Nguyễn Ngọc Trường
Đại Hội 18 ĐCS Trung Quốc đồng tâm nhất trí tăng cường sức mạnh thực lực của Trung Quốc
(Toquoc)-Tại Báo cáo của Đại hội ĐCS Trung Quốc lần này, “ngoại giao xung quanh” ở vị trí thấp; thông điệp đối thoại và đàm phán hoà bình mờ nhạt bởi thông điệp sức mạnh.
Trên các đường phố Bắc Kinh những ngày này, đã không còn những cuộc biểu tình chống Nhật về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku. Nhưng các biểu ngữ vẫn được gắn vào các xe ôtô mang các nhãn hiệu Nhật Bản khẳng định các đảo Điếu Ngư là thuộc chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc. Các chủ nhân người Trung Quốc của các xe Nhật này đã cố tình giữ lại những biểu ngữ như lá bùa hộ mệnh để bảo vệ an toàn cho xe của họ khỏi bị những kẻ quá khích đập phá.
Còn ít ngày nữa thì Hội nghị 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, nhưng phần thảo luận báo cáo chính trị dường như đã kết thúc. Báo cáo chính trị lần này, trình bày trong 2 tiếng, có mấy điểm đáng chú ý. Nhưng điểm khiến các nhà quan sát cuộc xung đột trên biển Hoa Đông và Biển Đông lưu ý hơn cả, đó là việc Báo cáo chính trị nêu bật việc Trung Quốc tiếp tục khẳng định tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp khi nói: “Chúng ta nên tăng cường khả năng khai thác các nguồn tài nguyên biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, đồng thời xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”.
Việc Trung Quốc khẳng định phấn đấu trở thành “cường quốc biển” đã được nói nhiều từ cuối những năm 1980, đã thành quốc sách của Trung Quốc. Trung Quốc trong hàng ngàn năm là cường quốc lục địa. Đối thủ truyền kiếp của người Hoa Hạ là Hung Nô. Đó là các bộ lạc du cư sinh sống ở khu vực thuộc Mông Cổ ngày nay, sống trên lưng ngựa, rất thiện chiến. Người Hung Nô từng kiểm soát một đế chế rộng lớn tại Trung Á, kéo dài về phía tây tới khu vực Kavkaz, miền nam Siberia, miền tây Mãn Châu và vùng lãnh thổ Trung Quốc ngày nay tại Nội Mông, Cam Túc, Tân Cương. Từ khi Trung Quốc thống nhất dưới thời Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu xây Vạn Lý Trường Thành để đối phó với “rợ” phương Bắc. Thế mới có phương châm chiến lược “Bắc xâm, Nam ngự”, nghĩa là phương Bắc luôn nhòm ngó xâm lược, còn Trung Quốc ở phương Nam phải cảnh giác phòng ngự. Chính sự uy hiếp của người Mông Cổ đã buộc hoàng đế nhà Minh thế kỷ 15 kết thúc cuộc chinh phục đại dương đầu tiên của người Trung Nguyên do Đô đốc Trịnh Hòa thực hiện từ năm 1405-1433.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc cùng với việc Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ thân thiện hợp tác, tiến tới đối tác chiến lược toàn diện với nước Nga. Tháng 10/2004, Hiệp ước biên giới Trung-Nga được ký kết, căn bản thoả thuận về đường biên giới hai nước dài 4.300 km. Năm 2001, Trung Quốc và Nga cùng lập ra Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đưa các quan hệ với các nước Trung Á vào khuôn khổ này, giúp Trung Quốc ổn định đường biên giới trên bộ phía Bắc. Đến nay chỉ còn biên giới với Ấn Độ dài 3.550 km là chưa được giải quyết. Nhưng về đại thể, Bắc Kinh đã có thể đề ra phương châm chiến lược mới “An Tây, dựa Bắc, tranh Đông Nam”. Giữ yên phía Tây, nơi có quan hệ với Ấn Độ và Pakistan là chủ thể chính, bằng cách dùng con bài Pakistan để kiềm chế Ấn Độ; thỉnh thoảng đàm phán biên giới với Ấn Độ một vài vòng, thỉnh thoảng trao đổi đoàn cấp cao, vừa xung đột, vừa vỗ về, cũng coi như ổn định cục bộ được một vùng biên ải phía Tây. Còn lại, phía Đông Nam giáp ba biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông là đối tượng cạnh tranh chiến lược với các nước láng giềng giáp biển và các nước lớn liên quan, trước hết là Mỹ.
Ở phía Đông, tại Hoàng Hải, thỉnh thoảng có xung đột với Triều Tiên và Hàn Quốc về chủ quyền biển đảo, về đánh bắt cá, nhưng nhìn chung có thể kiểm soát được. Biển Hoa Đông hiện nay nổi sóng to gió lớn vì tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ở đây Mỹ là một nhân tố quan trọng, vừa là chỗ dựa cho hải quân Nhật Bản tuy hiện đại nhưng bị dàn mỏng, vừa kiềm chế cả hai bên xung đột và cũng có lúc đóng vai trung gian hòa giải. Cuộc xung đột tại vùng biển này chỉ có thể tìm cách “quản lý” chứ khó bề “giải quyết”. Tại Biển Đông, Trung Quốc tỏ ra chiếm thế thượng phong. Hồi Trung Quốc còn cần ASEAN, Trung Quốc chịu ký Tuyên bố ứng xử Biển Đông (2002). Đó cũng là một giải pháp tạm thời để “quản lý” cuộc xung đột. Nhưng từ đó đến nay, Trung Quốc đã đẩy cuộc xung đột từ cường độ thấp lên cường độ cao. Đến năm nay có hai sự kiện đạt tới cao trào: Thành lập “thành phố Tam Sa”, với lực lượng quân sự thường trú (Khu cảnh bị), được Bắc Kinh giao cho quản lý một vùng tam giác trên Biển Đông rộng 2 triệu km2 gồm ba quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa - Trung Sa. Trung Sa gồm toàn đảo chìm, nên Trung Quốc gộp Bãi cạn Hoàng Nham mà Philippines gọi là Scarborough, vào Trung Sa. Tuy chưa tuyên bố công khai, nhưng Trung Quốc muốn biến vùng biển này thành lãnh hải riêng. Tại vùng tam giác này, có nơi sâu 5000 m, là vùng sâu nhất của Biển Đông. Một trong các động cơ chiến lược của nỗ lực kiểm soát vùng biển này là tạo vùng hoạt động an toàn cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc, tức là tàu phóng tên lửa xuyên lục địa thế hệ hai hiện nay, gây nhiều tiếng ồn, di chuyển lên phía bắc gần Nhật Bản dễ bị phát hiện.
Mỹ rất nhạy cảm trước mối đe dọa tiềm tàng của tàu ngầm hạt nhân và lực lượng tên lửa đạn đạo ngày càng tiên tiến của Trung Quốc, đã khởi động thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Á với các trạm rađa sóng ngắn đặt ở 3 điểm - bắc và nam Nhật Bản và Philippines. Biển Đông có vai trò mới như một trong các hướng phòng thủ nước Mỹ từ xa. Biển Đông trở thành nơi “ngoại hổ tàng long”. Một trong các mục tiêu của Mỹ bố trí lại các tuyến căn cứ quân sự trên lãnh thổ Mỹ và các nước đồng minh ở Đông Á-Tây Thái Bình Dương-Ôxtrâylia là để kiểm soát việc Hải quân Trung Quốc tiếp cận các vùng biển quốc tế; tổng quát là ngăn chặn việc Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải.
Là một cường quốc thế giới về kinh tế, Trung Quốc tất yếu phải phát triển tư duy đại dương và xây dựng lực lượng hải quân có khả năng hoạt động từ biển gần ra biển xa và tới các đại dương thế giới để bảo vệ lợi ích và sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc. Đó là một phần của tham vọng đại dương, được thể hiện trong phương châm chiến lược chín chữ: “Bảo cận ngạn, tranh cận hải, xuất viễn dương” (giữ gần bờ, tranh biển gần, ra đại dương).
Lần này khi Trung Quốc tái xác định phương châm “xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển” thì các vùng biển bao quanh Trung Quốc đã có chủ. Các quốc gia giáp ba biển đều căn cứ vào Luật biển của Liên hợp quốc 1982, cũng như quyền kiểm soát và quản lý biển đảo tồn tại thực tế trong lịch sử để xác định lãnh hải, bao gồm thềm lục đia và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Do vậy, Trung Quốc phải tranh chấp với các nước để mở rộng vùng biển của họ. Báo cáo chính trị Đại hội 18 do ông Hồ Cẩm Đào trình bày còn nhấn mạnh Trung Quốc cần xây dựng “một lực lượng quốc phòng mạnh mẽ và các lực lượng vũ trang hùng mạnh. Điều đó phù hợp với vị thế quốc tế của Trung Quốc”. Ông Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi Trung Quốc đặc biệt tăng cường các khả năng kỹ thuật công nghệ quân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc là đủ khả năng “chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ trong thời đại thông tin”.
Trung Quốc vẫn trong quá trình xây dựng lực lượng hải quân đủ năng lực thách thức Mỹ và áp đặt quyền kiểm soát đối với các vùng biển cận kề, trước hết là Biển Đông. Năm 2010, Hải quân Trung Quốc có 225.000 cán binh, 58 tàu ngầm - trong đó có 6 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, hơn 50 khinh hạm và 27 tàu khu trục, cho phép Hải quân Trung Quốc hiện nay được coi là hạm đội hàng đầu châu Á, không kể hạm đội của Mỹ. Trung Quốc đang tích cực thực hiện chương trình xây dựng đội tàu sân bay đầu tiên của họ.
Hải quân Trung Quốc đã tiến những bước khá dài từ biển gần ra các biển xa. Nhưng khi đối diện với biển lớn, trong một thời gian dài nữa, các đại dương thế giới vẫn sẽ là "người đàn bà bí ẩn” đối với Trung Quốc, mà sự chinh phục, không thể chỉ dựa vào các pháo hạm, mà rất cần tới sức mạnh mềm của trái tim.
Điều thấy được trong Đại hội lần này, “ngoại giao xung quanh” chỉ được nêu ở một vị trí thấp. Và bức thông điệp đối thoại hợp tác và đàm phán hoà bình tỏ ra bị mờ nhạt bởi bức thông điệp sức mạnh./.
Comments[ 0 ]
Post a Comment