Do “hiềm khích cũ chưa quên, mâu thuẫn địa chính trị mới lại xuất hiện”, quan hệ Trung-Ấn hiện rất phức tạp, rất mong manh, dễ bị tổn thương và khó hàn gắn.
Ảnh minh họa
Các nhân tố bất ổn như chủ nghĩa dân tộc, hiềm khích lịch sử, tham vọng, sức mạnh và tầm cỡ khổng lồ… đang khiến cho cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không an tâm trước sự nổi lên của nhau. Cả hai đều là cường quốc hạt nhân-vũ trụ, hai đều ước ao một thế giới đa cực mang lại cho họ không gian tăng trưởng và quyền tự do hành động. Cả hai đều ganh đua để có vị trí lãnh đạo trong các tổ chức khu vực và toàn cầu. Và cả hai đều nghi ngờ về ý định của nhau: bên này nghi bên kia đang theo đuổi chủ nghĩa bá quyền và có tham vọng đế quốc.
Thâu tóm cảng chiến lược Gwadar, Trung Quốc “bắn loạt đạn đầu tiên”
Hồi đầu tháng này, chính phủ Pakistan đã chấp thuận cho công ty quốc doanh China Overseas Port Holdings Ltd. của Trung Quốc mua lại quyền kiểm soát cảnh nước sâu Gwadar từ tay PSA International của Singapore vốn đã giành được hợp đồng vận hành cảng này trong vòng 40 năm, kể từ năm 2007.
Theo The Japan Times, từ lâu, Trung Quốc luôn muốn có một chỗ dựa chiến lược ở Biển Arab và cảng nước sâu chiến lược Gwadar là một lựa chọn lý tưởng. Cảng Gwadar được khai trương năm 2007, với 200 triệu USD tiền tài trợ của Trung Quốc. Cảng này vốn bị coi là một thất bại thương mại do phía Pakistan bất lực trong việc khai thác có hiệu quả. Mặc dù bề ngoài Bắc Kinh đã nhiều lần hạ thấp tầm quan trọng của Gwadar, nhưng phía Pakistan đã “thấu rõ tim đen” và từng yêu cầu Trung Quốc xây dựng căn cứ tại cảng nước sâu chiến lược này.
Trung Quốc muốn khắc phục “nút thắt cổ chai” Malacca, nơi hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của nước này phải đi qua. Để đảm bảo sự lưu thông của luồng vận chuyển dầu này, Trung Quốc đã tìm cách triển khai lực lượng hải quân tại các điểm nút thắt dọc theo đường biển từ Vịnh Ba Tư đến Biển Đông và cảng Gwadar chính là viên ngọc quí nhất trong “Chuỗi ngọc trai” này.
Cảng Gwadar chính là viên ngọc quí nhất trong “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc.
Nằm cách Eo biển Hormuz 400 km, cảng nước sâu chiến lược Gwadar là hải cảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ cần phải đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trước khi có thể khai thác hiệu quả cảng Gwadar, nhưng điều này xem ra không thành vấn đề đối với Bắc Kinh. Hiện đang có kế hoạch xây dựng một xa lộ dài 900 km từ cảng Gwadar đến Trung Quốc cũng như các tuyến đường sắt và đường bộ từ Trung Quốc đến Afghanistan và Trung Á.
Bắc Kinh giải thích rằng việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, trong đó có cảng Gwadar, là phục vụ cho mục đích kinh tế- thương mại thuần túy, nhưng các cường quốc khu vực và toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ chắc chắn sẽ coi đây là một sự thách thức. Ấn Độ Dương sắp trở thành đấu trường, nơi mà hầu hết các cường quốc lớn trên thế giới đều không thể bỏ qua trong những năm tới. Chiến lược “phòng thủ biển xa” của Hải quân Trung Quốc là nhằm mục đích phô trương sức mạnh ở những vùng biển chủ chốt, trong đó có Ấn Độ Dương.
Với việc thâu tóm cảng nước sâu chiến lược Gwadar, Trung Quốc đã “bắn loạt đạn đầu tiên”. Các cường quốc khu vực và thế giới khác sẽ có phản ứng thích đáng, nếu muốn duy trì vai trò ở Ấn Độ Dương.
Chiến lược kiềm chế lẫn nhau
Theo World Affairs Journal, tình trạng khan hiếm tài nguyên đã làm gia tăng quan hệ đối địch về địa chính trị giữa “hai gã khổng lồ châu Á”. Vì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Trung Đông và châu Phi, nên cả hai nước này đang tìm cách thắt chặt các quan hệ quốc phòng-an ninh với các nước cung cấp tài nguyên và phát triển lực lượng hải quân thích hợp để có thể kiểm soát các hải trình mà phần lớn hoạt động thương mại của họ đi qua.
Do 77% lượng dầu tiêu thụ của Trung Quốc nhập từ châu Phi và Trung Đông, nên Bắc Kinh phải tăng cường các hoạt động tại Ấn Độ Dương bằng cách đầu tư vào các nền kinh tế quốc gia duyên hải, xây dựng các cầu cảng và cơ sở hạ tầng, cung cấp vũ khí và mua năng lượng. Gần 90% hoạt động buôn bán vũ khí của Trung Quốc diễn ra với các nước nằm trong khu vực Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào phát triển cảng nước sâu ở Pakistan và các căn cứ không quân ở Sri Lanka, Bangladesh, và Myanmar.
Tân Hoa Xã cho rằng Trung Quốc cần thành lập ba tuyến căn cứ tiếp tế cho hải quân tại Bắc Ấn Độ Dương và Nam Ấn Độ Dương. Hãng tin này viết: "Trung Quốc cần thiết lập các trạm hỗ trợ chiến lược ngoài khơi để cung cấp nhiên liệu cho tàu bè, tiếp tế nhu yếu phẩm, tạo chỗ cho binh sĩ nghỉ ngơi, sửa chữa trang thiết bị và vũ khí tại Pakistan, Sri Lanka và Myanmar. Đây sẽ là những căn cứ hỗ trợ cốt yếu trên tuyến cung ứng Bắc Ấn Độ Dương. Còn Djibouti, Yemen, Oman, Kenya, Tanzania và Mozambique… sẽ là các căn cứ hỗ trợ thiết yếu trên tuyến cung ứng Tây Ấn Độ Dương. Quần đảo Seychelles và Madagascar sẽ là các căn cứ hỗ trợ sống còn trên tuyến cung ứng Nam Ấn Độ Dương".
Bắc Kinh lo ngại một cường quốc Ấn Độ liên kết với phương Tây và Nhật Bản sẽ không chỉ đe dọa an ninh Trung Quốc ở dọc các đường biên giới phía Tây Nam xa xôi (Tây Tạng), mà còn cản trở ngại chiến lược "Nam tiến" của Trung Quốc.
Về phần mình, New Delhi đang theo đuổi chiến lược tương tự và tạo ra mạng lưới quan hệ với các quốc gia duyên hải, cả ở góc độ song phương và đa phương. Ấn Độ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Oman và Israel ở phía Tây; trong khi nâng cấp các quan hệ quân sự với Maldives, Madagascar và Myanmar ở Ấn Độ Dương cũng như với Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Australia, Nhật Bản, và Mỹ ở phía Đông. Tháng 12/2006, Đô đốc Sureesh Mehta, khi đó là Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, đã mở rộng phạm vi khái niệm "quan hệ láng giềng chiến lược lớn hơn", bao gồm nhập khẩu các nguồn tài nguyên dầu khí trên toàn cầu - từ Venezuela tới quần đảo Sakhalin của Nga.
Trong khi Hải quân Trung Quốc đi sâu về phía Nam tới Ấn Độ Dương, thì Hải quân Ấn Độ lại tiến về phía Đông tới Thái Bình Dương.
Chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ thể hiện của ý định chiến lược tranh giành sự ảnh hưởng tại khu vực rộng lớn hơn: châu Á-Thái Bình Dương. Ấn Độ đường như cũng không cam chịu để cho Đông Nam Á và Đông Á nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh trên biển đang ngày càng gia tăng khi Hải quân Trung Quốc và Ấn Độ hoạt động tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương một cách thường xuyên hơn. Sự kình địch này có thể lan rộng trong những thập kỷ tới, khi tàu sân bay của Ấn Độ được điều động tới Thái Bình Dương và tàu sân bay của Trung Quốc tới Ấn Độ Dương.
Nguồn: Xã Luận
Như vậy thì nghĩa lí gì ? ảnh hưởng gì tới việt nam ? dầu dừa
ReplyDeleteĐọc xong cả bài viết mà bạn không thấy điều gì ảnh hưởng đến Việt Nam ?
ReplyDelete