Toquoc)-Vẫn có những bảo lưu và nghi vấn, nhưng tại các hội nghị cấp cao ngày 18 và 19/11/2012, các bên liên quan đã đạt một số thỏa thuận về nguyên tắc trong vấn đề Biển Đông.
Trước thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 tại Phnom Penh, Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc Phó Oánh cho rằng cuộc tranh chấp hiện trong vòng kiểm soát và rằng trái với ý kiến của nhiều nước, cuộc tranh chấp biển đảo ở khu vực đã không “nguy hiểm” hay “gây rối ren” như dư luận từng quan ngại. Bà này nói: “Trên thực tế, trong vài năm qua, Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông đã kiểm soát thành công tranh chấp và không để cho nó gia tăng”.
Thứ trưởng Phó Oánh ngày 17/11 còn cho biết Trung Quốc có thái độ cởi mở đối với việc chế định bộ “Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC)”, đồng thời việc kiên trì “Tuyên bố về cách ứng xử các bên tại Biển Đông (DOC)” cần được các bên tuân thủ toàn diện và thiết thực.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN hiện đang dự kiến đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết ASEAN đã vạch ra một số điểm quan trọng, nếu ngoại trưởng các nước khác đồng ý, khối này sẽ nhanh chóng tuyên bố “lập trường cơ bản” trong tuyên bố chung này. Ngoại trưởng Indonesia còn bày tỏ hy vọng sau cuộc gặp giữa lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc, vấn đề Biển Đông sẽ có một đà mới. Ngoại trưởng Marty Natalegawa còn nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một nhà ga, tàu không lùi nhưng cũng không có bước tiến lớn nào về phía trước. Xét tình hình nội bộ Trung Quốc và các nhân tố khác, tình hình hiện nay chưa hẳn là tiêu cực”.
Có lẽ, cái nghề ngoại giao buộc người ta phải nói những điều phức tạp bằng những lời lẽ văn hoa bóng bảy, như trường hợp người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia. Hoặc nói có thành không, nói không thành có, như trường hợp Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc. Còn giới truyền thông nhiều khi nói sự thật một cách trần trụi như bản chất của nó.
Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN tại hội nghị cấp cao Phnom Penh, 18/11/2012
Báo Hong Kong: DOC “hữu danh vô thực”
Tờ báo Hong Kong Văn Hối ngày 18/11, viết: Hồi đầu tháng 11/2002, cũng tại Campuchia, Ngoại trưởng và đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết DOC. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN liên quan vấn đề Biển Đông. DOC xác nhận Trung Quốc và ASEAN đã nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác tin cậy, cùng tăng cường hòa bình và ổn định khu vực Biển Đông, nhấn mạnh thông qua đàm phán và hiệp thương hữu hảo giải quyết tranh chấp liên quan Biển Đông bằng phương thức hòa bình. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, DOC đã trở nên “hữu danh vô thực” bởi có nước đã không ngừng dùng các biện pháp kinh tế, pháp luật, thậm chí là quân sự thay đổi hiện trạng Biển Đông.
Việc các nước ASEAN tìm kiếm một văn kiện pháp lý mới giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông là ý đồ “nhóm một bếp lửa khác” càng khiến DOC thêm “hữu danh vô thực”.
Tại sao sau 10 năm, DOC vẫn quanh quẩn trong tình cảnh này? Phó Giáo sư Trương Minh Lượng thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Ký Nam (Quảng Châu) cho rằng khi soạn thảo và ký kết DOC, Trung Quốc đã phạm một sai lầm mang đậm màu sắc tư duy tập quán: DOC chỉ có cam kết mà không có quy tắc trừng phạt đối với vi phạm cam kết. Khi đối mặt với nguồn tài nguyên cám dỗ trị giá hàng nghìn tỉ USD ở Biển Đông, chỉ dựa vào sự tuân thủ, kiềm chế và ràng buộc của Trung Quốc thôi thì không thể đủ.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã có rất nhiều nỗ lực, song hiệu quả không cao. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc kiên trì giải quyết song phương. Đa phương hóa vấn đề Biển Đông tất nhiên là bất lợi đối với Trung Quốc, và khiến tình hình thêm phức tạp. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, ngoại giao Trung Quốc đã đi theo xu thế thế giới và theo hướng đa phương. Đây đồng thời là điều kiện có lợi để Trung Quốc tuyên bố về chính sách và lập trường đối với Biển Đông. Do đó, thay vì né tránh, Trung Quốc nên khéo léo dẫn dắt tình thế, làm chủ đạo trong các vấn đề hợp tác tại vùng biển này như an ninh phi truyền thống, chống khủng bố, chống hải tặc…
Vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN
Ngày 19/11, một quan chức ngoại giao Trung Quốc đánh tiếng với ASEAN qua giới truyền thông quốc tế rằng không nên để hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc ở Campuchia bị lu mờ bởi tranh chấp Biển Đông bởi lẽ “tình hình đã được kiểm soát” và các quốc gia liên quan “có thể tự giải quyết” những khác biệt.
Ngày 18/11, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN, tại hội nghị cấp cao thường niên của hiệp hội này ở thủ đô Phnom Penh, đã quyết định đề nghị Trung Quốc khởi động các cuộc đàm phán chính thức “trong thời gian sớm nhất có thể” về việc xây dựng một hiệp ước không xâm lược và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để ngăn chặn những xung đột lớn có thể xảy ra tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, với tư cách là người chủ, sẽ chuyển tới Thủ tướng Ôn Gia Bảo, tới Campuchia trong ngày 18/11 để tham dự các hội nghị ASEAN mở rộng trong hai ngày tới.
Trước đó, Campuchia thông báo rằng tại Hội nghị cấp cao ASEAN hôm 18/11, tất cả 10 quốc gia thành viên của khối đã nhất trí sẽ không “quốc tế hóa” những tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Nam (Biển Đông). Tuy nhiên, ngày 19/11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino quả quyết rằng ông và một quốc gia khác (giới ngoại giao cho là Việt Nam) không nhất trí với thỏa thuận này và rằng Thủ tướng Campuchia Hun Sen lẽ ra không nên kêu gọi cái gọi là “sự đồng thuận” của ASEAN nói trên. Trước báo giới, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario dẫn lời ông Aquino trao đổi với những người đồng cấp trong ASEAN rằng: “Khi Philippines ủng hộ sự thống nhất của ASEAN, nước tôi có quyền cố hữu là bảo vệ lợi ích quốc gia trong trường hợp cần thiết”. Ông Del Rosario cho biết phái đoàn Philippines đã gửi thư tới tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN để khẳng định rằng không hề có sự đồng thuận nói trên.
Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc 19/11
Ngày 19/11, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã gặp nhau để kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai phía đã ra bản Tuyên bố chung 9 điểm, khẳng định lại tầm quan trọng của DOC và đề ra một số nội dung và cam kết chung thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau ở Biển Đông. Hai phía tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), 5 Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, với vai trò là các chuẩn mực chung chỉ đạo quan hệ giữa các quốc gia. Đồng thời cam kết giữ đà đối thoại và tham vấn nhằm tăng cường sự tin cậy, lòng tin và hợp tác, và cùng hợp tác tiến tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Đây lại thêm một thỏa thuận mới giữa các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc. Trong bình phần nhiều rượu cũ có chút rượu mới. Thời gian sẽ kiểm chứng ý nghĩa của nó, nếu tiến trình hợp tác dẫn tới việc ký kết COC, để kiểm soát cuộc xung đột trên Biển Đông./.
Lưu Việt
Comments[ 0 ]
Post a Comment