Cuộc chiến Triều Tiên và bài học độc lập chủ quyền của CHXNCN Việt Nam
Tuesday, October 16, 2012
|
Vĩ tuyến 38 chia đôi 2 miền Triều Tiên |
Thời gian gần đây, tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục ở trong tình trạng căng thẳng. Cả phía Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như đồng minh của họ là Mỹ và Nhật Bản đều có những động thái quân sự đẩy mạnh, khiến cho bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên bị hâm nóng tột độ, nguy cơ tái diễn một cuộc chiến tranh vốn đã tạm ngưng ở đây suốt hơn nửa thế kỷ (1950- 1953) trở nên cận kề hơn bao giờ hết.
Vậy căn nguyên nào đã khiến cho cuộc chiến này dù tiếng súng đã im, nhưng tàn tro của nó thì vẫn luôn âm ỉ cháy, nhiều lần đẩy bán đảo này đến miệng hố chiến tranh? Thông qua việc tìm hiểu trật tự quan hệ quốc tế có liên quan hồi sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chúng ta có thể lý giải được phần nào vấn đề này.
"Trật tự hai cực" làm bùng phát cuộc chiến tranh Triều Tiên
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), quan hệ quốc tế có những thay đổi rõ rệt. Lúc này, hai chủ thể trọng yếu của trật tự thế giới là Mỹ và Liên Xô đã từ chỗ là đồng minh với nhau, chuyển sang quan hệ đối đầu quyết liệt. Lúc này, do có nhiều lợi ích mâu thuẫn, cả Mỹ và Liên Xô đều can dự ở những mức độ khác nhau vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Riêng về mặt quân sự, lúc thì nước này ra mặt, lúc thì nước kia ra mặt. Song, phương châm chung là cả Mỹ và Liên Xô đều tối kị đụng đầu trực tiếp. Với phương châm đó, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, tuy không có cuộc đại chiến trực tiếp giữa hai cường quốc, nhưng cũng đã xảy ra không ít cuộc xung đột quân sự mang tính khu vực ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có phản ánh cuộc đối đầu Xô - Mỹ. Một trong những cuộc xung đột khu vực ở thời kỳ này tiêu biểu phải kể đến là Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Cả Mỹ và Liên Xô đều không muốn để đối thủ của mình nắm trọn vẹn bán đảo Triều Tiên. Chính vì thế, ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc thì Triều Tiên đã được các nước lớn đưa lên bàn cân. Bằng chứng là việc giải phóng Triều Tiên khỏi phát xít Nhật do cả Mỹ và Liên Xô tiến hành, mỗi cường quốc giải quyết một nửa, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới phân chia.
Tiếp đó, cả Mỹ và Liên Xô đều có những hoạt động để biến bán đảo Triều Tiên đi theo một quỹ đạo do mình đạo diễn; nếu không được, thì ít nhất cũng phải biến vùng lãnh thổ do mình kiểm soát không thể phát triển theo chiều hướng ngược lại.
|
Triều Tiên biểu dương sức mạnh quân sự trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng. |
Với những hoạt động của Mỹ và Liên Xô, một chế độ theo định hướng tư bản chủ nghĩa đã dần được xác lập ở Nam Triều Tiên và một chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã dần được xác lập ở Bắc Triều Tiên. Mỹ không muốn có một Triều Tiên thống nhất, bởi nếu Triều Tiên thống nhất thì ở bên cạnh hai "người khổng lồ" của hệ thống XHCN là Liên Xô và Trung Quốc thì sớm muộn cả bán đảo Triều Tiên cũng sẽ bị cuốn vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản.
Mỹ cũng xác định rằng, Đông Bắc Á có nhiều lợi ích trong chiến lược toàn cầu của mình, mà điểm then chốt là Nam Triều Tiên. Mỹ coi Nam Triều Tiên như là chiếc neo chiến lược đối với sự có mặt của mình trên lục địa châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Bởi ngoài sự đề phòng Liên Xô, Mỹ còn sợ nếu mất Nam Triều Tiên, thì không chỉ Liên Xô và Trung Quốc, Nhật Bản cũng sẽ là một đối trọng với Mỹ.
Nam Triều Tiên sẽ là một điểm dừng chân của Mỹ ở Đông Á, giúp Mỹ khống chế Liên Xô, Trung Quốc và Nhật Bản. Còn về phía Liên Xô, cũng coi bán đảo Triều Tiên có tầm chiến lược quan trọng. Nếu Nam Triều Tiên được giải phóng thì phạm vi thế lực của Liên Xô sẽ được mở rộng tới sát Nhật Bản, đối thủ kỳ cựu đáng gờm nhất của nước Nga từ cuối thế kỷ XIX.
Hơn nữa cường quốc này cũng không muốn có một "biên giới mềm" của Mỹ ở ngay sát cạnh mình và khống chế cả khu vực vốn nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của mình. Chính vì thế, Liên Xô xem Nam Triều Tiên thân Mỹ là một cái gai trong mắt và luôn muốn nhổ bỏ nó đi.
Và như vậy, việc chiến tranh nổ ra trên địa bàn chiến lược Triều Tiên không phải là toan tính của riêng phía Liên Xô hay phía Mỹ, mà nó xuất phát từ động cơ chính trị, kinh tế của cả hai bên, nằm trong một không gian chung - đó là cuộc Chiến tranh lạnh.
Triều Tiên đã trở thành một chủ thể hàm chứa khối mâu thuẫn lớn của thời đại (mâu thuẫn giữa hai cực Xô - Mỹ). Chính vì vậy, việc nổ ra cuộc chiến ở đây là điều người ta hoàn toàn có thể dự liệu được.
Vai trò của "cực Mỹ" và "cực Xô" trong diễn biến cuộc chiến tranh Triều Tiên
Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên (25/6/1950), để tránh can thiệp một cách "thô thiển", Mỹ đã nhanh chóng đưa vấn đề Triều Tiên ra nghị bàn tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc trong lúc thiếu vắng sự tham dự của đại diện Liên Xô, rồi ngay lập tức lập ra một liên quân đồng minh do mình đứng đầu đến tham chiến tại Triều Tiên.
Sau đó, Mỹ lại đạo diễn cho Liên Hiệp Quốc "bật đèn xanh" cho mình được danh chính ngôn thuận vượt qua vĩ tuyến 38, tiến đến tận sông Áp Lục - giáp ranh với biên giới Trung Quốc... Có thể thấy, trong cuộc chiến tranh này, vai trò của Mỹ có thể nhìn thấy trực tiếp, nhưng còn Liên Xô thì sao?
Liên Xô bề ngoài tỏ ra không đếm xỉa gì đến vấn đề Triều Tiên, coi đó là công việc nội bộ của Triều Tiên. Song trên thực tế Liên Xô luôn tìm mọi cách để xác lập vị thế của mình trên bán đảo Triều Tiên. Biểu hiện trước hết là, cuối năm 1948, khi cho rút hết quân đội của mình về nước, thì Liên Xô vẫn để lại rất nhiều xe tăng và vũ khí đạn dược cho quân đội Bắc Triều Tiên. Đồng thời Liên Xô tích cực xây dựng một lực lượng quân đội mạnh cho Bắc Triều Tiên để đề phòng nguy cơ tấn công từ phía Nam Triều Tiên.
Tới tháng 9/1949, quân đội Bắc Triều Tiên đã có khoảng 90.000 người, trang bị đầy đủ các loại vũ khí nặng, nhẹ. Liên Xô cũng không ngừng "bật đèn xanh" cho Kim Nhật Thành tấn công Nam Triều Tiên khi thời cơ thuận lợi.
Ngày 5 và 12/1/1950, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố vành đai an toàn của Mỹ không bao gồm Nam Triều Tiên và Đài Loan, Mỹ sẽ không dùng hành động quân sự trực tiếp bảo vệ khu vực này, thì Liên Xô đã coi đây là điều kiện thuận lợi để thống nhất Triều Tiên. Liên Xô đã tăng nguồn viện trợ quân sự cho Triều Tiên lên tới 300 triệu rúp và đánh động Bắc Triều Tiên chuẩn bị tiến hành thống nhất lãnh thổ. Tuy thế, Stalin vẫn thận trọng nhắc Kim Nhật Thành chỉ được dùng hình thức phản công khi Nam Triều Tiên tấn công trước.
Đến đầu năm 1950, trước khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Liên Xô đã viện trợ thêm vũ khí và cử hơn 3.000 cố vấn quân sự sang giúp Bắc Triều Tiên (tính ra trung bình cứ 45 lính Bắc Triều Tiên có 1 cố vấn quân sự Liên Xô). Trung tướng Vaxilev dẫn đầu đoàn cố vấn quân sự Liên Xô đã lập kế hoạch tác chiến, trong đó dự định trong vòng từ ngày 22 đến 27/6/1950 sẽ chiếm xong Nam Triều Tiên.
Trong các bức điện ngày 1 và 6/7, Stalin viết: Liên Xô sẽ "hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu của Bắc Triều Tiên về vận chuyển vũ khí và các trang bị quân sự khác", "sẽ cung cấp toàn diện các loại vũ khí, xe tăng v.v...".
Viện trợ quân sự của Liên Xô trong năm 1950 lên tới kỷ lục 870 triệu rúp. Nhờ vậy quân đội Bắc Triều Tiên nhanh chóng chiếm gần hết Nam Triều Tiên, trừ khi tới mỏm Pusan tận cùng phía nam mới gặp kháng cự đáng kể. Tuy vậy, Stalin không muốn công khai việc Liên Xô giúp Bắc Triều Tiên về quân sự.
Ông cấm các cố vấn quân sự Liên Xô vượt vĩ tuyến 38 với lý do "không muốn để lại chứng cứ để người ta tố cáo Liên Xô tham dự cuộc chiến tranh này, đây là việc của Kim Nhật Thành". Vì vậy, khi quân Bắc Triều Tiên bị sa lầy ở Nam Triều Tiên (tháng 7/1950) cần sự cố vấn của chuyên gia quân sự Liên Xô, thì một số cố vấn Liên Xô đã phải cải trang thành các phóng viên để vượt vĩ tuyến 38 xuống giúp Bộ tham mưu mặt trận quân Bắc Triều Tiên.
Sang năm 1951, trước việc quân đội Triều - Trung gặp khó khăn khi phải chống đỡ với không quân Mỹ, Liên Xô đã tiến thêm một bước bằng việc chi viện không quân cho Bắc Triều Tiên. Tuy vậy, Moskva vẫn tìm mọi cách tránh nảy sinh xung đột công khai với Washington. Liên Xô đã cử những phi công ưu tú giả làm khách du lịch và đi tàu sang Trung Quốc.
Các phi công Liên Xô được chọn đều mang một tấm thẻ, bên trên in tên Trung Quốc của mình cũng như những từ ngữ chuyên dùng khi bay bằng tiếng Hán và tiếng Triều Tiên. Ngoài ra, nhằm tránh bị lộ chân tướng, trong quá trình tác chiến, khi liên lạc qua vô tuyến điện, các phi công Liên Xô phải sử dụng tiếng Hán hoặc tiếng Triều Tiên. Không quân Liên Xô dưới vỏ bọc không quân Trung Quốc đã gây nhiều tổn thất cho không quân Mỹ ở Triều Tiên.
Đặc biệt là trận giao chiến ngày 12/4/1951 đã trở thành ngày "Thứ 5 đen tối" trong lịch sử không quân Mỹ. Một vấn đề đặt ra là người Mỹ có biết quân đội Liên Xô đã tham gia vào Chiến tranh Triều Tiên? Câu trả lời là có.
Ngay từ cuối năm 1950, qua các nguồn tin tình báo, Lầu Năm Góc đã kết luận quân Liên Xô đã tham chiến. Các đài chặn thu sóng vô tuyến điện của Mỹ đã ghi lại được nhiều đoạn đối thoại bằng tiếng Nga của các phi công Liên Xô khi tác chiến trên chiến trường Triều Tiên. Phi công Mỹ cũng nhiều lần nhìn thấy những khuôn mặt da trắng trong buồng lái của máy bay quân chí nguyện.
Tuy nhiên, Washington không một lần đề cập tới việc tham chiến của Liên Xô. Bởi Nhà Trắng biết rằng nếu công bố, nhân dân Mỹ sẽ yêu cầu họ phải có hành động trong khi họ không muốn đẩy những cuộc đụng độ với Kremlin tới bờ vực nguy hiểm của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba .
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment