Sau khi Mỹ tuyên bố sẽ đề cập vấn đề với Bắc Kinh, Trung Quốc dường như tìm cách xoa dịu nỗi bất bình của các láng giềng về tấm hộ chiếu mới gây tranh cãi.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc in hình bản đồ 9 đoạn (đường lưỡi bò) thể hiện tuyên bố chủ quyền của nước này với hầu hết Biển Đông - nơi nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng khẳng định chủ quyền; đồng thời bao gồm cả hai khu vực tranh chấp với Ấn Độ. Hình bản đồ trong hộ chiếu đã khiến nhiều nước trong khu vực phản đối mạnh mẽ.
|
Trang 8 của tấm hộ chiếu mới Trung Quốc in bản đồ “lưỡi bò”. Ảnh: AP |
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng: "Hình ảnh trên hộ chiếu không nên bị diễn giải thái quá. Trung Quốc sẵn sàng duy trì thông tin với các nước có liên quan và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong trao đổi giữa nhân dân Trung Quốc và các nước”.
Đu dây
Bình luận của người phát ngôn họ Hồng xuất hiện sau khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói sẽ đưa vấn đề này ra với Bắc Kinh. Bà nhấn mạnh, bản đồ “gây ra căng thẳng và bất an giữa các nước có liên quan ở Biển Đông” cho dù Trung Quốc có quyền thiết kế hộ chiếu theo ý muốn nhưng không được "gây thù địch giữa các nước mà chúng tôi muốn chứng kiến họ ngồi lại đàm phán với nhau".
Theo các quan chức và chuyên gia khu vực, tranh cãi trên dường như không gây ảnh hưởng lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác. Nhưng nó cung cấp một cái nhìn về những căng thẳng phát sinh khi Trung Quốc trỗi dậy kể cả về quân sự và kinh tế, cũng như gia tăng quả quyết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Lãnh đạo Trung Quốc đang “đu dây” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ khi vừa phải tránh đổ vỡ quan hệ kinh tế vừa đương đầu với áp lực dân tộc chủ nghĩa ngày càng gia tăng trong nước. Các cuộc biểu tình xảy ra ở Trung Quốc hồi tháng 9 liên quan tới tranh chấp với Nhật về một quần đảo ở biển Hoa Đông thậm chí có lúc vượt khỏi tầm kiểm soát khiến quan chức Trung Quốc phải kêu gọi kiềm chế cho dù có lên tiếng phản đối lập trường của Tokyo.
Các tranh cãi về hộ chiếu mới đã gây ra nhiều bất tiện cho các du khách Trung Quốc khi đi lại trong khu vực. David Li, một người làm việc trong công nghiệp sản xuất giày dép đã gặp khó khăn với tấm hộ chiếu mới. Anh cho rằng: “Chính phủ nên tích cực hội đàm với các nước có liên quan, nếu không, người dân cần đi ra nước ngoài cuối cùng sẽ chịu ảnh hưởng”.
Việt Nam và Philippines đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về hộ chiếu Trung Quốc in kèm cả “đường lưỡi bò” phi pháp không được quốc tế công nhận.
|
Ảnh: Reuters |
Ấn Độ cũng đã khẩn trương in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định. "Mỗi nước đều có quyền xác định ranh giới của họ. Phía Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của họ về ranh giới, chúng tôi cũng có quan điểm riêng của mình”.
Gây tổn hạiTuyên bố chủ quyền lãnh thổ là một vấn đề lớn tại cuộc gặp ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia tuần trước - nơi Tổng thống Mỹ Obama lên tiếng ủng hộ nỗ lực của nhiều nước thành viên tiến hành một thỏa thuận khu vực với Trung Quốc. Trong khi đó Bắc Kinh khăng khăng đòi tranh chấp chỉ nên giải quyết với từng nước có liên quan.
"Trong khi có thể là cường điệu khi coi tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc là một hành động khiêu khích, thì bản thân nó đang gây tổn hại cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc, và sẽ đổ thêm dầu vào tình hình căng thẳng ở Biển Đông”, Tang Siew Mun, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh tại Viên Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Malaysia nói.
Trác Đào Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc ĐH Bắc Kinh nói, khó có thể lý giải được nguyên nhân thực sự khiến các nhà chức trách Trung Quốc quyết định in bản đồ lên hộ chiếu. "Chúng tôi có các cơ quan khác nhau, các cá nhân khác nhau", ông khẳng định. "Một số người cho rằng việc này là rất tốt, nhưng trên thực tế có thể không phải luôn là như vậy".
Thẩm Đinh Lực, giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Phúc Đán Trung Quốc thì cho rằng, bản đồ trên hộ chiếu mới là phản tác dụng với quan điểm của Trung Quốc.
Thái An (theo Wall Street Journal)
Comments[ 0 ]
Post a Comment