(Toquoc)-Bên cạnh chủ trương trở lại châu Á, chính quyền Obama thúc đẩy cuộc cách mạng màu, tạo ra một chính phủ thân phương Tây ở Đông Nam Á, sát nách Trung Quốc.
Không có mấy quốc gia làm cho Mỹ thay đổi quan hệ với mình nhanh chóng như Myanmar. Nhưng việc một tổng thống đương chức Mỹ đến thăm một nước chỉ vừa ra khỏi nửa thế kỷ sống dưới chế độ quân sự cũng ít xảy ra trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ.
Tiềm năng hợp tác kinh tế chưa đủ tạo ra lực hấp dẫn. Kim ngạch mậu dịch đối ngoại của Myanmar trong năm 2012 sẽ không vượt ngưỡng 20 tỷ USD, không giúp ích gì cho sự phục hồi kinh tế Mỹ. Vậy thì lý do nào đã đưa đương kim tổng thống Mỹ đến thăm Myanmar?
Tiếp tục chủ trương kiềm chế Trung Quốc
Người Trung Quốc với sự nhạy cảm vốn có, cho rằng lý do chính của chuyến thăm này, cùng với thăm Thái Lan, dự gặp gỡ thượng đỉnh Đông Á (EAS) và gặp các nhà lãnh đạo ASEAN, là nằm trong chủ trương “trở lại châu Á” và kiềm chế Trung Quốc.
Tổng thống Obama tiếp bà San Suu Kyi tại Nhà Trắng, quyết tâm thúc đẩy cuộc cách mạng màu tại Myanmar
Theo báo Văn hối (HK) ngày 15/11, con đường vận chuyển chiến lược trên biển của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca. Mỹ và Xinhgapo đã đạt được thỏa thuận trong việc bố trí chiến hạm của Mỹ neo đậu tại Xinhgapo. Sự bố trí này khống chế toàn bộ yết hầu chiến lược eo biển Malacca. Từ Malacca nhìn về phía Bắc, tuy có ba nước Ấn Độ, Pakixtan và Myanmar là có thể nối liền Trung Quốc với Ấn Độ Dương để không phải đi qua Malacca, nhưng chỉ Myanmar trở thành lựa chọn duy nhất để Trung Quốc vươn tới Ấn Độ Dương mà thôi. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho công trình đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Myanmar đang được khởi động, nếu thuận lợi, năm sau có thể khởi công xây dựng đường ống này. Khi công trình hoàn thành, Trung Quốc có thể lập tức mỗi năm được cung cấp 2,2 triệu tấn dầu thô và 2 tỷ khối khí đốt. Rõ ràng, công trình này có thể làm suy yếu ưu thế chiến lược của Mỹ.
Theo tờ báo này, ở phía đông Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã là đồng minh của Mỹ; ở phía nam, Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ biển đảo với Philippines và Việt Nam. Duy chỉ có 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar là vẫn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Trong vòng lưới bao vây Trung Quốc vẫn có những lỗ thủng, cần phải bịt chặt - đây chính là lý do quan trọng ngay sau khi liên nhiệm, Tổng thống Mỹ tức tốc thực hiện chuyến thăm các nước này.
Đối với Myanmar, việc người Mỹ cần làm là bóp chết từ trong trứng nước tuyến vận tải chiến lược này của Trung Quốc. Cần nhớ rằng đứng ra ký kết với Trung Quốc hạng mục xây dựng đường ống này không phải là chính quyền dân chủ hiện nay ở Myanmar, đây cũng sẽ là một tình tiết mà Mỹ có thể mượn cớ để “vùi dập” dự án đường ống dẫn dầu. Trung Quốc không có cách nào ngăn cản việc Mỹ thực thi chiến lược của họ tại Myanmar, song Trung Quốc cũng phải nhìn thấy nguy cơ tiềm tàng để tìm kiếm sách lược đối phó.
Ngoại giao tiền bạc có thể thua ưu thế “đạo đức”
Theo báo Thái Dương (HK), Đông Nam Á đã trở thành thị trường quan trọng để Trung Quốc cùng Mỹ và Nhật Bản đấu chọi ngoại giao; các bên đều đua nhau đổ tiền vào khu vực này để gia tăng ảnh hưởng và tranh giành quyền chủ động. Trong cuộc chiến này, muốn trụ vững tại Đông Nam Á, Trung Quốc cần tiến hành đồng thời trên nhiều lĩnh vực, nếu chỉ sử dụng “quân bài kinh tế”, Bắc Kinh rất có thể sẽ bị Mỹ và Nhật Bản loại khỏi cuộc chơi.
Xét cho cùng, cuộc đọ sức bằng tiền bạc giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản cũng khó phân thắng bại, song về các mặt khác như ảnh hưởng quốc tế hay ưu thế về “đạo đức”, Trung Quốc lại kém xa Mỹ và Nhật Bản. Mỹ không chỉ thông qua viện trợ kinh tế để mua chuộc lòng người ở Đông Nam Á, mà còn thông qua các kế hoạch dân chủ hóa nuôi dưỡng một loạt chính khách thân Mỹ, thúc đẩy cách mạng sắc màu ở khu vực, và đứng về phía những nước yếu thế tại Biển Đông.
Trên thực tế, Mỹ đã giành được ưu thế tại Myanmar. Điều này chứng minh rằng nếu chỉ dựa vào viện trợ kinh tế, Trung Quốc khó có thể trụ vững được tại Đông Nam Á. Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc là nước có đầu tư và viện trợ lớn nhất vào Myanmar, song nay Myanmar lại “bỏ Trung Quốc đi theo Mỹ”. Do đó, nếu Trung Quốc không tăng cường ràng buộc và kìm hãm về ngoại giao và quân sự đối với các nước Đông Nam Á, các nước trong khu vực sau này sẽ khó tránh khỏi theo chân Myanmar ngả theo Mỹ, những viện trợ đối ngoại của Trung Quốc vì thế cũng thành “đổ sông đổ bể”.
Làm cuộc cách mạng màu ở Đông Nam Á, Obama là Reagan của đảng Dân chủ
Điều người Trung Quốc xem nhẹ thì người Mỹ xem là quan trọng. Tạp chí Newsweek, số tháng 10/2012, dự đoán Barack Obama sẽ tái cử tổng thống Mỹ. Nếu Obama giành thắng lợi, ông sẽ trở thành Reagan của Đảng Dân chủ. Khả năng của Obama để có được địa vị của Reagan là có thực vì hai lý do: chấn hưng kinh tế Mỹ và tác động vào sự sụp đổ của Liên Xô-Đông Âu. Ở khía cạnh thứ hai này, chính quyền Obama đạt số lượng thành tích đáng kể: gần như loại bỏ được Al Qeada, thực hiện các cuộc cách mạng dân chủ ở thế giới Arập.
Châu Á - đấu trường chật hẹp cho hai đấu thủ Mỹ và Trung Quốc (Minh họa của báo Hong Kong)
Không ai cho rằng Liên Xô sụp đổ khi Reagan bước vào cuộc vận động tranh cử thứ hai của mình. Tuy nhiên, bằng cách cô lập, kiên trì, thống nhất liên minh, và sau đó là sự thỏa hiệp, điều không thể tưởng tượng nổi đã diễn ra. Ai đã thấy được sự sụp đổ của Bức tường Béclin vào tháng 10/1984? Điều khiển các cuộc cách mạng dân chủ trong thế giới Arập thành công có khác gì các nền dân chủ mới đang nổi lên ở Đông Âu.
Tạp chí Newsweek đã không có dịp phân tích một quyết định bất ngờ của Tổng thống Obama đi thăm Myanmar chỉ 20 ngày sau khi được bầu ở lại Nhà Trắng một nhiệm kỳ nữa. Tháng 3/2011, khi chính quyền dân sự Myanmar được thành lập, ít người chờ đợi một nền dân chủ thực sự sẽ ra đời ở đất nước gần 50 năm sống dưới chế độ quân sự. Nhưng nền ngoại giao Hoa Kỳ đã kịp thời nắm bắt tín hiệu mới ấy, không chậm trễ thúc đẩy cho tiến trình ấy tiến nhanh về phía trước với tốc độ vượt ngoài tưởng tượng.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm, Mỹ và phương Tây đã bỏ hầu hết biện pháp cấm vận đối với Myanmar, thiết lập sự hiện diện ngoại giao và nhanh chóng thúc đẩy các quan hệ hợp tác quân sự để từng bước đưa lực lượng vũ trang nước này thành đội quân chuyên nghiệp đặt dưới sự quản lý của chính phủ dân sự tương lai.
Như vậy, Myanmar trở thành điểm đột phá của một cuộc cách mạng màu ở Đông Nam Á. Người Mỹ đang chạy đua với thời gian sao cho tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar được triển khai đến độ chín muồi để tại cuộc tổng tuyển cử năm 2015, “nữ hoàng dân chủ” của Myanmar - bà Aung San Suu Kyi - có thể ra tranh cử tổng thống. Nếu một kịch bản như vậy thành công, Myanmar sẽ có một chính phủ dân chủ thân phương Tây ngay sát nách Trung Quốc. Thật là nhất cử lưỡng tiện./.
Người bình luận
Comments[ 0 ]
Post a Comment