Canada sẽ cứng rắn với Trung Quốc về biển Đông
Monday, June 3, 2013
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay cho hay ông sẽ thảo luận thẳng thắn với người đồng cấp Trung Quốc về các động thái quân sự trên biển Đông.
Tờ Toronto Sun (Canada) ngày 2-6 đưa tin trước khi rời Đối thoại Shangri-La ở Singapore sang thăm Trung Quốc, Bộ trưởng MacKay nhấn mạnh ông sẽ có những cuộc thảo luận “thẳng thắn và cởi mở” với Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Thường Vạn Toàn về các động thái quân sự hung hăng trên biển Đông và khuynh hướng gián điệp mạng của Trung Quốc.
Theo ông MacKay, những nội dung trên đều là chủ đề chính của các cuộc đối thoại tại Shangri-La 2013, cả chính thức lẫn bên lề. Với mục đích phát triển thương mại, Canad gần như không đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông MacKay ám chỉ điều này có thể thay đổi.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay. Ảnh: Toronto Sun
Mỹ - Nhật - Úc cùng ngại Trung Quốc
Đài NHK dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết ông chia sẻ lo ngại với hai người đồng cấp Mỹ và Úc về các hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Hôm 1-6, ông Onodera hội đàm với 2 bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel của Mỹ và Stephen Smith của Úc bên lề Đối thoại Shangri-La.
Sau cuộc họp, 3 nước ra tuyên bố chung kêu gọi đảm bảo quyền tự do hàng hải trên các vùng biển khu vực và xúc tiến giải pháp hòa bình cho mọi cuộc xung đột dựa trên luật quốc tế. Tuyên bố chung cũng phản đối mọi nỗ lực "cưỡng ép thay đổi hiện trạng".
"Tôi đã gặp nhiều người đồng cấp tại Singapore và họ gần như đồng thanh thúc giục Trung Quốc tôn trọng thẩm quyền, quyền chủ quyền của họ. Vì vậy tôi định phát biểu một cách công khai, thẳng thắn và bày tỏ quan điểm của Canada" - ông MacKay nói.
Về tấn công mạng, Canada cũng không thoát các tin tặc Trung Quốc. Theo Toronto Sun, cả chính phủ và ngành công nghiệp Canada đều “dính” hàng loạt vụ tấn công xuất phát từ Trung Quốc trong những năm gần đây, kể cả vụ tấn công lớn nhằm vào hệ thống tài chính Canada năm 2011. Ông MacKay cho biết sẽ "khuyến khích Trung Quốc tôn trọng hơn những quy định của Canada về quản lý và bảo vệ các hệ thống máy tính”.
Trước đó, cùng ngày 2-6, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc tuyên bố tại Shangri-La 2013 rằng tàu chiến của nước này sẽ tiếp tục tuần tra trên biển Đông và những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Trong bài phát biểu của mình, Trung tướng Thích Kiến Quốc khẳng định việc các tàu Trung Quốc tuần tra những vùng biển tranh chấp là "hành động hợp pháp", đồng thời nhắc lại chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển tranh chấp là "vấn đề không thể bàn cãi". Tướng Thích cũng tái khẳng định Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương.
Tàu sân bay Nimitz của Mỹ được cho rằng đang tuần tra khu vực tranh chấp trên Biển Đông với sứ mệnh ngăn chặn Trung Quốc tập trận và không để cho tranh chấp lãnh hải leo thang.
Theo Hoàn cầu Thời báo, tàu chiến của 3 hạm đội Trung Quốc đã tập trận trong vùng biển gần Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa và sự hiện diện của “siêu tàu sân bay” Nimitz của Mỹ tại khu vực trong thời gian Hải quân Trung Quốc tập trận hàm chứa thông điệp cho cả Bắc Kinh lẫn Manila.
Đối với Trung Quốc, Mỹ muốn gửi lời cảnh báo rằng Washington sẽ ngăn chặn Bắc Kinh tập trận ở những khu vực tranh chấp. Đối với Philippines, Mỹ không cho phép để căng thẳng vượt tầm kiểm soát, đặc biệt là khi Manila vẫn đang vướng vào căng thẳng với Đài Loan, cũng là đồng minh thân cận của Mỹ.
Hoàn cầu Thời báo cho rằng mặc dù Mỹ giải thích động thái trên là để tăng cường hợp tác hải quân với các nước ASEAN, nhưng mục đích chính là nhằm hạ nhiệt căng thẳng đang sôi sục tại quần đảo Trường Sa.
"Siêu tàu sân bay” lớp Nimitz của Mỹ không chỉ xuất hiện tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines mà còn thường xuyên triển khai máy bay chiến thuật cảnh báo sớm trên không để giám sát các hoạt động hải quân của Trung Quốc, Đài Loan và Philippines. Trang mạng chính thức của Hải quân Mỹ còn đăng hình ảnh của F/A-18 Hornet cất cánh và hạ cánh trên siêu hàng không mẫu hạm. Quân đội Mỹ hiện đã có tổng cộng 1.458 máy bay F/A-18 Hornet, được xem là chiến đấu cơ tàu sân bay hoàn hảo nhất thế giới hiện nay.
Trước đó một ngày, sau khi phát hiện tàu chiến và tàu hải giám của Trung Quốc lai vãng xung quanh khu vực, Philippines lập tức mạnh mẽ gửi phản đối tới Bắc Kinh tuyên bố những động thái như vậy là hành vi khiêu khích và bất hợp pháp. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai phản đối của Manila, tàu Trung Quốc vẫn án ngữ ở Bãi Cỏ Mây.
Căng thẳng Trung Quốc-Philippines leo thang thêm một nấc mới và không ít nhà quan sát cho rằng Bãi Cỏ Mây đang trở thành điểm nóng, có nguy cơ thổi bùng lên xung đột trên Biển Đông và Mỹ có thể sẽ phải can thiệp bảo vệ đồng minh Philippines. - Theo Kiến Thức
Hải Ngọc (Theo Toronto Sun, Straits Times) - NLĐ
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment