Khi in “đường lưỡi bò” và các khu vực tranh chấp khác lên hộ chiếu, chính quyền Trung Quốc một mặt muốn đóng đinh những hình ảnh ấy vào sâu trong ý thức mỗi người dân nước mình. Mặt khác, họ muốn tuyên truyền yêu sách chủ quyền ra toàn thế giới. Họ tin rằng, các nước khác khi đóng dấu thị thực lên tấm hộ chiếu có “đường lưỡi bò” thì coi như thừa nhận yêu sách của Trung Quốc. Một mũi tên đồng thời nhằm vào nhiều đích, cho thấy sự thâm hiểm và cuồng vọng của chủ nghĩa bành trướng.
Những năm qua, theo sau các thành tựu nổi bật về kinh tế, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh quân sự một cách chóng mặt. Những bước đi bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế - mà hành động in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu chỉ là một trong rất nhiều ví dụ - cho thấy tư tưởng bành trướng đang sóng bước cùng các thành tựu về kinh tế và quân sự. Đến nay, dường như giới lãnh đạo Bắc Kinh đã tự tin tới mức cho rằng họ muốn làm gì thì làm.
Đáp lại hành động gây hấn mới nhất của Trung Quốc, các nước Việt Nam, Philippines và Ấn Độ, ba trong số những nước bị tổn thương bởi tấm hộ chiếu ngạo mạn, đã phản đối bằng lời và bằng hành động thực tiễn. Ấn Độ từ chối đóng dấu thị thực lên hộ chiếu có “đường lưỡi bò”, đồng thời phát thị thực rời kèm theo những thông tin về lập trường chủ quyền của Ấn Độ. Cơ quan nhập cảnh Việt Nam cũng cấp một thị thực rời cho công dân Trung Quốc nhập cảnh. Ngoại trưởng Albert del Rosario của Philippines, bên cạnh tuyên bố phản đối, đã kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền. Đài Loan cũng lên tiếng phản đối. Những nước không có yêu sách trực tiếp trong phạm vi “đường lưỡi bò” cũng có thể sẽ không chấp nhận tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc, bởi với họ đó là một sự đe dọa đối với an ninh và hòa bình.
Có thể thấy, trong khi việc in bản đồ “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu không hề có giá trị pháp lý về chủ quyền, thì cái giá mà Trung Quốc phải trả cho hành động gây hấn này là rất đắt. Đó là những phiền toái mà các công dân của họ gặp phải khi mang hộ chiếu đó ra nước ngoài. Đó là sự hình thành một “mặt trận chung” gồm các nước cùng chống lại những hành động đơn phương gây bất ổn của Trung Quốc, đẩy nước này vào thế bị cô lập.
Trung Quốc luôn muốn thuyết phục thế giới rằng họ “trỗi dậy hòa bình”, rằng sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, quân sự của họ không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào, càng không phải là mối đe dọa cho hòa bình khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố đó, những động thái trên thực tiễn của họ lại khiến các nước láng giềng rất bất an. Họ xua tàu cá và tàu vũ trang tới đe dọa Philippines; quấy rối và giết cảnh sát biển Hàn Quốc; quấy rối và cướp bóc nhằm vào người Nhật Bản cả trên biển lẫn trên đất liền; tấn công phá hoại nhằm vào tàu dân sự của Việt Nam. Song song với những hành động gây hấn là các chiêu thức nhằm truyền bá các yêu sách ngang ngược của mình. Những hành động ấy rõ ràng đi ngược lại với tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của giới chóp bu Bắc Kinh. Những hành động ấy càng làm cho thế giới có lý do chính đáng để lo ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa.
Với sự phát triển về kinh tế, quân sự, Trung Quốc rõ ràng đã trở thành một cường quốc. Thế nhưng, cách hành xử của họ hoàn toàn chưa theo kịp đẳng cấp cường quốc mà họ đạt được.
Đỗ Hùng - THANHNIENOL
Comments[ 0 ]
Post a Comment