Một cựu quan chức ngoại giao Philippines cho biết bãi cạn Scarborough, tâm điểm của cuộc tranh chấp chủ quyền giữa nước này và Trung Quốc trong những tháng vừa qua, trên thực tế đã chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.
|
Đến nay, trên thực tế Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.
|
“Trung Quốc đã dùng thừng bao vây khu vực này và không ngư dân hay tàu cá nào từ Philippines có thể tiến vào”, cựu thứ trưởng ngoại giao Philippines Lauro Baja Jr nói.
Ông đưa ra thông tin trên khi phát biểu tại diễn đàn của Đại học Philippines hôm 5/10.
Chính phủ Philippines không chính thức thừa nhận rằng mình đã mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, mà Philippines gọi là bãi cạn Panatag. Nhưng kể từ khi Philippines đơn phương rút tàu ra khỏi khu vực bãi cạn vào tháng 6, các tàu Trung Quốc đã phong tỏa khu vực này. Trung Quốc gọi Scarborough là đảo Hoàng Nham.
Các quan chức ngoại giao Philippines cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận mà Hoa Kỳ làm trung gian, kêu gọi đồng thời cả Philippines và Trung Quốc rút lui khỏi bãi cạn sau khi tình trạng đối đầu bắt đầu từ tháng 4. Trung Quốc thì phủ nhận mình đã kí một thỏa thuận như vậy.
Các cuộc đàm phán phi chính thức của ông Trillanes
Sau khi các tàu của Philippines rút lui khỏi khu vực bãi cạn và để cho Trung Quốc độc chiếm, có tin cho biết Tổng thống Philippines Aquino đã tỏ ra giận dữ với Ngoại trưởng Albert del Rosario và chỉ thị cho Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes làm người thương lượng phi chính thức với các quan chức cấp cao Trung Quốc. Vụ việc này sau đó đã khơi mào cho một cuộc tranh cãi dữ dội diễn ra công khai ở Thượng viện hồi tháng 9 giữa ông Trillanes và Chủ tịch thượng viện Juan Ponce Enrile.
Ông Baja kêu gọi Philippines hành động mạnh mẽ hơn để khôi phục hiện diện của nước này tại bãi cạn, nơi cách vịnh Subic của Philippines 200km về phía tây.
“Chúng ta phải tiếp tục khẳng định chủ quyền của chúng ta ở khu vực này dù chỉ là hình thức”, ông nói.
|
Vừa qua, chính trường Philippines rung chuyển về vụ “đi đêm” đàm phán với Trung Quốc của Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes.
|
Tranh chấp về bãi cạn
Cuộc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc về bãi cạn bắt đầu từ tháng 4 khi hải quân Philippines phát hiện và định bắt giữ các ngư dân Trung Quốc khai thác trái phép tại vùng biển quanh bãi cạn Scarborough. Khi hải quân Philippines chuẩn bị bắt giữ các ngư dân thì tàu Trung Quốc xen vào giữa để ngăn chặn.
Cuộc tranh chấp hàng hải này đã gây tổn hại đến mối quan hệ song phương và đã ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế khi chuối của Philippines bị hải quan Trung Quốc từ chối cho nhập và du khách Trung Quốc hủy các chuyến du lịch đến Philippines.
Cuộc tranh chấp này cũng đã gây mất đoàn kết trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN đã không thể đưa ra tuyên bố chung trong hội nghị hồi tháng 7 và nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bộ qui tắc ứng xử song phương Philippines – Trung Quốc
Ông Baja đề xuất Philippines khai thác bộ qui tắc ứng xử song phương với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough. Điều đó sẽ giúp làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, ông Baja cũng cho rằng bên cạnh các cuộc đàm phán song phương cũng cần phải có thỏa thuận đa phương cho các tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ khu vực Biển Đông.
Ông Baja đề xuất rằng các quốc gia có bờ biển như Philippines và Trung Quốc phải hợp tác và khuyến khích chia sẻ tài nguyên thông qua các kế hoạch phát triển chung.
Nhưng ngay cả khi những thỏa thuận và hợp tác này có hiệu lực, thì “Chúng ta vẫn phải thận trọng (trước những ý đồ của Trung Quốc)”, ông Baja nhấn mạnh.
”Sách trắng” của Philippines
‘Tranh chấp ở biển Tây Philippines (Biển Đông) là thách thức khó khăn nhất trong quan hệ ngoại giao và chính sách ngoại giao của chúng ta. Chúng ta cần phải xây dựng chính sách một cách cẩn thận, kĩ lưỡng cả về ngắn hạn và dài cho vấn đề Biển Đông”, ông Baja nói.
Một nhóm các cựu quan chức chính phủ có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề hàng hải, trong đó có ông Baja, đã nghiên cứu về chính sách giải quyết tranh chấp hàng hải về chủ quyền trên Biển Đông.
Kết quả nghiên cứu của nhóm này được ghi lại trong “sách trắng” mà ông Baja có giới thiệu trong diễn đàn nói trên và trình lên tổng thống Philippines hồi tháng trước.
“Sách trắng” đưa ra các đề xuất về chính sách như sau”
- Tăng cường vị thế của các thể chế trong việc giải quyết các tranh chấp
- Xây dựng một chương trình tổng hợp và dài hạn để luật pháp quốc tế được thực thi cho vấn đề này.
- Tiến hành ngoại giao song phương và đa phương về vấn đề biển Tây Philippines (Biển Đông)
- Thực hiện các chương trình giúp khắc sâu nhận thức về chủ quyền biển đảo và ý thức về một Philippines với tư cách là một quốc gia về biển.
|
Liệu Philippines có chiếm lại được bãi cạn Scarborough?
|
Thương lượng phi chính thức
Ông Baja cũng giải thích rằng các phương pháp đàm phán không chính thức đã được chấp nhận trong thông lệ ngoại giao. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các cuộc thương lượng phi chính thức đó phải được thực hiện “một cách thận trọng, khéo léo và liên kết với các cuộc thương lượng chính thức”.
“Nếu không, bạn sẽ bị đối phương “dắt mũi”, ông Baja nói.
Rõ ràng sự liên kết đó (giữa thương lượng phi chính thức và chính thức) đã không được hai ông Trillanes và Ngoại trưởng Del Rosario thực hiện tốt. Hai ông đã có một cuộc tranh cãi công khai về những nỗ lực thương lượng ngoài hành lang - phi chính thức của ông Trillanes. Tổng thống Aquino đã buộc phải “bịt miệng” hai chính trị gia này.
Sau đó, trong một cuộc tranh cãi tại Thượng viện hồi tháng 9, Chủ tịch Enrile đã tiết lộ những báo cáo mật theo đó Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh Sonia Brady dẫn lời ông Trillanes buộc tội Ngoại trưởng Del Rosario là “người phản quốc”.
“Cần phải nói cùng một giọng điệu. Chúng ta đã nói quá nhiều về biển Tây Philippines và đặc biệt là về bãi cạn Panatag”, ông Baja nói.
LÊ DUNG
Comments[ 0 ]
Post a Comment