Campuchia vừa lên tiếng chỉ trích các tuyên bố của Mỹ phản đối hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như cảnh báo của Washington về việc Bắc Kinh đang khuấy động căng thẳng, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan
Tờ nhật báo Cambodia Daily ngày 4/6 cho hay, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan đã nhận định rằng, tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay gia tăng chủ yếu do những lời đe dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về việc Washington sẽ triển khai tàu chiến và máy bay do thám tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý chung các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Ông Siphan cho biết, đó là ( phát ngôn của Mỹ) những lời lẽ mang tính chất “khiêu khích… đi ngược lại mục tiêu duy trì hòa bình trong khu vực”.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia cũng phủ nhận các ý kiến cho rằng Phnompenh “bênh” Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Siphan đã lặp lại lời cảnh báo mà Trung Quốc đã gửi đến Mỹ, yêu cầu Washington không nên thực hiện những lời đe dọa nếu không muốn gánh chịu hậu họa.
Sau khi khẳng định lập trường của chính phủ Campuchia là muốn Biển Đông hòa bình, ổn định và rằng, Biển Đông không thuộc về bất cứ một quốc gia nào, ông Siphan tuyên bố: “Chính phủ Campuchia không muốn nhìn thấy tàu chiến hoặc bất kỳ một hành động gây hấn nào tại Biển Đông. Bất kỳ quốc gia nào gây nên loại phản ứng đó (tức là gây hấn) phải chịu trách nhiệm nếu xẩy ra xung đột”.
Là quốc gia thành viên ASEAN và không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khác với các nước có cùng vị thế tương tự như Singapore, Lào, Thái Lan, Campuchia thường bộc lộ quan điểm về vấn đề nhạy cảm nhất của khối trong quan hệ với Trung Quốc một cách khác biệt.
Các tuyên bố của Phnompenh trong vấn đề này cũng được truyền thông và giới quan sát quốc tế chú ý và đặt câu hỏi về ảnh hưởng của Bắc Kinh với Campuchia, nhất là sau sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN do nước Chủ tịch luân phiên khi đó là Campuchia tổ chức hồi năm 2012 lần đầu tiên kể từ khi thành lập khối vào năm 1967, không đưa ra được tuyên bố chung do bất đồng về Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên Campuchia tỏ thái độ công khai về vấn đề này.
Gần đây nhất, hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy đã có một tuyên bố gây “sốc” khi cho rằng ASEAN nên đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông và để cho các thành viên có liên can tự mình giải quyết tay đôi với Bắc Kinh.
Trung Quốc là nước tài trợ kinh tế và quân sự lớn cho Campuchia, đồng minh thân cận nhất của nước này trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường phủ nhận ảnh hưởng của mình với các hành động của Phnompenh trong khu vực ASEAN.
Linh Phương (theo Năng Lượng Mới)
Comments[ 0 ]
Post a Comment