Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, các lực lượng phản động lưu vong đã tổ chức đưa nhiều toán biệt kích cùng vũ khí, phương tiện xâm nhập VN tiến hành các hoạt động chống phá nhà nước.
Tang vật 300 tấn vũ khí và 14 tấn tiền giả trong vụ án được tập kết tại TP.HCM năm 1984 để phục vụ cho phiên tòa xét xử
Để đối phó, lực lượng an ninh đã thành lập kế hoạch kinh điển mang bí số KHCM12.
Chiều 15.5.1981, cơ quan an ninh phát hiện một “làn sóng lạ” ở khu vực bờ biển tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau), nghi là hoạt động của gián điệp. Sự vụ ngay lập tức được báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng (nay là Bộ Công an). Cùng ngày, lực lượng vũ trang tỉnh Minh Hải và lực lượng an ninh tổ chức truy lùng, nhanh chóng bắt giữ 1 toán biệt kích gồm 8 tên, tiêu diệt 1 tên, thu giữ toàn bộ vũ khí, phương tiện khi chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm chỉ huy. Những người bị bắt khai báo xuất phát từ cảng Rayon, Thái Lan trên một tàu biển đăng ký giả biển số tàu đánh cá quốc doanh Phú Khánh. Từ lời khai này, lực lượng an ninh xác định đây là nhóm thuộc tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng VN”, do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh nguyên là sĩ quan không quân của VN Cộng hòa bị thất sủng phải sang Pháp lưu vong. Từ đầu năm 1976, Túy và Hạnh thành lập Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng VN do Túy làm chủ tịch. Từ năm 1979, tổ chức này được các thành phần cực hữu trong chính phủ Thái Lan giúp đỡ bằng cách cho phép sử dụng đất Thái làm căn cứ để hoạt động.
Tại Bangkok, Túy và Hạnh thành lập trụ sở gọi là tổng hành dinh để liên lạc với đồng bọn và được phép đến các trại tị nạn để tuyển dụng thành viên. Ngoài ra, chính quyền Thái Lan lúc đó còn cho phép tổ chức này xây dựng 2 mật cứ có tên là “Tự thắng” và “Quyết tiến”, có thể huấn luyện cho hàng ngàn tên biệt kích, đồng thời cho phép tổ chức này sử dụng cảng Rayon và Surat Thani ở vịnh Thái Lan để cất giấu đội tàu 4 chiếc, làm điểm xuất phát cho các chuyến xâm nhập.
Dụ “rắn” khỏi hang
Từ vụ bắt giữ 8 tên biệt kích, lực lượng an ninh nắm được chủ trương của Túy và Hạnh đưa toán đầu tiên xâm nhập vào tỉnh Minh Hải, khi ổn định chỗ ở sẽ móc nối với tổng hành dinh đưa các toán khác cùng các loại vũ khí phương tiện trang bị cho lực lượng phản động trong nước để tiến hành các vụ gây rối, bạo loạn và lật đổ.
Một kế hoạch giăng bẫy công phu đã được đưa ra, dưới sự chỉ huy của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm và Phó cục trưởng Cục Chống phản động Nguyễn Phước Tân (Hai Tân). Theo đó, qua khai thác tại chỗ các tên bị bắt, nhận thấy nhiều tên khai báo thành khẩn và tình nguyện lập công để chuộc tội nên lực lượng an ninh quyết định thực hiện “dụ rắn ra khỏi hang”, sử dụng các phương tiện điện đài và người của địch để đánh lại địch.
Theo quy ước của Túy, khi toán biệt kích xâm nhập vào biển Minh Hải, đến ngày 22.5.1981 phải điện về tổng hành dinh báo cáo tình hình, nếu không có điện, tức kế hoạch đã bị lộ. Đích thân Phó cục trưởng Hai Tân đã tự tay thảo bức điện với nội dung ngắn gọn “Tàu đã vào tới nơi, anh em an toàn” để gửi đi. Không lâu sau đó, Lê Quốc Túy có điện lại với nội dung “Tàu đã về đến Bangkok vô sự, ngày giờ chuyến thứ 2 sẽ cho biết sau”.
Sau phiên liên lạc đầu tiên thành công, ngay tại trại giam Cây Gừa (thuộc Ty Công an Minh Hải, gần với tọa độ mà toán biệt kích đã xâm nhập), Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm quyết định lập chuyên án đấu tranh với địch mang bí số CM12. Tuy nhiên, do chuyên án có tính chất, quy mô lớn, liên quan đến nhiều vụ án khác, nên Bộ Nội vụ đã nâng tầm lên thành kế hoạch gọi là KHCM12, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Phạm Hùng. Mọi chuyên án có liên quan đều phải phục vụ cho KHCM12. Các lực lượng tham gia đấu tranh đều phải đặt dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ đạo KHCM12 do Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm làm trưởng ban, cùng tham gia là nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm của lực lượng an ninh.
Sau khi xác lập KHCM12, từ tháng 9.1981 đến tháng 9.1984, tại Cà Mau, lực lượng an ninh đã tổ chức dụ, nhử và đón bắt 17 chuyến xâm nhập của địch, thu giữ hơn 160 tấn vũ khí, 11 bộ điện đài, 14 tấn tiền VN giả (trị giá khoảng 300 triệu đồng), bắt và tiêu diệt 162 tên gián điệp biệt kích.
Cho đến khi KHCM12 kết thúc, tại trung tâm Thái Lan chỉ còn 25 tên, trong đó có 4 tên ở Bangkok, 21 tên ở trung tâm huấn luyện. Với số phản động trong nội địa có liên quan đến tổ chức của Túy và Hạnh, lực lượng an ninh đã thực hiện 6 chuyên án bắt 996 tên và vận động được 1.070 tên khác ra hàng và đầu thú. Lời khai của những kẻ liên quan đã làm rõ được âm mưu, phương thức hoạt động của tổ chức "Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng VN" cũng như lộ diện những kẻ đứng đằng sau giật dây.
Từ cuối năm 1984, vụ án liên quan đến KHCM12 đã được đưa ra xét xử công khai, với hàng chục phiên xét xử lưu động ở nhiều địa điểm khác nhau; trong đó, những kẻ có vai trò quan trọng bị xét xử tại TP.HCM. Trước sự chứng kiến của người dân và gần 100 nhà báo, các nhà quan sát quốc tế, tòa đã tuyên 21 bị cáo về tội gián điệp và phản quốc theo Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng với 5 án tử hình, 2 án chung thân, 14 mức án từ 12 - 20 năm.
Thái Uyên - Báo Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment