tập trận ở gần quần đảo Hoàng Sa, huy động hạm đội Nam Hải và các chiến hạm chủ lực của hạm đội Bắc Hải, Đông Hải tham gia tập trận và ra lệnh cấm tàu thuyền qua lại gần khu vực tập trận cho đến ngày 11/7. Báo chí nước này loan tin, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, chỉ huy cao nhất của hải quân Trung Quốc cũng tới giám sát tập trận.
Trong khi đó, theo bản tin của tạp chí hải quân Mỹ Navy Times, 3 tàu khu trục USS Spruance, USS Stethem và USS Momsen của Mỹ đang tuần tra gần Scarborough và quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhiều khu trục hạm khác cũng đang có mặt trong vùng.
Có lẽ động thái này của Mỹ là để phòng ngừa mọi tình huống và diễn biến leo thang có thể xảy ra trong và sau thời điểm nhạy cảm này, chứ Washington hiện cũng chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì sau khi tòa ra phán quyết. Washington cũng chưa ra một chỉ dấu nào về việc liệu Mỹ sẽ đáp trả bằng quân sự nếu Trung Quốc có động thái quân sự hóa thêm các thực thể ở Biển Đông.
Đây là những điều được thể hiện qua các phát biểu của các quan chức Mỹ tham gia điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 7/7 vừa qua.
Trong buổi điều trần đó, ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á kêu gọi Bắc Kinh và Manila “tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài” và tránh “mọi hành động khiêu khích”.
Ông Denmark cho biết, đây sẽ là cơ hội để xác định “liệu tương lai của châu Á - Thái Bình Dương sẽ được định hình bằng sự tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế vốn đã giúp tạo điều kiện phát triển thịnh vượng, hay tương lai khu vực sẽ do những toan tính quyền lực bất công quyết định”.
Dân biểu Randy Forbes, thuộc Đảng Cộng hòa, bang Virginia, Chủ tịch một tiểu ban của Hạ viện về sức mạnh biển, nói thế giới đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có cư xử như một bên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế hay không và nếu không, thế giới muốn nhìn thấy Mỹ sẽ đáp trả như thế nào.
Ông Forbes phát biểu: “Chúng ta làm gì, hay không làm gì, để ủng hộ các đồng minh và hệ thống quốc tế dựa vào luật lệ trong những tuần sắp tới sẽ gây chú ý trên toàn khu vực và những nơi khác trên toàn cầu”.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett nói tại buổi điều trần rằng, phán quyết về vụ khiếu nại sẽ không giải quyết các vấn đề về chủ quyền, nhưng có tiềm năng thu hẹp những vùng đủ tiêu chuẩn pháp lý để được coi là có tranh chấp.
Ngoài ra, bà Willett khẳng định, Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc quyết định chiếm bãi cạn Scarborough gần Philippines, đồng minh của Mỹ, ông Abraham Denmark thận trọng cho hay, sự phản ứng sẽ tùy thuộc vào Bắc Kinh bố trí gì tại nơi có tranh chấp.
Ông nói Mỹ đang làm việc với các đồng minh, trong đó có Philippines và các đối tác trong khu vực, để xây dựng năng lực hàng hải, phát triển quy trình hoạt động chung để làm việc hiệu quả hơn cùng nhau cũng như giúp họ tạo sự hiện diện hàng hải như là một biện pháp răn đe.
Trong khi đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Willett nói: “Bãi Scarborough là một thực thể có tranh chấp - nhưng Mỹ không công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào ở đó. Cam kết theo hiệp ước của chúng ta đối với Philippines vững chắc như sắt thép”. Bà nói thêm, việc chiếm đóng một thực thể chưa có người ở hay việc quân sự hóa một thực thể bị chiếm đóng sẽ rất nguy hiểm và gây mất ổn định.
Linh Phương-Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment