Yang Razali Kassim - một nghiên cứu sinh cao cấp của Học viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Trường Đại học Tổng hợp công nghệ Nanyang (Nam Dương -Singapore)- khẳng định sự cần thiết phải có Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) nhằm xoa dịu những tuyên bố lãnh hải.
Việc chuyển từ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) sang COC là cấp thiết nếu khu vực này muốn kiềm chế và giải tỏa căng thẳng trên biển Đông- tờ The Nation đăng các bài viết của Yang Razali Kassim cho hay.
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thể hiện mong muốn sớm đạt được COC trên biển Đông. Tinh thần này đã từng được thể hiện trong thông cáo chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Singapore nhân chuyến thăm Singapore gần đây của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Sự cấp thiết về việc bắt đầu phải đàm phán về COC cũng đã được thể hiện ở từng nước ASEAN, kể từ khi khối này khôi phục được một phần uy tín bằng Nguyên tắc 6 điểm hôm 26.7- sau thất bại tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 45 ở Phnom Penh không ra được thông cáo chung về tranh chấp trên biển Đông.
Dự thảo COC- từng được ASEAN thảo luận tại Phnom Penh- phải được đưa ra đàm phán với Trung Quốc và phải được chuẩn bị sẵn vào đúng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 tới. Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhau trước và sau đó sẽ có các cuộc gặp thượng đỉnh với các đối tác Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng 5 cường quốc khác- trong đó có Mỹ.
Những bên tham gia chủ chốt này có quyền lợi trong một khu vực có những căng thẳng liên tiếp về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông. Những người theo chủ nghĩa dân tộc bài Nhật tại Trung Quốc đang đe dọa đẩy nhanh tới một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia láng giềng này xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới vì thế sẽ là những cuộc gặp quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo khu vực trong năm. Chúng sẽ có ảnh hưởng tới hòa bình khu vực và sự hình thành kiến trúc an ninh của không chỉ với Đông Á, mà còn cả khu vực rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Với khoảng thời gian chỉ còn hơn một tháng, thì việc thúc đẩy tiến trình COC để sẵn sàng cho đàm phán ít nhất là về khuôn khổ là điều quan trọng. Nếu có thể thực hiện được, một COC có khả năng cũng sẽ trở thành một khuôn mẫu cho việc giải quyết tranh chấp trên biển Hoa Đông. Mỹ- trong khi vẫn tuyên bố trung lập- đã khuyến cáo về một cuộc xung đột có thể xảy ra nếu có sự tính toán sai lầm xung quanh tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đang trở nên ngày càng căng thẳng. Không cần phải nói, những lời bóng gió giống nhau đằng sau sự vội vàng gần đây của ASEAN về COC là vì biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc- với tư cách là một bên tham gia trong các tranh chấp lãnh thổ ở cả hai vùng biển và là một bên then chốt trong COC với ASEAN- dường như lại không vội vã. Trong chuyến thăm Jakarta- một phần trong hành trình khu vực gần đây, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực hiện DOC. Nhưng vào thời điểm hiện nay, việc làm này nên "dựa trên cơ sở của sự nhất trí" để tiến tới "thông qua COC". Ông này cũng nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ tiếp cận COC "khi thời điểm chín muồi."
Nói một cách khác, cho dù ASEAN có nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển Đông thì họ cũng vẫn chưa có được sự đồng tình của Trung Quốc. Bên cạnh đó, trước khi COC được thỏa thuận, Bắc Kinh vẫn còn muốn tập trung vào thực hiện DOC - là một bước quan trọng trước khi có COC. Rõ ràng việc đàm phán COC là rất khó khăn vì sẽ bị kéo dài. Trong khi ASEAN và các bên khác muốn thúc đẩy việc này, đặc biệt là khi căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng, thì Trung Quốc dường như lại có ý định chờ một cơ hội khác
Không giống như DOC, COC được cho là có sự ràng buộc. Nhưng liệu nó có cần phải như vậy khi chưa có sự chắc chắn. ASEAN đã đề xuất các nhân tố then chốt để phản ánh các nguyên tắc chính trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế; và các cơ chế cho việc giải quyết tranh chấp và giám sát việc thực hiện COC. Cho tới nay, các nhân tố then chốt này đã được chuyển cho phía Trung Quốc xem xét.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tham gia ở điểm nào trong việc soạn thảo COC? Ngày 4.4, phía Philippines đã nói rằng chỉ có các thành viên ASEAN mới được tham gia soạn thảo. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa có một chiến thuật khác, cho biết cần có trao đổi liên tục thông qua khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc trước khi ASEAN có được lập trường cuối cùng.
Theo Trung Quốc, tranh chấp trên biển Đông nên được đưa ra chỉ trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc (ASEAN+1). Nói một cách khác, việc soạn thảo COC nhất thiết phải có sự nhất trí của Bắc Kinh. Công thức của Ngoại trưởng Marty về sự tham gia của Trung Quốc trong quá trình soạn thảo như vậy là một sự thỏa hiệp: Nó cho phép ASEAN có khoảng trống của riêng mình để thảo luận về những gì là quan trọng có thể ảnh hưởng tới các nước thành viên có tuyên bố chủ quyền, trong khi vẫn tiến hành trao đổi với Trung Quốc như một bên đàm phán.
Như biện pháp xây dựng lòng tin, một COC khu vực phù hợp với địa chiến lược của Trung Quốc. Cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình từng đưa ra công thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ: Các bên tranh chấp nên gác lại các tuyên bố của mình cho tới khi có được một giải pháp và trong khi vẫn cùng phát triển các khu vực tranh chấp. Nếu Bắc Kinh thực hiện cái gọi là "giải pháp Đặng Tiểu Bình", việc cùng phát triển sẽ là một trong những nhân tố then chốt trong dự thảo của Trung Quốc về COC.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nó sẽ được các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền chấp nhận. Trong khi ''công thức của Đặng Tiểu Bình'' là thực dụng, tranh chấp cơ bản về chủ quyền vẫn sẽ theo cách này. Trên thực tế, một số nước ASEAN tuyên bố chủ quyền có thể ưu tiên cách tiếp cận "phát triển trước, giải quyết sau". Nhưng họ sợ rằng, việc chấp nhận như vậy có thể là ngụ ý công nhận tuyên bố của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp (?).
Nhưng dù sao, việc chuyển từ DOC sang giai đoạn COC vẫn là điều quan trọng nếu khu vực này muốn kiềm chế và giải tỏa căng thẳng gần đây trên biển Đông. Thực tế, nó có thể cũng có ảnh hưởng tới những căng thẳng ở phía bắc trên biển Hoa Đông- nơi người ta kêu gọi cần có những ''cái đầu lạnh''.
Theo Vietnam+
Comments[ 0 ]
Post a Comment