Ngày 18-6, tại Moskva, Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga khai mạc Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về an ninh và hợp tác ở Biển Đông với tên gọi “Các vấn đề cấp bách và giải quyết xung đột ở Biển Đông”.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ
Sở dĩ Viện Nghiên cứu Phương Đông tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về vấn đề này bởi xung đột ở Biển Đông tiếp tục trở thành một trong những điểm nóng căng thẳng ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Tham dự hội nghị có các chuyên gia uy tín đến từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và một số quan chức, học giả Nga.Giang sơn dễ cải, bản tính nan diGiới chuyên môn và dư luận đã đặt nhiều câu hỏi ngay sau tuyên bố của Trung Quốc về việc sắp xây xong đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 16-6, tờ The Diplomat dẫn phân tích của bà Shannon Tiezzi, chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Tổ chức Nghiên cứu chính sách Mỹ - Trung. Theo đó, Bắc Kinh tuyên bố rõ ràng sắp hoàn tất việc xây đảo, chứ không phải từ bỏ vì áp lực của Mỹ và các nước ASEAN, đồng thời tránh bão. Và Bắc Kinh muốn kết thúc hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép để “tìm tiếng nói chung” trong chính sách ngoại giao với các nước ASEAN.Bên cạnh đó, Tòa án Trọng tài Quốc tế sẽ khai đình trong tháng 7, xét xử vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò”, nên Bắc Kinh muốn tránh có những hành động gây hấn khi phiên tranh tụng diễn ra. Chuyên gia Shannon Tiezzi còn cảnh báo, sau khi hoàn tất việc xây đảo, Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động ở Biển Đông, đồng thời dễ dàng tăng cường sự hiện diện ở khu vực này.Có người coi đây là động thái nhằm xoa dịu căng thẳng với Washington trước khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc có chuyến công du tới Mỹ vào tháng 9 này. Tờ The Australian Financial Review cũng dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia an ninh của Học viện Quốc phòng Australia - Trung Quốc đã đạt được hầu hết những gì họ muốn và muốn giảm dần hoạt động gây hấn nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ trước chuyến thăm Washington của Chủ tịch nước Tập Cận Bình.Cũng có chuyên gia nói rằng, sự có mặt của Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, cùng với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung tại Washington trong 2 ngày 23 và 24-6 là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh tạm dịu giọng. Cuộc tham vấn giao lưu nhân dân Mỹ -Trung lần thứ 6 cũng diễn ra trong dịp này.Trước đó (22-6), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại sẽ đồng chủ trì cuộc Đối thoại An ninh Chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 6. Nhưng Hãng Reuters vừa dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc hoàn tất xây dựng đảo sẽ không khiến căng thẳng tại Biển Đông hạ nhiệt.Tạp chí National Interest vừa dẫn lại bài viết của tác giả Graeme Dobell thuộc Viện Chiến lược Australia cho rằng, Trung Quốc đang dựng kịch bản là “nạn nhân” trên Biển Đông! Theo ông Graeme Dobell, Washington và Bắc Kinh đang hiểu rất rõ những gì họ nói với nhau và việc bên này hiểu sai ý bên kia xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc. Điều đáng nói là sự ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông luôn đi kèm với những phàn nàn của Bắc Kinh.Và cái gọi là “quan hệ cường quốc kiểu mới” Trung - Mỹ chính là 2 nước sẽ không giẫm lên chân nhau trong các vấn đề quốc tế! Nhận định này của ông Graeme Dobell nhận được sự đồng tình của Giáo sư Quan hệ Quốc tế Evelyn Goh thuộc Đại học Quốc gia Australia.Sẵn sàng cho chiến tranhThuật ngữ “tái cân bằng” lần đầu tiên được Tổng thống Barack Obama đề cập cách đây gần 4 năm (mùa thu năm 2011) và khi đó bà Hillary Clinton với tư cách Ngoại trưởng đã kiến nghị ông chủ Nhà Trắng chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang Châu Á - Thái Bình Dương (còn gọi là xoay trục) nhằm củng cố và tăng cường lợi ích quốc gia trên tất cả các lĩnh vực.Nhưng kể từ đó đến nay, dư luận cảm thấy Mỹ nói nhiều hơn làm, nên đã có không ít người đặt câu hỏi, thậm chí còn cho rằng, chiến lược “xoay trục” của Washington sẽ kết thúc sau khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ. Và nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ vui mừng nhất. Bởi Bắc Kinh luôn coi chiến lược “xoay trục” của Washington là vật cản để nước này vươn ra bên ngoài.
Học giả Richard Fisher
Ngày 15-6, Tạp chí Slate (Mỹ) đã khẳng định, hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đang hủy hoại hệ sinh thái san hô quý giá nhất và không gì thay thế được. Tiến sĩ sinh học Alan Freidlander đến từ Đại học Hawaii cho rằng, việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang gây thiệt hại khó khắc phục cho một trong các hệ sinh thái phong phú nhất hành tinh.Còn theo chuyên gia Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu biển và luật biển thuộc Đại học Philippines, quá trình tôn tạo đảo nhân tạo đã phá hủy khu vực xung quanh các rạn san hô và ước tính có gần 311ha rạn sạn hô bị phá hủy, gây thiệt hại kinh tế 110 triệu USD/năm.Ngày 14-6, tờ The Washington Times vừa dẫn nhận định của Đô đốc về hưu James A.Lyons và chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế (Mỹ), tới đầu năm 2016, Trung Quốc có thể triển khai 30 máy bay và một đội tàu chiến đến căn cứ được xây dựng phi pháp trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và một lực lượng có quy mô tương tự cũng sẽ được triển khai tại bãi đá Vành Khăn và Xu Bi.Theo ông James A. Lyons, vì Trung Quốc đã phớt lờ việc Mỹ yêu cầu chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, nên đã đến lúc Washington cần thiết lập một nền “hòa bình có vũ trang” trong khu vực để kiềm chế Bắc Kinh. Trước đó (13-6), tờ Nihon Keizai Shimbun cho rằng, việc Trung Quốc đề xuất xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa Á - Âu” đã khiến Nga ngày càng lo lắng. Và Moskva cho rằng, cần tăng 50% quy mô quân đồn trú ở Tajikistan hiện nay lên 9.000 quân, nhằm cảnh giác với mưu đồ của Trung Quốc.Ngày 12-6, cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Ủy ban Giao thông quốc gia sẵn sàng chiến đấu Trung Quốc vừa triệu tập 130 đại diện của các cơ quan giao thông, hàng hải quân sự, vận tải quân sự, hiệp hội tàu thuyền Trung Quốc, các doanh nghiệp vận tải hàng hải về Thượng Hải để quán triệt “tiêu chuẩn kỹ thuật quốc phòng” đối với tàu thuyền dân dụng nhằm phục vụ “nhiệm vụ quốc phòng”.Tờ The Diplomat coi đây là cách Trung Quốc buộc các tàu thuyền dân sự phải “sẵn sàng cho chiến tranh”. Trước đó, chuyên gia Andrew Erickson đến từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ từng cảnh báo, “dân quân biển” do Chính phủ Trung Quốc tổ chức và tài trợ đang đóng vai trò quan trọng để Bắc Kinh thực hiện tham vọng bành trướng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.Những thay đổi đáng chú ýNgày 14-6, tờ South China Morning Post đã dẫn những thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Theo đó, chủ nghĩa thực dụng, đặt lợi ích lên trên hết đã chiếm ưu thế so với ý thức hệ hay nguồn gốc xuất thân của các đối tác trong chính sách đối ngoại Trung Quốc hiện nay. Tiếp đến là thay đổi sách lược với Mỹ - nắm đấm đi trước ngoại giao.Ngày 12-6, tờ The Diplomat dẫn nhận định của Andi Zhou, trợ lý nghiên cứu thuộc Chương trình Mỹ, Trung Quốc và Đông Á, chuyên gia từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu New York thuộc Viện Nghiên cứu Đông Tây. Theo đó, tình hình ở Biển Đông ngày càng leo thang căng thẳng, trong khi biển Hoa Đông có phần lắng dịu so với thời điểm năm 2014 và các năm trước.Bởi theo Trung Quốc, Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”; tiếp đến là những tuyên bố cùng động thái của Mỹ tại khu vực này. Và Biển Đông là nơi Trung Quốc dễ tiến hành các hoạt động bất hợp pháp nhằm thúc đẩy yêu sách phi lý về chủ quyền của mình bởi khu vực này toàn các nước nhược tiểu!Tân Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris vừa cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động cải tạo trái phép trên Biển Đông “làm tăng thách thức” và buộc Mỹ phải “đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề này”. Đồng thời khuyến cáo, nếu Trung Quốc tiếp tục các hành vi hiếu chiến tại Biển Đông, Mỹ có quyền rút lại lời mời Bắc Kinh tập trận RIMPAC trên Thái Bình Dương năm 2016.Đô đốc Harry Harris còn nhấn mạnh, Bắc Kinh không thể xây dựng chủ quyền dựa trên “lâu đài cát”. Đề cập tới khả năng Bắc Kinh đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, Đô đốc Harry Harris khẳng định, Trung Quốc đã từng tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông và điều đó không làm tôi lo lắng, bởi nó không thể cản trở hoạt động của Mỹ trên các vùng biển và vùng trời.
Ngày 16-6, tờ The Diplomat dẫn công bố của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế. Trong đó nhấn mạnh tới vai trò của Trung Quốc trong việc làm tăng căng thẳng ở Đông Á và Đông Nam Á, cũng như thúc đẩy sự đối đầu tại khu vực này.
Theo nhận định của SIPRI, những căng thẳng trong khu vực gia tăng đáng kể kể từ năm 2008 và đa số đều xuất phát từ sự “quyết đoán chiến lược của Trung Quốc” được biểu hiện đặc biệt thông qua các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
SIPRI còn lưu ý về những lo ngại của các quốc gia hữu quan về “những nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc” và tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ. Cũng theo SIPRI, Trung Quốc, Pháp và Anh đang phát triển và triển khai những hệ thống vũ khí hạt nhân mới.
Comments[ 0 ]
Post a Comment