Truyền thông Nga vừa đưa ra bình luận rằng, xung đột giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ ngày càng mạnh hơn, còn quan hệ với Nga sẽ được củng cố.
Trung muốn bình đẳng, Mỹ quyết không chịu
Bài bình luận trên trang web của Sputnicknews cho biết, Washington và Bắc Kinh đã hoàn tất vòng thứ 7 “Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ”. Đến tháng 9 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đi thăm Mỹ. Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có âm mưu gì sau lưng Nga hay không?
Bàn về vấn đề này, nhà Trung Quốc học nổi tiếng của Nga, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Viện kinh tế cao cấp Nga, Giáo sư Alexander Lukin cho rằng không phải như vậy, bởi Trung Quốc và Nga có quan hệ đối tác chiến lược, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không cần có quan hệ tốt với các nước khác.
Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc lớn trên thế giới. Hai nước liên kết rất chặt chẽ với nhau về kinh tế và có những nhiệm vụ chính trị chung, đồng thời cũng có một số mâu thuẫn về quan điểm chính trị. Vì vậy, dĩ nhiên là họ phải đàm phán với nhau để tìm ra biện pháp cân bằng trong quan hệ.
Người Trung Quốc cho rằng nước họ đang quan hệ bình đẳng với Hoa Kỳ. Nhưng Bắc Kinh không hài lòng vì Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Hợp tác quân sự giữa hai nước cũng không đồng đều. Vì vậy, tất nhiên họ sẽ không tiến đến hoạt động quân sự chung.
Giáo sư Alexander Lukin cho rằng, chuyến thăm Mỹ của ông Tập có lẽ sẽ chỉ trao đổi một số thông tin, làm rõ những vấn đề mà các vòng đàm phán còn “lấn cấn”, nhưng sẽ không thảo luận về cuộc tập trận quân sự nào do Trung Quốc tiến hành, như với Nga chẳng hạn.
Một vấn đề hiện đang được cộng đồng quốc tế quan tâm là liệu trong chuyến thăm này, Mỹ có đề xuất với ông Tập để Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, sau những căng thẳng mà Mỹ gây ra cho Trung Quốc trong quá trình thành lập Ngân hàng đầu tư và phát triển hạ tầng châu Á (AIIB)?
Về câu hỏi này, Giáo sư Lukin trả lời như sau: "Đây không phải là một câu hỏi đơn giản. Bắc Kinh đã hơn một lần bày tỏ mong muốn ít nhất là thảo luận về chủ đề tham gia TPP. Nhưng cái khó là ở chỗ người Mỹ nêu ý tưởng xây dựng liên minh này là nhằm chống Trung Quốc”.
Không có gì ngạc nhiên khi mới đây Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng nước Mỹ cần đặt ra các quy tắc thương mại quốc tế, chứ không phải là Trung Quốc. Nhiều khả năng, Washington sẽ không cho Bắc Kinh tham gia TPP. Bởi người Mỹ cần một tổ chức có thể là công cụ bao vây Trung Quốc".
Theo ông Lukin, nguồn gốc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là do hai nước có quan điểm khác nhau về trật tự toàn cầu. Bất kỳ chính trị gia Mỹ nào cùng đều nói rằng, chúng tôi không cần bất kỳ sự đối đầu nào, chúng tôi muốn hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Vấn đề là Mỹ không thể tưởng tượng rằng có sự hợp tác mà lại không tuân theo điều kiện của họ. Họ không thích những diễn viên bất đồng với họ trên sân khấu thế giới. “Chú Sam” muốn đưa ra các điều kiện và buộc các nước thực hiện điều kiện của họ và một mình làm chủ cuộc chơi.
Trung-Mỹ sẽ ngày càng đối đầu gay gắt hơn?
Trong khi đó, với tư cách là một cường quốc đang phát triển, Trung Quốc ít nhất là muốn đối thoại với Mỹ trên cơ sở bình đẳng. Bắc Kinh nói rằng họ không muốn phá hoại các hệ thống hiện tại trong trật tự toàn cầu, mà chỉ muốn cải cách nó, để các cường quốc mới nổi như Đại Lục sẽ có tiếng nói lớn hơn.
Nhưng từ quan điểm của Mỹ, điều đó làm suy yếu trật tự toàn cầu và các thể chế, cơ chế lãnh đạo thế giới do họ đứng đầu. Việc bị tước đi dù chỉ là một phần vai trò kiểm soát cũng khiến Washington không thể chấp nhận được. Vì lí do đó, quan hệ Trung-Mỹ sẽ còn có những bất đồng lâu dài.
Trung cần chỗ dựa, Nga vì lợi ích
Đối với Trung Quốc, Nga có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Xét từ quan điểm của Bắc Kinh, Moscow chiếm vị trí nổi bật trong nền chính trị thế giới, bởi nước này đang theo đuổi đường lối độc lập và không khuất phục trước áp lực từ phía phương Tây, chủ yếu là từ phía Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, điều đó rất có giá trị vì trên thế giới hiện không có nhiều quốc gia dám đối đầu với Washington. Chẳng hạn, đó chỉ còn là một số nước liên kết trong nhóm BRICS do Moscow lãnh đạo. Nếu không có Nga, Trung Quốc sẽ cảm thấy đơn độc trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ.
Theo Đất Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment