Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc đổi tên thành Vĩnh Hưng (hoangsa.org)
Truyền thông Trung Quốc hôm qua, 26/10/2012 lại cho biết : Lãnh đạo tỉnh Hải Nam vừa loan báo các kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại “thành phố Tam Sa”. Đây là đơn vị hành chánh mà Bắc Kinh vừa thành lập trên đảo Phú Lâm thuộc vùng quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974.
Kế hoạch tăng tốc xây dựng cơ sở này không ngoài mục tiêu áp đặt một tình trạng đã rồi trên một vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đã đánh chiếm bằng võ lực.
Theo Tân Hoa Xã, phát biểu tại một cuộc hội thảo hôm 25/10 về khai thác đại dương, tổ chức tại Hải Nam, tỉnh chủ quản của Tam Sa, ông Tưởng Định Chi, Chủ tịch tỉnh Hải Nam tuyên bố “sẽ đẩy mạnh các dự án xây dựng tại Tam Sa trong các lãnh vực giao thông, viễn thông, cung cấp điện nước, hậu cần và xử lý chất thải”.
Nhân vật này đồng thời cho biết là tỉnh của ông cũng sẽ ưu tiên cho việc xây dựng các cơ sở phục vụ công cuộc khai thác tài nguyên, cũng như hỗ trợ việc phát triển ngành thủy sản, du lịch và dầu khí.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc loan báo kế hoạch tăng tốc xây dựng hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm. Vào tháng 9 vừa qua, Tân Hoa Xã cũng đã loan tải nhưng thông tin tương tự.
Xin nhắc lại là vào tháng 7/2012, Trung Quốc đã siết chặt thêm quyền khống chế của họ trên vùng quần đảo Hoàng Sa khi cho cho lập ra “Tam Sa”, đơn vị cấp thành phố chịu trách nhiệm cai quản ba nhóm quần đảo mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền tại vùng Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh đã quyết định đặt trụ sở chính của thành phố Tam Sa đó trên đảo Phú Lâm - hòn đảo lớn nhất vùng Hoàng Sa được đổi tên thành Vĩnh Hưng - thành lập một đơn vị quân đồn trú tại Tam Sa mà bộ chỉ huy cũng đặt tại Phú Lâm, và liên tiếp có những động thái khẳng định đây là vùng lãnh thổ của Trung Quốc mà gần đây nhất là cho tổ chức kỷ niệm Quốc khánh ngay trên đảo Phú Lâm.
Chính quyền Việt Nam đã liên tục phản đối các hành vi của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, cho đấy là những hành động “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Comments[ 0 ]
Post a Comment