"Không thay đổi chính sách Biển Đông, Nga dễ thành đàn em của Trung Quốc"
Tuesday, June 9, 2015
Đài DW của Đức ngày 8/6 dẫn bình luận của nhà phân tích chính trị Ivan Preobrazhensky, thành viên thường trực diễn đàn Đức - Nga "Đối thoại Petersburg" cho rằng, nếu Moscow không có chính sách độc lập của riêng mình ở châu Á, Nga sẽ dễ trở thành vệ tinh, thậm chí là "đối tác đàn em" của Trung Quốc.
Một năm đã qua kể từ khi Moscow thay đổi chiến lược ngoại giao từ Tây sang Đông, nhưng Nga đã không trở thành thế lực có ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Lựa chọn của Nga sẵn sàng chuyển trọng tâm đối ngoại từ Tây sang Đông là lựa chọn Trung Quốc làm đối tác chính, thậm chí là đồng minh.
Người Trung Quốc vẫn cho rằng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 họ phải "nhượng bộ" Nga một phần lãnh thổ nên bây giờ họ được thuê hàng ngàn hecta trên lãnh thổ Nga cho các "hoạt động nông nghiệp". Lính Trung Quốc thường xuyên có mặt trên đất Nga. Moscow cũng đang cố gắng phát triển vùng Viễn Đông, chẳng hạn như tạo ra các khu kinh tế tự do như Vladivostok.
Đồng thời Nga cũng đang tăng cường các nỗ lực hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, đối trọng truyền thống của Trung Quốc trong khu vực. Bản thân các nước này không ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế, quân sự, chính trị trong những năm gần đây trong quan hệ giữa họ với nhau và với Trung Quốc.
Tuy nhiên dường như Nga không thể lựa chọn, vì vậy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Moscow hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng đồng thời Nga cũng cung cấp vũ khí hiện đại cho những đối thủ chính của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam. Điều này gây ra "sự phẫn nộ" của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, điều đáng nói là giới này luôn được nhà nước TQ kiểm soát chặt chẽ.
Hoặc vào thời điểm quan hệ Trung - Nhật đang khó khăn, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin đã nói về khả năng ký một hiệp ước hòa bình Nga - Nhật chưa từng được ký giữa Nhật Bản với Liên Xô sau năm 1945, thiết lập lại quan hệ Moscow - Tokyo.
Ivan Preobrazhensky.
Hai hướng của chính sách đối ngoại Nga rõ ràng mâu thuẫn với nhau. Sau sự kiện sáp nhập Crimea và sự đảo chiều mạnh mẽ của Moscow về phía Đông, Đông Nam Á, nhiều chính phủ tin rằng Nga đã chọn con đường để trở thành một "đối tác đàn em" của Trung Quốc, Preobrazhensky bình luận.
Trong khu vực Đông Á, Trung Quốc được xem như lực lượng thống trị, thậm chí Nhật Bản không phải là đối thủ và buộc phải liên tục khẳng định liên minh với Hoa Kỳ. Trong truyền thống chính sách đối ngoại của người Trung Quốc, không bao giờ họ xem mình bình đẳng ngang hàng với các đối tác khác, chỉ có thấp hơn hoặc cao hơn.
Liên Xô từng là người anh cả, nhưng Nga với tình hình kinh tế hiện tại chỉ có thể khẳng định mình là "đàn em" của Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao khu vực Đông Nam Á cho rằng Moscow đang "dưới cơ" Bắc Kinh. Điện Kremlim đã nhìn thấy điều này, vì vậy có những tin đồn ngoại giao hồi năm ngoái rằng Bắc Kinh bắt đầu đàm phán với Washington trên đầu Moscow, các nhà chức trách Nga đã phản ứng giận dữ.
Lo sợ của người Nga đối với Trung Quốc tăng mạnh, tuy nhiên bộ máy tham mưu của ông Vladimir Putin vẫn chưa sẵn sàng vươn lên hàng ngũ đối thủ của Bắc Kinh. Vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, Nhật Bản vốn có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Hoa Đông và đã từng chủ động "tán tỉnh" Nga thì dường như nay đang thay đổi quan điểm. Người Nhật hỗ trợ các lệnh trừng phạt mở rộng với các doanh nghiệp và cá nhân quan chức Nga, ngừng nói đến việc ký kết một hiệp ước hòa bình.
Ở Đông Nam Á, Điện Kremlin không thể xác định quan điểm rõ ràng liên quan đến tranh chấp Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Nhật Bản đang rất khó chịu trước hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc. Moscow vẫn thận trọng giữ khoảng cách với vấn đề Biển Đông, không ủng hộ hay phản đối bên nào, cố gắng duy trì trung lập và hợp tác với tất cả các bên trong khu vực.
Chính điều này đã biến Điện Kremlin thành "kẻ xa lạ", chính sách này của Nga sẽ tiếp tục cho đến khi Điện Kremlin có "dự án riêng" ở châu Á, nếu Moscow nghiêm túc muốn tiến về phía Đông. Học giả Nga Vasily Kashin, thành viên Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (AST) từ Moscow ngày 8/6 phát biểu trên tờ Lenta cũng cho rằng Nga tránh tham gia vào vấn đề Biển Đông và điều này sẽ còn tiếp tục.
Hồng Thủy - Báo GDVN
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment