Nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng thương vụ tàu ngầm này có thể là một dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang ngả dần về phía Trung Quốc.
Một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc
Ngày 26.6, báo chí Thái Lan cho biết Hải quân nước này đã quyết định sẽ mua 3 tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất để bù đắp cho những điểm yếu về tác chiến dưới nước của quân đội nước này vốn tồn tại suốt hơn 60 năm qua.
Kể từ năm 1951 đến nay, quân đội Thái Lan gần như không có khả năng tác chiến dưới mặt nước, và từ thập niên 1990, họ đã nhiều lần đàm phán các thương vụ mua tàu ngầm với một số nhà sản xuất vũ khí nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc và Đức, nhưng không thành công.
Theo tờ Bangkok Post, một nguồn tin trong Ủy ban Mua sắm Tàu ngầm do Hải quân Hoàng gia Thái Lan thành lập tiết lộ rằng đa số các ủy viên đã ủng hộ việc mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc với giá trị khoảng 355 triệu USD mỗi chiếc, trong khi một số ít thành viên vẫn còn băn khoăn với tàu ngầm Hàn Quốc và Đức.
Các nguồn tin chính thức của Hải quân Thái Lan thì cho rằng họ quyết định chọn tàu ngầm Trung Quốc vì chúng “xứng với số tiền bỏ ra” và có giá thành rẻ nhất so với tàu ngầm của các nước còn lại.
Tuy nhiên, một thành viên của Ủy ban Mua sắm Tàu ngầm cũng hé lộ rằng trong thương vụ này, Trung Quốc đã thuyết phục được Hải quân Thái Lan khi hứa hẹn sẽ chuyển giao công nghệ và giúp đào tạo thủy thủ trong gói thầu này, trong khi các nước khác sẽ tính thêm một khoản phí không nhỏ.
Thành viên này đã so sánh thương vụ trên với một trường hợp mua ô tô: “Nếu ta có tiền mua một chiếc Mercedes nhưng không đủ tiền mua xăng, thì thà mua một chiếc Toyota mà vẫn còn dư một ít để đổ xăng”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng thương vụ tàu ngầm này có thể là một dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang ngả dần về phía Trung Quốc khi quan hệ với Mỹ đang trở nên căng thẳng sau vụ đảo chính quân sự hồi năm ngoái.
Trong khi Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính và chính quyền quân sự hiện nay ở Thái Lan, các tướng lĩnh Thái Lan và quan chức Trung Quốc đã có nhiều cuộc gặp cấp cao trong thời gian qua, và hai nước cũng cam kết sẽ tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự và huấn luyện chung, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc phòng.
Một khi thương vụ tàu ngầm này thành công, nó có thể mở ra cánh cửa mới cho các lĩnh vực hợp tác quốc phòng khác giữa Thái Lan và Trung Quốc, ít nhất là trong công tác huấn luyện, đào tạo thủy thủ tàu ngầm.
Tuy nhiên, sự thành công của việc hợp tác quân sự hai nước phụ thuộc rất lớn vào tình hình ở Thái Lan, khi mà những bất đồng nội bộ, bất ổn chính trị và vấn đề chi phí có thể làm phức tạp hóa và đổ vỡ kế hoạch này.
Quân đội Thái Lan hiện chưa có bất cứ một chiếc tàu ngầm nào
Hồi đầu năm, Đô đốc Kraisorn Chansuvanich, Tư lệnh Hải quân Thái Lan cũng chỉ ra rằng ngay cả khi chính phủ Thái Lan phê chuẩn thương vụ tàu ngầm, họ vẫn cần thời gian để đóng tàu và đưa người đi huấn luyện trong ít nhất một năm, đồng nghĩa với việc số tàu ngầm này phải mất ít nhất 5 hoặc 6 năm nữa mới hoạt động được. Đây là quãng thời gian khá dài và Thái Lan có thể chứng kiến nhiều sự thay đổi trong thời kỳ đó.Một câu hỏi khác được đặt ra là về chất lượng của tàu ngầm Trung Quốc. Từ trước tới nay, các chuyên gia quân sự quốc tế đều nhất trí rằng tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất có độ ồn “không thể chấp nhận được”, và đây chính là tử huyệt của tàu ngầm khi tham chiến dưới nước.Các chuyên gia quân sự phương Tây cho biết tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất phát ra tiếng ồn lớn đến mức chúng có thể dễ dàng bị tàu ngầm và các phương tiện săn ngầm khác của đối phương phát hiện dễ dàng. Khi bị phát hiện, tàu ngầm rất dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng vũ khí săn ngầm hiện đại của đối phương, biến nó thành một cỗ quan tài khổng lồ.Mặc dù vậy, với lợi thế giá rẻ, tàu ngầm Trung Quốc vẫn lấy được lòng tin của người Thái, khi họ đang khao khát một giấc mơ sở hữu sức mạnh tàu ngầm vốn đã kéo dài quá lâu, đặc biệt là trong bối cảnh Thái Lan và Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao vào năm nay.
Theo Trí Dũng (Diplomat / Danviet.vn)
Comments[ 0 ]
Post a Comment