(Toquoc)-Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc tại Phnom Penh ngày 19/11 có một số ý tưởng mới, nếu dẫn tới việc ký kết COC, sẽ là một cột mốc hợp tác để kiểm soát cuộc xung đột tại Biển Đông.
Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) lần thứ 45, tháng 7/2012, tại Phnom Penh, không ra được Tuyên bố chung do bất đồng liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông. Sự kiện thất bại không ra được Tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng ASEAN xẩy ra lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN. Bắc Kinh đã thành công trong chia rẽ ASEAN, tuy sự chỉ trích quốc tế cũng chĩa vào Bắc Kinh. Nhưng sự phân hóa và chia rẽ trong nội bộ ASEAN trong vấn đề Biển Đông đã bộc lộ rõ nét nhất tại AMM-45 kể từ khi vấn đề Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự của các diễn đàn ASEAN trong vòng 20 năm qua.
Ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia Marti Natalegawa đã giúp cứu vãn phần nào uy tín ASEAN sau thất bại không ra được Tuyên bố chung AMM ngày 13/7/2012, với việc đề ra sáng kiến 6 điểm đưa ra tại cuộc họp báo chiều 20/7/2012 tại Phnom Penh. Theo Tuyên bố của Ngoại trưởng nước chủ nhà với sự chứng kiến của Ngoại trưởng Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhắc lại và tái khẳng định cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN về việc:
(1) Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (2002). (2) Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (2011). (3) Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. (4) Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. (5) Tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực. (6) Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Tuyên bố khẳng định các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quyết tâm tăng cường tham vấn trong ASEAN nhằm phát huy các nguyên tắc nêu trên, phù hợp với Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (1976) và Hiến chương ASEAN (2008).
COC - con đường hẹp phía trước
Sau thỏa thuận 8 điểm Bali 2011, thể hiện vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, từ tháng 11/2011, Lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định tiến hành tham vấn nội bộ ASEAN về Bộ quy tắc COC, làm cơ sở để sau đó trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc. Cuối năm 2011, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu đàm phán về COC. Nhóm công tác đã phải trải qua 7 vòng tham vấn.
Tuy nhiên, không ai có ảo tưởng về khả năng sớm có một thỏa thuận tiến tới ký kết COC. Vào thời điểm sau khi diễn ra Hội nghị AMM-45 tại Phnôm Pênh, Tiến sĩ Storey, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, trả lời phòng vấn của Hội đồng nghiên cứu châu Á (NBR), nhận định rằng có rất ít sự vững chắc trong bản dự thảo COC của ASEAN. Bản dự thảo COC “hoàn toàn thiếu những sức mạnh hiệu quả và đó là viễn cảnh của một số kiểu sức mạnh ép buộc nhằm ngăn chặn tình trạng vượt quá giới hạn và sự gây hấn mà những người trong và ngoài ASEAN đã mong muốn chứng kiến chỉ cách đây hai năm”. Theo Tiến sĩ Storey, không có điều gì mới, và chắc chắn không có điều gì khiến nó có tính “ràng buộc pháp lý” như hình dung ban đầu. Nếu ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử, nó có thể nặng về mặt biểu tượng và nhẹ về mặt nội dung. Do đó, một thỏa thuận khó có thể có một tác động đáng kể nào đối với việc giảm căng thẳng ở Biển Đông hay đưa tranh chấp đi gần hơn tới giải pháp.
Còn theo ông Surin Pitsuwan, Tổng Thư ký ASEAN, sự chia rẽ giữa các nước ASEAN đã khiến cho bản dự thảo COC “vẫn còn cách hàng kilomet mới tới được sự dàn xếp với Trung Quốc” trong vấn đề Biển Đông.
Do những chiều hướng quân sự của tranh chấp từ phía Trung Quốc đang dần làm vấn đề trở nên phức tạp hơn, triển vọng xử lý các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình thậm chí có thể trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, ở đây còn hiện hữu sự cạnh tranh chiến lược đang nổi lên giữa Trung Quốc và Mỹ với khả năng có thể làm cho các nỗ lực quản lý những tranh chấp này thậm chí còn khó khăn hơn.
Dù có phải là bên yêu sách hay không, ASEAN có những lợi ích quan trọng tập thể liên quan tự do thông thương hàng hải, nguồn lợi biển nuôi sống hàng trăm triệu người trong khu vực... Đặc biệt, việc giải quyết vấn đề Biển Đông không thể tách rời tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh - một trong ba trụ cột chính giúp hình thành một Cộng đồng ASEAN ổn định, thống nhất và phát triển phồn thịnh của các nước Đông Nam Á. Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng cộng đồng này là tạo ra sân chơi hợp tác an ninh khu vực thống nhất trong lĩnh vực an ninh truyền thống, mà vấn đề an ninh Biển Đông là một nội dung rất quan trọng. Việc thực hiện DOC được các hội nghị ASEAN năm 2009 xác định là một trong 11 ưu tiên của việc xây dựng Cộng đồng chính tri-an ninh.
Địa-chiến lược quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia này khác với một quốc gia khác. Về điểm này, lập trường của ba nước Malaysia, Philippines và Việt Nam trong quá trình Trung Quốc tranh chấp Biển Đông diễn ra trong hai năm 2010-2011 mang lại một minh họa không gì rõ ràng hơn.
Theo nhận xét của Tiến sĩ Ian Storey, nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, ngày 4-5/11/2011, việc quản lý xung đột và giải quyết xung đột ở Biển Đông không chỉ vấp phải thái độ bất hợp tác của Trung Quốc mà từ chính sự phức tạp trong nội khối ASEAN; về COC, ASEAN dường như chỉ đưa ra cam kết mang tính hình thức.
Chút ánh sáng cuối đường hầm
Ngày 19/11/2012, tại thủ đô Phnôm Pênh, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã gặp nhau để kỷ niệm 10 năm ký DOC và đưa ra bản Tuyên bố chung 9 điểm. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC; tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), 5 Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, với vai trò là các chuẩn mực chung chỉ đạo quan hệ giữa các quốc gia.
Tuyên bố bày tỏ quyết tâm tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC; thực hiện các dự án và hoạt động hợp tác chung đã thỏa thuận trên cơ sở phù hợp với Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC; tiếp tục hợp tác tăng cường an ninh biển, trong đó bao gồm bảo đảm tự do thương mại, an toàn hàng hải và giao thông trên biển, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tiếp tục khuyến khích các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Đặc biệt, Tuyên bố chung cam kết giữ đà đối thoại và tham vấn nhằm tăng cường sự tin cậy, lòng tin và hợp tác, và cùng hợp tác tiến tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Nhắc lại một số nội dung cũ, ghi nhận một số ý tưởng mới, bản Tuyên bố chung 19/11 là một bước phát triển có ý nghĩa nhất định trong vấn đề Biển Đông. Nếu nó dẫn tới việc ký kết thỏa thuận về COC, đó sẽ là một cột mốc nữa trên con đường hợp tác ASEAN-Trung Quốc để kiểm soát cuộc xung đột tại Biển Đông. Thời gian sẽ kiểm chứng và cho câu trả lời./.
Comments[ 0 ]
Post a Comment