Cọ xát Nga - Trung tại Biển Đông Việt Nam
Monday, November 5, 2012
Trung Quốc phải biết rằng trèo cột mỡ lên vị trí một cực quyền lực của nền chính trị toàn cầu không phải việc dễ dàng. Các đối thủ đều chơi rất rắn. Nhưng có lẽ Trung Quốc đã không nghĩ là có Nga trong số đối thủ đó.
Bối cảnh rất kịch tính. Hợp tác chiến lược Nga-Trung đạt một mức độ cao. Bắc Kinh đã rất vui vẻ nghĩ tới triển vọng Vladimir Putin trở lại điện Kremlin làm tổng thống vào đầu tháng 5, sau phiên làm thủ tướng. Bắc Kinh xem Putin là điều tốt đẹp nhất mà nước Nga “hậu Xô Viết” từng có được. Có lẽ suy nghĩ như thế này sẽ là ngây thơ thuần túy, hoặc là thủ đoạn vô cùng, nhưng Trung Quốc muốn thấy Putin như một nhân vật hời hợt bị phương Tây ghét bỏ. Bắc Kinh đã nhìn thấy một âm mưu đen tối của phương Tây nhằm làm Putin bị mất tín nhiệm khi ông ta giành lại quyền lực ở điện Kremlin.
Do đó, tuyên bố hôm 16-4 của công ty khí đốt Nga Gazprom, rằng họ đã ký thỏa thuận để nhận cổ phần tối thiểu trong hai dự án khí đốt ngoài khơi vùng biển của Việt Nam có lẽ gợi phong cách kịch nghệ Shakespeare – Cả anh nữa sao, Brute? (**)
Thỏa thuận của Gazprom chắc chắn là quyết định của Putin. Gazprom sẽ thăm dò hai lô được cấp phép trong thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam). Họ có cổ phần 49%. Hai lô này có trữ lượng ước tính là 1,9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên và hơn 25 triệu tấn khí hóa lỏng (gas condensate).
Bắc Kinh có vẻ như bị sốc nặng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân (Liu Weimin) thủ thế khi đưa ra phản ứng: “Trung Quốc hy vọng các công ty của những nước nằm ngoài khu vực biển Hoa Nam sẽ tôn trọng và ủng hộ mọi nỗ lực của các bên liên quan trực tiếp, nhằm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương”.
Khi con gấu Nga bắt đầu lội vào vùng nước động của Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu buộc phải suy đoán. Quả vậy, hai lô Nga thăm dò đều nằm trong vùng biển của Việt Nam, và đối với Gazprom thì đây là một hợp đồng làm ăn béo bở. Nhưng Gazprom là công ty quốc doanh và nói chung được xem như một trong các “công cụ địa chính trị” của Nga.
Các bài xã luận của Trung Quốc có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nghi ngờ ý định của Matxcơva. Tờ Hoàn Cầu viết:
Cả Việt Nam và Philippines đều đang ra sức tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước nằm ngoài khu vực, biến việc đàm phán song phương thành đối đầu đa phương. Trung Quốc, nếu phải thận trọng quá vì bất cứ siêu cường nào khác có dính líu vào khu vực, thì cũng không có gì sai. Nga không nên gửi đi bất kỳ tín hiệu sai lệch hoặc nước đôi nào về biển Hoa Nam. Điều ấy sẽ không chỉ làm cho Trung Quốc khó giải quyết tranh chấp hơn, mà còn làm tăng thêm những mối nghi ngờ về ý định thực sự của Nga đằng sau hợp đồng khí đốt này.
Ngoài ra, hợp đồng khí đốt của Gazprom không phải chỉ là chuyện “một phút huy hoàng rồi chợt tắt” (nguyên văn: not a flash in the pan – nghĩa là “không phải là một khoảnh khắc chớp nhoáng – ND). Nga đang tái thiết một cách có hệ thống mối quan hệ thời Xô Viết họ từng có với Việt Nam (nước này đã rơi vào tình trạng có chung mối ác cảm của Nga đối với Trung Quốc), đặc biệt kể từ năm 2009 khi Putin nói với người đồng nhiệm Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng rằng mối bang giao hai nước có “tầm quan trọng chiến lược”.
Tiến về phía Đông
Matxcơva đã cấp một khoản vay trị giá 8 tỷ USD cho Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Nga vốn dĩ là nguồn công nghệ vũ khí cao cấp quan trọng nhất của Việt Nam. Và hệ thống vũ khí này bao gồm cả tên lửa chống tàu SS-N-25 Switchblade/Kh-35 Uransubsonic, trực thăng hải quân Ka-27, máy bay chiến đấu đa năng SU-30 MK, tàu ngầm tấn công lớp Kilo cải tiến, tàu hộ tống lớp Gepard, máy bay tấn công chớp nhoáng Molnia/Project 12418 kèm với tên lửa chống tàu siêu âm Moskit/SS-N-22 Sunburn, tàu tuần tra lớp Svetlyak (ban đầu loại này được phát triển để làm nhiệm vụ biên phòng cho KGB) trang bị tên lửa chống máy bay, vân vân – tất cả đều giúp Việt Nam tăng cường năng lực đối phó với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã hứa rằng Matxcơva sẽ giúp Việt Nam xây một căn cứ tàu ngầm cho các tàu lớp Kilo của họ, hứa cấp một khoản vay giúp Hà Nội mua tàu cứu hộ phụ trợ từ Nga, mua máy bay cho hải quân Việt Nam, cũng như xây một bãi sửa chữa tàu – nơi này cũng sẽ phục vụ cả các tàu hải quân Nga ghé qua.
Matxcơva hy vọng có thể lấy lại quyền ra vào khu căn cứ quân sự thời Xô Viết ở vịnh Cam Ranh. Một bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc hồi tuần trước có viết:
Tất cả các hoạt động hợp tác… đều vượt ra ngoài chuyện lợi ích kinh tế và nói chung đều có liên quan tới những mối lo ngại về an ninh và chính trị. Đây là điều chủ yếu mà Nga cân nhắc khi phát triển quan hệ chiến lược với Việt Nam. Tầm quan trọng của biển Hoa Nam [đối với Nga] phụ thuộc không chỉ vào nguồn tài nguyên phong phú mà còn vào ý nghĩa chiến lược của vùng biển này, nơi Nga đặt tầm nhìn chiến lược. Với việc nền kinh tế đang phục hồi và cải cách quân sự được đẩy mạnh, Nga đã bắt đầu tiến về phía đông.
Việt Nam dứt khoát là bàn đạp… Về bản chất, Nga đứng sau Việt Nam thì cũng không khác gì Mỹ, đất nước đang đứng sau Philippines mà thèm khát biển Hoa Nam.
Bài xã luận dự báo rằng sự đột nhập của Nga vào Biển Đông sẽ bắt đầu động chạm tới các lợi ích sống còn của Trung Quốc một khi năng lực quân sự của Nga được phục hồi đầy đủ. Vậy Trung Quốc có thể làm gì được? Bài xã luận viết: “Trung Quốc phải tăng cường sức mạnh của chính mình và tìm kiếm càng nhiều càng tốt lợi ích chung với Nga. Sức mạnh dân tộc là cơ sở và là sự bảo đảm cho một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, và trong khuôn khổ các lợi ích chung, Nga có thể sẽ thận trọng hơn với bất kỳ quyết định nào liên quan tới Trung Quốc”.
Quan điểm phổ biến là Nga lo sợ về “một nước Trung Hoa đang trỗi dậy” – về khả năng trở thành nước thứ yếu về nguyên liệu thô, về sự mất cân đối dân số ở Siberia và Viễn Đông, vân vân. Nhưng ngược lại, Trung Quốc có lúc nào đó cảm thấy bất an về sự nổi lên của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương và một hiệp ước thân thiện Nga-Mỹ không?
Quả thật, những tiếng nói có ảnh hưởng trong cộng đồng xây dựng chiến lược ở Mỹ, như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski, đã lập luận rằng Mỹ nên “chào mừng bạn đã tới phương Tây” với một nước Nga đang dân chủ hóa, và bản thân Mỹ cũng nên thiết tha với vai trò làm “một nhà hòa giải, thiết lập cân bằng khu vực” ở châu Á. Gần đây ông Brzezinski viết trên tạp chí Đối ngoại (Foreign Affairs):
Sẽ là phi thực tế nếu ta hình dung cấu trúc rộng lớn hơn của một phương Tây trỗi dậy sau năm 2025. Trong thời gian vài thập niên trước mắt, Nga có thể bắt đầu một quá trình dân chủ hóa toàn diện, trên nền tảng luật pháp, phù hợp với các tiêu chuẩn của cả EU lẫn NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Khi đó Nga sẽ ở trên bước đường hội nhập với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Nhưng ngay cả trước khi điều đó xảy ra thì một cộng đồng địa chính trị gắn bó về lợi ích có thể sẽ hình thành giữa Mỹ, châu Âu (kể cả Thổ Nhĩ Kỳ) và Nga.
Bão đang nổi dần lên
Liệu một hiệp ước thật sự giữa Mỹ và Nga có khả thi hay không trong nhiệm kỳ tổng thống của Putin? Việc đó vẫn còn là một điểm gây tranh cãi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng lo sợ rằng có những thành phần ưu tú của Matxcơva bị cuốn vào thứ “chủ nghĩa Đại Tây Dương”. Người ta có thể cho là, như Brzezinski đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, “Bây giờ là năm 2012, không phải thời kỳ giữa thập niên 1970”, Nga và Mỹ không còn là kẻ thù của nhau như xưa; những mối kết giao hiện nay của họ hình thành nên “một quan hệ hỗn hợp” – kết hợp giữa thực tiễn, sự đối kháng và thái độ trung lập. Họ có thể có những khác biệt về chính trị xung quanh vấn đề Syria hay Iran, nhưng họ cũng có nhiều như thế những lợi ích chung về an ninh quốc gia, mà một ngày nào đó có thể bao gồm cả nguy cơ “Trung Hoa trỗi dậy”.
Trong đầu óc người Nga quả thật có một “nỗi hận còn đọng lại” – như cách nói của Brzezinski. Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama đang dự định sẽ xử lý việc này nếu ông tái đắc cử. Gần đây có nguồn tin nghe được Tổng thống Obama phát biểu bên lề một hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân (tổ chức ở Seoul nhằm vận động Tổng thống Nga Dmitry Medvedev giúp truyền tải thông điệp tới Putin) rằng ông Obama cần “thời gian suy nghĩ”, cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới diễn ra xong xuôi, về vấn đề tên lửa (ABM – tên lửa chống tên lửa đạn đạo) và các bất đồng khác trong quan hệ Mỹ-Nga.
Kể từ đó Matxcơva đã dịu giọng hơn khi nói về vấn đề ABM với Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc lại lớn tiếng phê phán chương trình ABM của Mỹ. Hôm thứ tư (11-4), tổng giám đốc Vụ Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông La Chiếu Huy (Luo Zhaohui), nói với tờ Nhân Dân Nhật Báo rằng việc triển khai hệ thống ABM tại châu Á-Thái Bình Dương có thể “gây tác động tiêu cực tới ổn định chiến lược trong khu vực và toàn cầu, và đi ngược lại nhu cầu an ninh” của các nước trong khu vực.
Do đó, hợp đồng của Gazprom với Việt Nam xuất hiện như một bài kiểm tra thực tế của Bắc Kinh về các ý định của Nga. Tựa đề bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu đã nói lên tất cả: “Putin tìm lại quá khứ Xô Viết trong chiến lược biển Hoa Nam”. Bài xã luận khá là thẳng thừng: “Những ý định và hành động của Nga là rất đáng chú ý. Trung Quốc cần phải làm rõ mọi dự định chiến lược của Nga ở biển Hoa Nam. Trên thực tế, suốt những thập niên qua, Nga chưa bao giờ ngừng chú ý tới khu vực, và họ có lợi ích bất di bất dịch ở đây”.
Các bài báo tiếng Trung đó xuất hiện ngay trước chuyến thăm Matxcơva hôm thứ sáu (13-4) của Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì. Trong chuyến đi này, Dương Khiết Trì đã gặp người đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov và có lẽ đã đưa vấn đề hợp đồng của Gazprom trên Biển Đông ra bàn thảo. Thật thú vị là vào hôm thứ sáu, Khiết Trì cũng điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ, bà Hillary Clinton, để truyền đạt “tinh thần sẵn sàng hợp tác chặt chẽ” của Trung Quốc với Mỹ trong nỗ lực nhằm sớm đạt được một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria.
Dương có định ám chỉ một sự điều chỉnh gì về vấn đề Syria chăng? Khó nói. Bắc Kinh đã luôn nghĩ khác và làm khác các nước khi họ ủng hộ lập trường của Nga – mà lập trường ấy vốn dĩ dựa trên các lợi ích cụ thể của Nga ở Syria – và mạo hiểm mối quan hệ đang được cải thiện của họ với các vương quốc lắm tiền nhiều dầu vùng Vịnh. Sự nhiệt tình đó của Trung Quốc có lẽ không có lý do nào xác đáng – những cơn bão ngầm đang nổi lên bên dưới bề mặt “hợp tác đối tác chiến lược toàn diện” giữa Trung Quốc và Nga sẽ cho thấy điều này.
Đại sứ M K Bhadrakumar là nhà ngoại giao cao cấp ở Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Ông từng làm nhiệm vụ ở Liên Xô, Hàn Quốc, Sri Lanka, Đức, Afghanistan, Pakistan, Uzbekistan, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chú thích của người dịch:
(*) Tựa đề gốc: A fly in China’s Russian oinment, dịch sát nghĩa là “con ruồi trong lọ thuốc mỡ Nga của Trung Quốc”. “Con ruồi trong thuốc mỡ” là thành ngữ tiếng Anh chỉ một khuyết tật, một hạn chế, điểm không thuận, làm giảm giá trị của một thứ lẽ ra là tốt đẹp.
(*) “Et tu, Brute?” là cụm từ tiếng Latin, có nghĩa là “Cả anh nữa sao, Brute?” Cụm từ này xuất phát từ vở Julius Caesar của William Shakespeare, là câu cuối cùng nhân vật Caesar nói khi bị ám sát. Trước khi chết, Caesar nhìn thấy người bạn thân thiết của mình, Brutus, trong đám người ám sát ông. Trong bài này, ý tác giả muốn nói việc công ty Gazprom của Nga hợp tác với Việt Nam cũng gây sốc cho Trung Quốc như Brutus đã gây sốc cho Caesar.
Bản dịch: Thủy Trúc, theo: geopolitica.ru
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment